Cuộc chiến hàng lậu, hàng cấm: Nóng bỏng Cầu Treo

Xe tải, xe container xếp hàng đợi thông quan tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
Xe tải, xe container xếp hàng đợi thông quan tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
TP - Những ngày này, tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), hàng trăm xe tải xếp hàng chờ làm thủ tục thông quan; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp.

Từ thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) dọc theo quốc lộ 8A lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, hàng dài xe trọng tải lớn nối đuôi nhau vượt đèo. Nhiệt độ xuống thấp, sương mù dày đặc, đường núi hiểm trở, cheo leo khiến đoàn xe gian nan bám đường ngược dốc.

Các chốt chặn của Bộ đội biên phòng, Hải quan… được bố trí bên lề đường để kiểm soát người, phương tiện qua lại để phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm. Tuy không còn sầm uất như 8 năm về trước, nhưng bãi tập kết tại nhà Quốc Môn rộng 4.000m2 chật kín xe tải chở quặng, nông sản, bánh kẹo, nước giải khát… chờ làm thủ tục thông quan. 

Ông Nguyễn Minh Đức, Đội trưởng Đội Kiểm soát và Giám sát - Chi cục Hải quan cửa khẩu Cầu Treo, nói: “Khó khăn nhất trong công tác chống buôn lậu là các chủ xe gia cố hầm đựng hàng, thủ đoạn tinh vi. Các mặt hàng quặng lợi dụng quá cảnh, tạm nhập - tái xuất, thu giấu gỗ, phụ tùng ô tô, xe máy… Dịp Tết, hàng lậu chủ yếu là hàng gia dụng, pháo nổ, ma túy. Ngoài ra, công tác ngoại tuyến của hải quan chưa được quy định rõ ràng, rất khó nắm tình hình bên kia biên giới. Những đối tượng tình nghi sẽ được đưa vào hồ sơ theo dõi, đấu tranh”.

Mánh lới cất giấu, vận chuyển hàng lậu

 Xung quanh cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là núi rừng trùng điệp, mù sương. Vì địa hình lòng chảo nên địa bàn này không có đường tiểu ngạch, chỉ có một đường độc đạo đã được hải quan, biên phòng kiểm soát. Thượng úy Vũ Anh Tuấn, Trạm Phó Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thông tin, Bộ đội biên phòng đã điều động, tăng cường quân số, lập 4 tổ chốt với hơn 40 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp Hải quan ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, nhất là những ngày áp Tết.

Theo Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh, các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng hai bên cánh gà hai bên biên giới khu vực cửa khẩu, lợi dụng địa hình đồi núi hiểm trở, khu dân cư có nhiều đường ngang lối tắt để mang vác, vận chuyển hàng lậu vào nội địa khi có thời cơ. Xé lẻ các lô hàng, cất giấu trong các hầm, vách được gia cố trên xe khách, xe tải, xe con để vận chuyển.

Lợi dụng sự thông thoáng, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, xuất nhập cảnh, không ít chủ hàng khai báo sai về tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, xuất xứ… nhằm buôn lậu, gian lận thương mại. Giai đoạn cao điểm, lực lượng hải quan sẽ kiểm tra chặt chẽ các phương tiện qua lại. Chó nghiệp vụ cũng được điều động. Những dấu lạ như vết sơn mới, vết cắt hàn, điểm gia cố, khung gầm, đèn, lốp dự phòng… có nghi vấn là phân luồng kiểm tra.

Trong nhà điều hành của Hải quan, Biên phòng cửa khẩu, chủ hàng nườm nượp ra vào làm thủ tục. Tài xế Nguyễn Văn Tuấn (SN 1989, trú tại Thái Bình) nói: “Xe tôi đã đến cửa khẩu được 1 giờ đồng hồ, nhưng chưa thể thông quan vì phải đợi những xe tới trước. Hàng mà tôi vận chuyển là cốc chén, ớt cay khô từ Thái Bình vào”. Thấy phóng viên chú ý vào hộp gia cố dưới thùng xe, tài xế Tuấn giải thích: “Đấy là hộp được gia cố để đựng phụ tùng và tư trang chứ không có gì. Mỗi lần qua cửa, Hải quan đều yêu cầu mở kiểm tra rất kĩ”. Quan sát những xe tải xung quanh thì thấy hầu hết dưới thùng xe đều được gia cố tương tự.

Giữa trưa, trong một quán nhỏ gần cửa khẩu, đông người ngồi ăn uống, trò chuyện. Chuyện công việc, đời sống, đi đường thường được cánh tài xế mang ra “buôn”. “Mấy tháng trước, có người giấu ma túy trong tượng gỗ, nhưng khi hải quan kiểm tra bằng máy soi chiếu thì bị phát hiện”, “Hàng lậu giờ đi đường tiểu ngạch, chứ chính ngạch sao qua nổi”…

Cửu vạn giải nghệ

 Rời quán, phóng viên bắt chuyện với một người dân địa phương tên K. (53 tuổi). Ông K. nói: “Nhà tôi ở xã Sơn Kim, cách cửa khẩu khoảng 20km. Mấy ngày nay, tôi thường lên đây xem có ai thuê bốc vác kiếm thu nhập nhưng không có”. Ngồi trên bục bê tông với vẻ mặt buồn buồn, ông K. kể, khoảng 10 năm về trước, cứ chiều tối lên rừng là có người thuê, ngày kiếm mấy triệu đồng là chuyện thường. Nhiều gia đình còn xem nghề cửu vạn là nguồn thu nhập chính, có những người còn “phất” lên vì có mối làm ăn. Gần Tết, người trong xóm đua nhau làm cửu vạn, con cửu vạn, bố cửu vạn, thậm chí vợ cũng cửu vạn. Chỉ cần có sức khỏe là đi khuân vác kiếm sống.

“Cửu vạn chục năm trước ‘vượng’ lắm. Họ được trả tiền công cao, thường hoạt động vào buổi tối. Khi được chủ hàng thuê thì phân thành từng nhóm, từng đợt bốc hàng theo lệnh. Phải xé rừng tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng nên chủ hàng đòi hỏi cửu vạn phải là người bản địa am hiểu đi đường rừng, không làm trễ nải, ảnh hưởng người khác. Các mặt hàng khuân vác chủ yếu là hàng điện tử, hàng con (động vật bị cấm mua bán - PV), nước ngọt… Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, hàng hóa qua cửa khẩu bị hải quan, biên phòng tuần tra, kiểm soát gắt gao, cửu vạn quê tôi thất nghiệp nên giải nghệ hết rồi”, ông K. kể.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 phương tiện xuất nhập cảnh. Giáp Tết, số lượng xe tăng lên. 



MỚI - NÓNG