"Nếu không về Hà Nội, Hà Tây rất có thể sẽ tự toả sáng, trở thành một Bắc Ninh, Bình Dương thứ hai", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI mở lời khi đề cập tới ngày này 10 năm trước.
Trước sáp nhập, Hà Tây đang là câu chuyện thành công về sự chuyển mình, nếu xét về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2005 - 2006, chỉ số PCI của Hà Tây "đội sổ" cả nước nhưng hai năm sau đó, họ đã bứt phá mà theo đại diện VCCI là "ngoạn mục".
Nhưng vừa bước vào giai đoạn thay đổi ấy, sự quyết tâm, nhiệt huyết của Hà Tây bị chững lại bởi một công cuộc lớn hơn: Rà soát, hoàn thiện sáp nhập về với Hà Nội.
Nếu không về với Thủ đô...
Để đánh giá một vấn đề dưới góc nhìn kinh tế, cách chân thực nhất là đưa ra những kịch bản có hay không sự kiện đó và so sánh kết quả từ hai mô hình.
Thực tế, theo Trưởng ban pháp chế VCCI, nếu đánh giá như vậy, kịch bản tăng trưởng của 3 tỉnh lân cận, đặc biệt là Hà Tây, sẽ rất khác "nếu không là người Thủ đô".
“Khi thông qua việc sáp nhập, ít ai nhắc tới một vấn đề là khi nào tiến trình này hoàn tất. Thực tế là, ít nhất phải 4-5 năm sau đó, việc mở rộng mới thực sự hoàn thành", ông Tuấn nói.
Báo cáo từ chính TP Hà Nội cũng cho biết, trong hai năm đầu sau sáp nhập (2009-2010), hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính phải rà soát lại, ban hành mới rồi hàng trăm dự án đầu tư bị đình trệ. Liên tục trong hai năm 2011 và 2012, một loạt các quy hoạch tầm nhìn chiến lược mới được đưa ra.
1/8/2008 - Mốc thời gian lựa chọn mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội, được ông Tuấn cho là khá “nhạy cảm”. Năm 2007, Việt Nam tham gia WTO; năm 2008 mở rộng Hà Nội và mất khoảng 5 năm tiếp theo để hoàn thiện, rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Theo ông, nếu 5 năm đó, các tỉnh lân cận như Hà Tây không phải tập trung cho những việc "rà soát", "chuẩn bị" như thế, cơ hội đón làn sóng đầu tư FDI là khá đáng kể.
“Hà Tây gần Hà Nội như Bắc Ninh hay như Bình Dương gần với TP HCM vậy. Và tỉnh này có nhiều yếu tố hội tụ để trở thành những Bắc Ninh, Bình Dương thứ hai. Bộ máy lãnh đạo Hà Tây gọn nhẹ, hỗ trợ trọng điểm, nhân lực tốt hơn, gần Hà Nội, gần sân bay hơn, hạ tầng đang phát triển. Nếu không sáp nhập, rất nhiều dự án FDI lớn có thể đã đổ về Hà Tây chứ không phải các tỉnh khác như hiện nay”, ông Tuấn phân tích.
Diện mạo kinh tế Hà Nội sau 10 năm
Dẫu có hàng loạt những mệnh đề phủ định "nếu không" ấy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, Hà Tây, một phần Vĩnh Phúc và Hoà Bình không có gì phải quá tiếc nuối khi sáp nhập về Hà Nội bởi phần "Được" đổi lại rất đáng ghi nhận.
Mười năm sau mở rộng, các đầu mối quản lý đã được tinh giản, nhiều trục giao thông cửa ngõ đã thành hình, hạ tầng nông thôn được hiện đại hoá. Theo báo cáo của Hà Nội, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2008 - 2018 đạt bình quân 7,41% mỗi năm. Quy mô GRDP gấp 1,9 lần trước khi mở rộng, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,3 lần lên hơn 3.900 USD.
Điểm tích cực có thể thấy rõ nhất là sự đồng bộ về hạ tầng kết nối. 8 tuyến đường được đầu tư hơn 2 tỷ USD đã làm thay đổi diện mạo Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính.
Trước đây, kế hoạch phát triển giao thông của Hà Nội và Hà Tây không phải lúc nào cũng gặp nhau. Hà Nội sẽ không có động lực để mở rộng hạ tầng sang phía Hà Tây với ưu tiên phát triển cho địa phương này, và ngược lại, Hà Tây cũng vậy. Nhưng khi mở rộng, không gian hành chính rộng hơn, chính sách đồng bộ hơn, từ đó tạo ra sự kết nối đồng đều hơn.
Điểm tích cực nữa là bộ máy được thu gọn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân.
Sau khi sáp nhập, vấn đề liên quan tới tổ chức cán bộ thường gặp phải nhiều rào cản, về tâm tư, con người. Có người phải rời bỏ vị trí trưởng xuống phó. Có người mất cơ hội thăng tiến. Văn hoá các khu vực không đồng nhất.
“Tới nay, bộ máy tinh gọn, con người đồng nhất, không còn tình trạng nhóm này tư tưởng Hà Tây, nhóm kia tư tưởng Hà Nội. Đây là điểm rất đặc biệt và là thành công rất lớn”, ông Cường đánh giá.
