Cuộc đoàn tụ như cổ tích sau 36 năm lưu lạc

Cuộc đoàn tụ như cổ tích sau 36 năm lưu lạc
TP - “36 năm lạc con giữa ngày li loạn ấy là 36 năm mẹ chẳng thể nào có một giấc ngủ tròn giấc. Con trai của mẹ đã về đây thật rồi ư ?”. Bà Quý lần từng ngón tay của mình lên khuôn mặt đứa con trai, khư khư ghì chặt lấy nó như sợ để mất con thêm một lần nữa.
Cuộc đoàn tụ như cổ tích sau 36 năm lưu lạc ảnh 1
Mẹ con ngày gặp mặt. Ảnh : P.V

Hoàng cũng chực tràn nước mắt, ôm chầm lấy vai mẹ … Đó là một ngày Chủ nhật đầu tháng 2 âm lịch vừa rồi, ngôi nhà bà Nguyễn Thị Quý (1/6/8/149 Trần Phú, thành phố Huế) tràn ngập người tới để chứng kiến một cuộc hội ngộ đầy nụ cười nước mắt : Người con trai thứ 6 của bà Quý là Tống Trọng Hoàng lạc mẹ từ lúc 3 tuổi, 36 năm đằng đẵng biệt vô âm tín nay bỗng đột ngột trở về !

 Cuộc ly tán oan nghiệt

Một sáng rét mướt cuối tháng Giêng năm 1972, bà Quý cùng hàng ngàn gia đình ở thành phố Huế quang gánh xoong gạo cùng 6 đứa con chạy bộ theo dòng người hướng vào thành phố Đà Nẵng để tránh đạn bom đang diễn ra ác liệt.

Lúc này đứa con út của bà là Tống Trọng Hoàng mới chỉ 3 tuổi, được ngồi trên lưng anh trai đi chạy nạn. Vào đến ga Đà Nẵng lúc trời đã xẩm tối. Cảnh hàng ngàn người về nhà ga tránh nạn chen nhau như nêm củi. Bà Quý cố chen chúc để tìm cho các con một chỗ nghỉ chân thì trong lúc hỗn độn đó, Hoàng bỗng lạc lúc nào chẳng hay.

Gọi con khản hết giọng, nhưng vẫn không thấy Hoàng. Bà Quý như người mất hồn, vô vọng tìm con giữa biển người. Ban quản lý nhà ga cho thông báo tìm trẻ lạc trên loa phóng thanh nhưng vẫn không có kết quả. Bà tuyệt vọng, vật vã gào khóc giữa sân ga …

Thành phố giải phóng, trở về nhà, bà bán tất cả những thứ giá trị nhất để lấy tiền lên đường đi tìm lại giọt máu của mình nhưng tất cả chỉ là nước mắt và nỗi tuyệt vọng khốn cùng.

Mất chồng, mất luôn cả đứa con đứt ruột đẻ ra, nỗi đau ấy giằng xé lên thân xác người mẹ bất hạnh. Một mình bà cực khổ nuôi 5 đứa con nheo nhóc. Chiều nào bà cũng ra ngõ ngóng đứa con út một ngày kia sẽ trở về, nhưng năm này rồi qua năm khác, con trai vẫn biền biệt…

Đã có lúc bà định lập một bàn thờ cho con, nhưng từ sâu thẳm, bà vẫn nuôi một tia hy vọng rằng điều thần kỳ sẽ đến.

Cuộc đoàn tụ như cổ tích sau 36 năm lưu lạc ảnh 2
Mẹ con mừng tủi trong ngày gặp nhau

Những ngày phiêu dạt

Chuyện từ ngày li loạn cho đến lúc gặp lại gia đình mình của Hoàng y hệt như một câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu, mà nghe Hoàng kể, ai cũng bảo nó thật giống với nhân vật anh trai cày nghèo, chăm chỉ, đi ở cho phú ông trong các câu chuyện cổ tích.

Kể lại hành trình lưu lạc của mình, Hoàng chẳng nhớ nổi mình bắt đầu tồn tại tự lúc nào, chỉ biết rằng “mình đã lên con tàu ấy, lăn lóc ở cái chợ nào đó rồi ngất lịm đi một lúc nào đó”, rồi … thấy mình 8 tuổi. Một người đàn bà góa chồng bán quần áo ở chợ Cầu Muối, tỉnh Bình Dương đã nhặt anh về cho ăn, nuôi nấng giữa lúc đói khát.

Đến bây giờ Hoàng chẳng còn có thể nhớ nổi tên người ân nhân đầu tiên đã cưu mang anh. Nhưng anh vẫn còn nhớ rằng, sống với bà được 2 năm thì người đàn bà ấy bỗng đột ngột bị bệnh và ra đi.

