Cuộc chuyện với Chủ tịch Vinashin trước ngày bị bắt

Cuộc chuyện với Chủ tịch Vinashin trước ngày bị bắt
TP - Ông Bình ngồi bên cạnh con tàu thủy bằng gỗ vẻ trầm ngâm, chênh chếch phía đối diện là tượng Quan Công mặt đỏ lựng tay xách đại đao. Ông nói: "Cũng xác định tư tưởng hết rồi...".

>> Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin
>> Nợ


Bỏ biển lên bờ

Trước khi ông Phạm Thanh Bình (Nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Vinashin) bị bắt, phóng viên Tiền Phong đã có dịp hiếm hoi gặp với ý định phỏng vấn về những vấn đề đang gây sốt dư luận. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn bị từ chối, tôi cũng tôn trọng ông nên buổi gặp gỡ đó chỉ là cuộc trao đổi ngoài lề đầy tâm tư.

Căn phòng làm việc của ông tại trụ sở Vinashin (trên đường Ngọc Khánh, gần triển lãm Giảng Võ) rộng, được bố trí đặc trưng phong thủy. Chặn trước cửa là một bức bình phong trang trí hình con hổ dữ, kế đến là tượng Quan Công mặt đỏ xách đại đao; tôi tìm mãi không thấy tượng Gia Cát Lượng đối xứng ở trong phòng. Trong buổi chuyện trò, ông Bình miên man tới những câu chuyện thời chiến quốc. Hôm đó, ông Bình vừa bị đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin.

Không giống như nhiều quan chức khác trước khi bị bắt thường là ủ dột, não nề; ông Bình bình thản lạ lùng. Tôi chỉ tay hướng bức tranh đặc tả những cột sóng tung trắng xóa và khen đẹp thì ông nói: "Đó là bức tranh mình thích. Đời mình gắn bó nhiều với biển to, sóng dữ". Có lẽ ít người biết, hồi còn trẻ, ông Bình từng kéo theo đội quân đi kè đảo và xây đèn biển.

"Vì nó trót là con tôi nên mới khó xử và được mọi người chú ý, chứ nếu là một người trẻ tài năng nào đó thì lại khác. Cháu nó phải có thành tựu gì, tôi mới cất nhắc được chứ. Hơn nữa, với vị trí hiện nay thì phải thi cử đàng hoàng."

Ông kể, có lần xây một bờ kè ở đảo chìm xa ngoài khơi, sóng dữ dằn, cá mập lượn lờ, các công nhân dưới quyền đều sợ đứng nhìn trên bờ. Lúc đó, ông Bình đã mặc bộ đồ lặn bất chấp tất cả và hoàn thành múi hàn một đoạn kè quan trọng.

Lang thang đi xây đèn biển, kè đảo một thời gian, rồi ông Bình lên bờ đóng tàu. "Ở dưới biển, tôi bơi rất khỏe, có thể ăn ngủ trên sóng", ông Bình nói. Đó là câu chuyện thời trai trẻ và vô tư. Không hiểu sao, tôi lại nhớ tới chuyện Lý Quỳ đánh chết hổ trên núi nhưng khi giao chiến với người dưới nước lại bị nhận chìm, thua liểng xiểng.

Đề cập chuyện đang ập tới, ông nói: "Cái số đã thế rồi thì khó tránh lắm. Vừa họp cơ quan xong, sợ anh em buồn, tôi còn lên sân khấu hát những bài truyền thống về Vinashin. Có bác công nhân còn nói, trước dư luận ồn ào mà thấy anh Bình thế này thì chúng tôi yên tâm. Bây giờ, dù không có chức danh gì nhưng tôi vẫn cố hoàn thành nốt những phần việc còn lại để bàn giao".

Vì nó trót là con tôi

Thế chuyện về con trai, em trai ông được ưu ái cất nhắc thì sao? "Em trai mình chỉ đại diện phần vốn của Nhà nước có vài chục phần trăm thôi. Mấy chục phần trăm này có phải là tiền đâu, đó chỉ là thương hiệu Vinashin quy ra tiền. Mang tiếng đại diện phần vốn nhưng cũng không có quyền hành gì".