'Hà Nội mở rộng' và những khoảng cách
Sau 10 năm, "trái tim" của cả nước với sự mở rộng về ranh giới, dân số đã cải thiện đáng kể vai trò đầu tàu kinh tế của mình.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của Hà Nội cao gấp 1,3 lần tốc độ chung cả nước; quy mô GRDP tăng gấp gần 2 lần sau 10 năm, không chỉ của phần Hà Nội cũ mà của cả vùng mở rộng trước đây. Đến cuối năm 2017, Hà Nội đã đóng góp 19% nguồn thu ngân sách cả nước, 16,5% GDP cả nước.
Tuy nhiên so với TP HCM, tiềm lực đóng góp kinh tế của Hà Nội mới bằng hai phần ba. Mức này, theo PGS. TS Hoàng Văn Cường là khá thấp. "TP HCM mới được thông qua cơ chế đặc thù, nếu Hà Nội không có bứt phá cao hơn, e rằng khoảng cách giữa TP HCM và Hà Nội sẽ ngày càng rộng", ông Cường nói.
Chưa kể vai trò với nền kinh tế nói chung, bản thân Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm với những thách thức nội tại.
Tổng mức đầu tư cho nông thôn giai đoạn 2008-2018 khoảng 18.000 tỷ đồng và gần 3/4 nguồn vốn này được hỗ trợ riêng 14 huyện, thị của Hà Tây và Mê Linh. Vậy nhưng, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, chênh lệch trình độ văn hóa của những công dân thủ đô vẫn còn lớn. Thu nhập đầu người tính chung là 86 triệu đồng năm 2017, nhưng tính riêng khu vực nông thôn chỉ là 38 triệu đồng.
Lý giải về việc này, PGS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng đầu tư của Hà Nội những năm qua tập trung quá nhiều vào vùng lõi trung tâm, nên tốn kém mà hiệu quả đem lại không cao.
Ví dụ, theo ông, nếu muốn phát triển đô thị, khu công nghệ cao Hoà Lạc, không chỉ có một tuyến đường cao tốc Láng - Hoà Lạc mà phải xây dựng hệ thống tàu điện nhanh, trung tâm y tế, bệnh viện, công trình xã hội... "Nhờ vậy, sẽ có được công trình hạ tầng đường bộ hiện đại, kết nối vùng trung tâm với lân cận và thu hút nhà đầu tư vào phát triển khu đô thị mới, kéo giãn mật độ khu đô thị trung tâm", ông Cường phân tích.
Cũng liên quan tới đời sống người dân thủ đô sau mở rộng, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế sinh ra và lớn lên tại Hà Nội - còn đề cập tới hệ quả từ những cơn sốt đất đã đẩy giá bất động sản lên quá cao. “Đáng lẽ khi Hà Nội mở rộng phải làm giảm chi phí mặt bằng chung xuống vì diện tích thành phố đã lớn hơn. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, giá nhà đất quá cao, kéo cả giá ở những địa phương được sáp nhập vào Hà Nội. Như vậy giúp gì cho người dân, doanh nghiệp hay lại đưa Hà Nội trở thành thành phố đắt đỏ nhất", bà đặt nghi vấn.
Những năm tới...
10 năm nhìn lại, nhiều kỳ vọng và dự án của Hà Nội vẫn còn nằm trên giấy với một trong những điểm nghẽn lớn nhất, theo các chuyên gia, là quản lý quy hoạch. Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, Hà Nội đã được quy hoạch tới năm 2030 tầm nhìn 2050, nhưng chưa chỉ ra được phân kỳ, tiến trình đầu tư phù hợp và lộ trình thực hiện để tạo ra sự phát triển đồng bộ, liên kết đô thị.
"Thời gian qua, chúng ta phát triển đô thị dựa vào quy hoạch song không đi theo kế hoạch, dẫn tới chuyện phát triển theo quy hoạch nhưng mang tính tự phát, phát triển đô thị không đi kèm hạ tầng, giao thông công cộng", ông nói.
Bên cạnh đó, với một đồ án đô thị lớn nhất từ trước tới nay mà Hà Nội đã xây dựng khi mở rộng, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn để triển khai. Theo đánh giá của ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguồn vốn để quy hoạch Thủ đô vẫn ở khoảng cách khá xa so với nhu cầu phát triển.
Thực tế, xét về dài hạn, một lợi thế khác từ việc mở rộng địa giới còn là dư địa để tăng trưởng với nền kinh tế tri thức. Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng 10-20 năm tới, khi chi phí thấp không còn là trở lực với quá trình đầu tư, việc sáp nhập có thể tạo cơ hội cho thành phố phát triển những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, đòi hỏi chất xám nhiều hơn.
Đơn cử, việc đầu tư các khu công nghệ cao với ưu tiên về nguồn nhân lực sẽ là điểm mạnh với nền tảng tri thức Hà Nội. Thành phố tập trung nhiều trường đại học với nguồn nhân sự chất lượng cao, sẽ thu hút các tập đoàn xây dựng các trung tâm công nghệ cao ở vùng gần để tận dụng lợi thế này.
"Mở rộng không phải là sai lầm. Càng mở rộng, càng tạo sự kết nối, phát triển. Chỉ có điều, chiến lược, tư duy, cách làm cần đầu tư trọng điểm, tạo điểm nhấn đồng bộ", ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.