Sau khi bà mất, Hoàng lại trở thành đứa trẻ bơ vơ, không người thân thích, không nơi nương tựa, anh lại lao ra đường, tiếp tục làm “sói con” không nhà. Giữa lúc hấp hối vì cơn đói và cái rét hành hạ, anh may mắn được các chú bộ đội cạnh một doanh trại đem về nuôi và đặt cho cái tên là Trung.

Lúc này, anh mới chính thức được có một cái tên ! Một ngày tháng 5 năm đó, có một người to béo tên là Tư Xiêm, bạn của các chú bộ đội ghé trại lính chơi, thấy thằng bé thích quá, liền xin đơn vị cho được nhận nó về nuôi “cho đỡ cô đơn” !

Thế nhưng, thời gian nghiệt ngã vẫn chưa chấm dứt. Sau gần một năm, chú Tư Xiêm lên làm chủ tịch xã và bắt đầu có … người yêu. Hoàng bị bỏ rơi thêm một lần nữa.

Đói khát, rách rưới, Hoàng sống lay lắt nơi đầu đường xó chợ, gặp được thứ gì có thể ăn được là cho vào mồm để tránh đói. Kể lại những tháng ngày đó, Hoàng vẫn còn nhớ là có nhiều đêm anh đã chết tái đi vì rét, nhưng nắng lên lại thấy mình … còn sống.

Năm 10 tuổi, Hoàng được nhận vào làm chăn trâu cho ông Chính Hoàng (ấp Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương). Đây cũng chính là thời gian mà anh phải chịu đựng sự đói khổ và tủi nhục ghê gớm nhất.

Một đứa bé mới chỉ 10 tuổi phải làm lụng tất cả mọi việc từ nặng đến nhẹ, mỗi ngày chỉ được ăn 2 bát cơm, hôm nào ốm không đi làm được thì nhịn đói.

Mỗi năm chỉ được phát duy nhất một bộ áo quần, giữa rét mướt, chiếc áo vá chằng vá đụp đến chẳng còn chắp thêm được mảnh vải nào nữa, vậy mà anh vẫn phải cởi ra giặt để rồi chờ khô lại khoác vào cho đỡ rét.

Nhiều hôm, Hoàng lả đi giữa cơn đói khát và làm việc quá sức. Khổ quá, Hoàng lẻn trốn, bắt xe Bắc Nam xin đi làm phụ xe; thế nhưng sức vóc yếu ớt, mệt nhọc, Hoàng phải chịu vất vả và đói khát gấp cả ngàn lần so với lúc chăn trâu cho ông Chính Hoàng. Một năm sau, Hoàng lại phải quay lại đi chăn trâu để kiếm miếng ăn.

Cuộc đời bắt đầu bớt khổ vào năm Hoàng 13 tuổi, cậu được một gia đình ở ấp Lai Khê là ông Nguyễn Quý và cô Giằng Thị Anh làm nghề trồng cao su nhận về làm con nuôi.

Từ ngày về ở với gia đình mới, cha mẹ nuôi yêu thương Hoàng như chính con ruột của mình. Tháng ngày trôi qua, Hoàng lớn lên trong sự đùm bọc chở che.

Năm anh 28 tuổi, hạnh phúc chợt đến với đời anh như định mệnh. Người con gái đồng cảnh ngộ là Trần Thị Xuân, mất mẹ từ sớm, cha đi lấy vợ khác, Xuân lang thang vào Bình Dương kiếm sống. Một lần tình cờ, Xuân đã gặp và yêu thương Hoàng.

Hai con người khốn khổ gặp nhau như hai mảnh chiếu rách, gắn bó đời nhau xây dựng mái ấm. Đám cưới diễn ra thật đạm bạc nhưng ấm cúng, bạn bè biết đến tham dự và chúc phúc, cha mẹ nuôi đứng ra tổ chức và làm đại diện cho Hoàng.

Từ ngày lấy Hoàng về, đêm nào Xuân cũng nghe chồng trằn trọc, giật mình rồi khóc ướt cả gối. Dù đã có một tổ ấm hạnh phúc, nhưng khát khao tìm lại gia đình mình vẫn không hề nguôi trong anh. Anh vẫn ôm hy vọng, dù thật mong manh, đến một ngày nào đó sẽ tìm lại được nơi mình đã sinh ra.

Cuộc đoàn tụ như cổ tích sau 36 năm lưu lạc ảnh 3
Bà Quý, Hoàng cùng vợ và hai con sum tụ bên nhau trong mâm cơm ngày gặp mặt - Ảnh: Bá Dũng

Hành trình tìm về cội

Một buổi sáng, sau cuốc xe lôi rã rời để kiếm tiền, anh dạt vào một quán hủ tiếu. Người đàn ông bán hàng cất tiếng đặc sệt giọng Huế làm Hoàng giật mình !

Như một tiếng gọi của nguồn cội, tự sâu thẳm, anh bỗng có một niềm tin lạ thường và chắc chắn rằng mình cũng có chung quê hương với ông già bán hủ tiếu đó.

