Cuộc chiến pháp lý GrabTaxi và VinaSun

Đại diện GrabTaxi tại tòa. Ảnh: Tân Châu.
Đại diện GrabTaxi tại tòa. Ảnh: Tân Châu.
TP - Chiều 7/2, phiên tòa sơ thẩm xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Cty Ánh Dương) - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi VinaSun và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi) bước sang ngày xét xử thứ 2 với phần tranh luận giữa VinaSun và GrabTaxi.

VinaSun tung chứng cứ

Trình bày trước tòa, luật sư của phía nguyên đơn nói rằng, các tài liệu kiểm toán thể hiện, lợi nhuận năm 2016, quý I và II/2017 của VinaSun bị mất là 75 tỷ đồng. VinaSun phân tích, trong một văn bản của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, tính đến tháng 6/2017, GrabTaxi đăng ký 12.913 xe, chiếm 54,25% (Uber có 10.887 xe, chiếm 45,75%). Tổng số thiệt hại do GrabTaxi gây ra cho VinaSun trong năm 2016, quý I và II/2017  số tiền trên 41 tỷ đồng. VinaSun lập luận, do GrabTaxi lợi dụng “Đề án 24” của Bộ GTVT để thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho VinaSun, vì vậy đơn vị này yêu cầu Tòa tuyên buộc GrabTaxi bồi thường thiệt hại.

Theo người bảo vệ quyền lợi của VinaSun, GrabTaxi  không chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm kết nối như đã giải trình với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Thực tế, GrabTaxi đã trực tiếp kinh doanh, trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá bán, điều chỉnh tăng giảm giá bán, tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi cho khách hàng, thưởng điểm cho tài xế chạy nhiều chuyến nhằm chiêu mộ, thu hút lái xe, xử phạt các tài xế có hành vi vi phạm Quy chế do GrabTaxi đặt ra, kết nối với một số ngân hàng để giúp lái xe vay tới hơn 90% giá trị xe.

“Vấn đề đặt ra nếu GrabTaxi cho rằng tài xế là người của các đơn vị vận tải (HTX vận tải) thì lý do gì GrabTaxi lại xử phạt tài xế khi có hành vi không đúng với khách hàng hoặc thường xuyên hủy chuyến/có hành vi gian dối trong việc giao dịch với khách hàng?” - Người bảo vệ quyền lợi VinaSun đặt vấn đề tại tòa.

Ngoài ra, phía VinaSun cũng phân tích, khi khách hàng đặt xe và sử dụng dịch vụ GrabTaxi, thanh toán bằng cách chuyển thẳng vào tài khoản GrabTaxi, điều này đã khẳng định khách hàng đã thanh toán cho dịch vụ vận chuyển chứ không phải thanh toán cho việc thuê phần mềm dịch vụ. VinaSun cho rằng tài xế khi đăng ký tham gia vào GrabTaxi, họ trực tiếp nộp hồ sơ chứ không có đơn vị vận tải nào đứng ra làm việc với GrabTaxi. Đồng thời, khi tham gia vào GrabTaxi, tài xế được cấp một tài khoản để nộp tiền vào.

Tài khoản này do GrabTaxi mở cho tài xế và khi tài khoản không đủ mức tiền theo quy định thì không được nhận các chuyến đặt xe từ người sử dụng dịch vụ của GrabTaxi. “Mặt khác, nếu là doanh nghiệp cung cấp phần mềm ứng dụng kết nối giữa đơn vị vận tải và khách hàng thì không có lý do gì GrabTaxi đứng ra mua bảo hiểm dân sự tự nguyện cho lái xe và hành khách đi xe với mức bồi thường lên đến 100 triệu đồng cho mỗi người hoặc 800 triệu đồng cho mỗi tai nạn”- đại diện VinaSun đặt nghi vấn, đồng thời cho rằng GrabTaxi đánh tráo khái niệm để né tránh các điều kiện kinh doanh theo luật định, lách luật, trốn thuế.

Grab đáp trả

Theo đại diện bảo vệ cho GrabTaxi tại tòa, để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, VinaSun phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của họ. Đối với cáo buộc cho rằng GrabTaxi có hoạt động kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi trái pháp luật, phía bị đơn lập luận rằng, cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải là Bộ GTVT.  VinaSun chưa cung cấp được quyết định của cơ quan quản lý giao thông vận tải về hành vi vi phạm pháp luật, kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi đối với GrabTaxi.

Luật sư của Grap cho rằng, trên thực tế, hoạt động kinh doanh của GrabTaxi là hoạt động cung ứng ứng dụng khoa học công nghệ quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT cấp phép theo chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ có tham khảo ý kiến của các Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông dựa trên đề án thí điểm được GrabTaxi đệ trình.

“Việc xem xét hành vi khuyến mại có đúng luật hay không thuộc thẩm quyền xem xét của Bộ Công Thương.  VinaSun chưa cung cấp được bất kỳ quyết định xử phạt nào của các cơ quan có thẩm quyền về các hành vi này đối với GrabTaxi”. 

 Đại diện Grap

“Giả sử GrabTaxi có vi phạm các điều kiện về kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi thì VinaSun cũng chưa đưa ra được bằng chứng chứng minh đó là nguyên nhân dẫn đến việc VinaSun bị giảm thiểu khách hàng” - đại diện GrabTaxi nói. Và theo người này, có cơ sở cho rằng VinaSun bị giảm thiểu khách hàng là do các nguyên nhân khác. 

Cụ thể, theo đánh giá của Bộ GTVT, hành khách sử dụng các dịch vụ vận chuyển có ứng dụng công nghệ của GrabTaxi là bởi các lý do khác như giá tiền đã xác định trước, thuận tiện, an toàn chứ không phải vì các điều kiện kinh doanh vận tải, taxi không được đáp ứng như logo, bảng hiệu, đồng hồ tính tiền…

Đối với cáo buộc rằng GrabTaxi thực hiện không đúng đề án thí điểm được Bộ GTVT cho phép, GrabTaxi đáp trả rằng mình có tuân thủ đúng đề án thí điểm hay không là thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.  GrabTaxi thực hiện theo đúng đề án thí điểm, nếu cho rằng hoạt động kinh doanh của GrabTaxi gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của VinaSun thì VinaSun phải khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm lên Bộ trưởng GTVT hoặc khiếu kiện hành chính. VinaSun không cung cấp được bằng chứng nào chứng minh việc GrabTaxi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện đề án thí điểm.

Ngay sau khi nghe đại diện hai phía trình bày, Hội đồng xét xử quyết định tạm ngưng phiên tòa để “cần thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ thông báo sau”.

MỚI - NÓNG