'Cuộc chiến vàng' tàn khốc tại Darfur

'Cuộc chiến vàng' tàn khốc tại Darfur
Vào một buổi sáng đầu tháng 1, hàng chục chiếc Land Cruiser bao quanh thị trấn El Sireaf gần mỏ vàng Jebel Amer. Những người đàn ông mang theo súng cối, súng máy và bắt đầu bắn….

Với cây bụi, đường không trải nhựa và những túp lều bằng gạch bùn, khu vực Amer Jebel ở Darfur, phía tây Sudan, trông có vẻ nghèo khổ. Tuy nhiên, dưới mặt đất khu vực này có một thứ quý giá mà mọi người đang tìm kiếm: vàng!

Trong nhiều năm qua, kim loại quý này bắt đầu thay đổi bản chất cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua ở Darfur, biến nó từ một cuộc đấu tranh dân tộc và chính trị thành cuộc chiến "vàng".

Cân vàng thô tại một cửa hàng tại thị trấn Al-Fahir, Bắc Darfur. Ảnh: Reuters
Cân vàng thô tại một cửa hàng tại thị trấn Al-Fahir, Bắc Darfur. Ảnh: Reuters.

Vàng thay thế "vàng đen"

Kể từ đầu năm đến nay, các cuộc giao tranh giữa các bộ lạc tại mỏ vàng Jebel Amer trải dài 10km bên dưới những đồi cát ở Bắc Darfur, đã giết chết hơn 800 người và khiến khoảng 150.000 người phải chạy trốn.

Các bộ tộc Arab, từng được chính phủ trang bị vũ khí hạng nặng để ngăn chặn quân nổi dậy, quay súng vào nhau để giành quyền kiểm soát các mỏ vàng. Các nhóm nổi dậy chống chính phủ cũng muốn giành các mỏ.

Số người chết tại mỏ vàng nhiều gấp đôi số người chết do giao tranh giữa quân đội, quân nổi dậy và các bộ lạc đối thủ ở Darfur trong năm 2012, theo báo cáo của HĐBA LHQ. Các quan chức LHQ và các nhà ngoại giao cho biết, chính phủ Sudan đồng lõa trong các vụ bạo lực bằng cách khuyến khích ít nhất một nhóm nổi dậy nắm quyền kiểm soát các mỏ, song chính phủ bác bỏ điều này.

Bạo lực hồi sinh gần đây bắt nguồn từ việc Sudan mất một phần lớn lãnh thổ trước Nam Sudan, đồng nghĩa với việc mất phần lớn sản lượng dầu- trị giá khoảng 7 tỷ USD vào năm 2010 - khiến nền kinh tế rơi vào khốn đốn.

Để thay thế nguồn dầu bị mất, chính phủ Khartoum khuyến khích người dân đào vàng. Theo Bộ Khai thác mỏ, giờ đây, có đến nửa triệu người đang đến khu vực phía Bắc để tìm kiếm kim loại quý giá này.

Cơn sốt vàng giúp sản lượng khai thác vàng tại Sudan tăng 50% vào năm ngoái, lên mức khoảng 50 tấn, biến nước này trở thành nước sản xuất vàng lớn thứ 3 ở Châu Phi, sau Nam Phi và Ghana.

Tuy nhiên, khoảng 1/4 sản lượng vàng hàng năm của Sudan được nhập lậu ra nước ngoài. Nếu thực tế này là đúng, chính phủ mất đến 700 triệu USD vào năm ngoái.

Chính phủ hỗ trợ tìm vàng

Vào một buổi sáng đầu tháng 1, hàng chục chiếc Land Cruiser bao quanh thị trấn El Sireaf gần mỏ vàng Jebel Amer. Những người đàn ông mang theo súng cối và súng máy và bắt đầu bắn.

"Tôi nhìn thấy 30 chiếc xe. Họ đến từ tất cả các bên và bắn ngẫu nhiên vào những ngôi nhà", Fateh một công nhân đang trốn trong ngôi nhà của mình khi cuộc tấn công xảy ra, cho biết. "Họ bắn phụ nữ, trẻ em, thậm chí gia súc, bất cứ điều gì họ phát hiện", ông nói.

Những kẻ tấn công, các thành viên của bộ tộc Arab Rizeigat, xuất hiện với mục tiêu: nắm quyền kiểm soát các mỏ từ bộ lạc Bani Hussein đối thủ. Một thỏa thuận ngừng bắn đạt được vào cuối tháng 1, nhưng hai bộ tộc chiến đấu một lần nữa vào tháng 2 và tháng 6. Rizeigat gửi hàng trăm tay súng đến đây để củng cố quyền kiểm soát.

Trước khi cuộc chiến bắt đầu, khu vực này do các thợ mỏ thủ công nhỏ kiểm soát. Nhiều người trong số họ đến từ nước láng giềng Chad, Cộng hòa Trung Phi và các nước xa xôi ở Tây Phi như Nigeria và Niger.

Thậm chí một số người Libya, Syria và Jordan. Vàng được đưa lậu ra khỏi khu vực cho người trung gian ở phía bên kia biên giới Chad.

Từ đó, họ đến thủ đô N'Djamena, được xếp lên các chuyến bay thương mại hoặc cất giấu trong hành lý của các Cty chuyển phát nhanh. Điểm đến cuối cùng thường là Dubai, thị trường vàng chính ở Trung Đông.

Một số vàng cũng được nhập lậu đến Cameroon, và từ đó được vận chuyển đến Ấn Độ và Trung Quốc.

Năm 2011, sau khi mất quyền khai thác dầu, chính phủ Sudan mạnh tay với những kẻ buôn lậu vàng. Chính phủ khuyến khích bộ lạc Rizeigat giành quyền kiểm soát mỏ Jebel Amer từ Bani Hussein.

Họ làm thế để ít nhất một số vàng đến được ngân hàng trung ương, một nhà ngoại giao phương Tây nhận định.

Theo Công an Đà Nẵng

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.