Ý nghĩ đó thôi thúc anh ngay cả trong giấc mơ. Anh mơ thấy mình được gặp một ông già râu tóc hoa râm, chống trên tay chiếc gậy trắng muốt nói với mình: “Con cứ đi đi rồi khắc sẽ thấy, ta sẽ dẫn đường cho con tìm về nguồn cội”.

Anh tìm lại quán hủ tiếu, kể chuyện của mình cho người chủ quán. Thương Hoàng, ông bảo về chuẩn bị tiền để lên đường ra Huế tìm lại gia đình cho anh.

Sáng ngày 3/2/2008, Hoàng và ông già bán hủ tiếu đặt chân đến thành phố Huế, men theo những khu vực xung quanh nhà thờ Phủ Cam để tìm kiếm, lần mò.

Thế nhưng, mọi thứ giờ đây đã đổi khác quá nhiều so với những gì ít ỏi mà anh còn nhớ trong quá khứ. Thông tin duy nhất có thể giúp anh tìm lại được gia đình mình là “nhà mình gần một ngôi nhà thờ to nhất thành phố, mẹ mình có khuôn mặt thật phúc hậu”.

Đã có lúc mọi chuyên tưởng như rơi vào ngõ cụt thì Hoàng được một người mách nước rằng, cách tốt nhất là vào nhà thờ xin linh mục giúp đỡ.

Câu chuyện tìm kiếm lại gia đình của anh được cha xứ nhà thờ Phủ Cam rao trong một buổi lễ sáng Chủ nhật khiến cả nhà thờ xôn xao, không ít người biết rằng tại giáo xứ của mình cũng có một người đàn bà đã lạc con cách đây 36 năm về trước.

Nghe tin, bà Quý như chết ngất vì vui sướng. Mấy người con trai tức tốc lần theo địa chỉ để ra nhận mặt em. Ngay từ ánh mắt đầu tiên, tất cả đều phải giật mình vì thấy ánh mắt và khuôn mặt của người con trai đứng trước mặt quá giống máu mủ của mình.

Ở nhà, lúc các con ra đi, bà Quý như ngồi trên đống lửa, bà chắp tay khấn nguyện cầu mong một phép màu sẽ xảy ra …

Để chắc chắn, Hoàng và các anh em đưa nhau lên bệnh viện Trung ương Huế để xét nghiệm máu. Mọi người ôm chầm lấy nhau khóc òa khi bác sỹ báo tin, kết quả xét nghiệm sơ bộ thì Hoàng và các mẫu máu của các anh có cùng huyết thống với nhau.

6 giờ chiều ngày 4/2, Hoàng và các anh em cùng nhau hướng về ngôi nhà nghèo rách của mẹ nằm heo hút trong một con kiệt nhỏ trên đường Trần Phú. Tim Hoàng như đập quá nhịp, người mẹ mà anh hằng mong nhớ và kiếm tìm giờ đây đang cách anh chỉ vài bước chân...

- “Trời ơi, con tui nó đã về với mẹ đây à? Con đây thật sao, con của mẹ đây sao hả con?” - vừa thấy bóng Hoàng, bà Quý liền khóc òa, ôm chầm lấy con.

Trước mặt anh lúc này là một người đàn bà tóc đã trắng xóa, lưng còng, mắt hoẵm sâu và đôi chân đã bước thấp bước cao, nhưng cái nét “phúc hậu lắm” thì y hệt như trong trí nhớ của anh.

Nước mắt anh chực trào lên, thút thít “Hoàng đây thưa mẹ, con trai của mẹ đây, con đã về với mẹ, với các anh chị của con đây”. Mọi người chứng kiến ôm nhau cùng khóc òa.

Đêm ấy, cả nhà bà Quý không ngủ, hàng xóm, mọi người trong khu phố biết chuyện đến xem chật kín cả nhà để nghe Hoàng kể về một quãng thời gian lưu lạc gần một nửa đời người và một cuộc tìm kiếm, đoàn tụ như một câu chuyện cổ tích.

Hoàng của hôm nay đã có một gia đình yên ấm, hạnh phúc với một người vợ đẹp và 2 đứa con ngoan, hiện gia đình anh đang sống tại ấp Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương.

Nhận được mẹ, được gia đình sau gần nửa đời người, tuy nhiên đến bây giờ anh Hoàng vẫn là người không tên tuổi, không giấy tờ tùy thân. Tất cả mọi giấy tờ liên quan đến anh đều đã bị mất trong lúc cùng mẹ đi tránh nạn. Ngay cả một tấm giấy khai sinh cũng không có !

Cái duy nhất để chứng thực về anh là tên tuổi và ngày sinh còn lưu trong sổ danh bạ “rửa tội” của các giáo dân nhà thờ xứ Phủ Cam. “Từ hôm gặp mẹ đến nay, vợ chồng em xoay mọi cách để làm giấy tờ tùy thân nhưng đành bất lực anh ạ ! Chẳng biết làm thế nào nữa cả !”- Hoàng bùi ngùi...

MỚI - NÓNG