Rồi, ông kể về cậu con trai hiện làm Phó Viện trưởng Khoa học Công nghệ tàu thủy. Trước khi cậu con trai đi du học nước ngoài đã từng được gửi vào học lớp Đóng tàu biển (Đại học Bách khoa Hà Nội). "Khi tôi đề xuất với Đại học Bách khoa để mở lớp, các thầy ở đó sợ không có ai học nên tôi tình nguyện đưa con vào học đầu tiên để làm tin. Sau đó, con mình thi được học bổng nước ngoài thì lại gửi đứa cháu vào. Mình không muốn thanh minh nhưng con mình là đứa thực sự có năng lực", ông Bình tâm sự.

Tôi đã được nghe một câu chuyện khác về Viện phó Khoa học Công nghệ tàu thủy Phạm Bình Minh (sinh năm 1980): Tốt nghiệp đại học một trường danh tiếng ở Mỹ chuyên ngành kỹ sư vỏ tàu thủy được giữ lại trường nghiên cứu tiếp và được một số công ty ở Mỹ mời làm việc, về nước năm 2003 và làm công nhân ở Nhà máy tàu biển Hyundai một thời gian.

Không giống như nhiều quan chức khác trước khi bị bắt thường là ủ dột, não nề; ông Bình bình thản lạ lùng. 

Ông Bình cho biết:"Đó là thời gian trải nghiệm để cháu nó hiểu đời sống thực của công nhân đóng tàu. Ông giám đốc nhà máy mãi mới biết đó là con trai tôi vì tìm hiểu cậu công nhân nói tiếng Anh giỏi. Thậm chí, có lần cháu nó suýt chết khi trèo lên kiểm tra hiện trường lúc còn làm công nhân ở đó. Người ta học đại học 5 năm, nó học chỉ ba năm rưỡi đã tốt nghiệp. Về nước còn bị hồ nghi là chưa tốt nghiệp".

Thế nhưng, quan lộ của con trai ông như hiện nay là quá hanh thông? Dù thi nhưng khi ông là Chủ tịch HĐQT liệu kết quả có khách quan? "Có hội đồng chấm thi có cả người ngoài và các ứng cử viên phải đứng thuyết trình công khai... Thi đỗ và đủ các tiêu chuẩn rồi cũng có phải được đề bạt ngay đâu. Chứ không hẳn, Chủ tịch HĐQT muốn là được".

Theo ông Bình, với năng lực hiện có, con trai ông có quyền lựa chọn vị trí tốt với mức thu nhập cao gấp nhiều lần nếu làm bên ngoài thay vì mỗi tháng lĩnh khoảng 7 triệu đồng ở Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy. "Trong tương lai, nếu mà có chuyện gì xảy ra, khả năng các con (con thứ 2 cũng học về đóng tàu biển - PV) tôi sẽ thôi không đi theo niềm đam mê của bố nó nữa", ông Bình thổ lộ.

Ông Bình từng chèo lái một con tàu Vinashin khổng lồ trên một hải trình đứt gãy; nhưng xem ra những ngày trước khi bị bắt, ông lại thận trọng dẫn lái con thuyền gia đình để đối mặt với khủng hoảng. Trước khi tạm biệt ông Bình, tôi trộm nghĩ tại thời điểm này, con hổ dữ trên bức bình phong chắn ngang cửa phòng và cả tượng Quan Công hình như không phát huy tác dụng mà chủ nhân mong muốn khi sắp đặt phong thủy. Tượng Gia Cát thì vẫn không thấy đâu…

MỚI - NÓNG
Cần Thơ sáp nhập 4 phường ở quận trung tâm
Cần Thơ sáp nhập 4 phường ở quận trung tâm
TPO - Sáng 19/11, UBND quận Ninh Kiều (Cần Thơ) tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1192/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2023-2025.