Xuân Ba: Nghĩa là chúng ta phải biết chờ đợi?
Nguyễn Trần Bạt: Anh thử nghĩ xem, một bạn trẻ mới về làm việc ở một cơ quan và bạn ấy đòi ông thủ trưởng phải cải cách ngay cái cơ quan ấy để nó tiến bộ theo bức xúc của anh ta, liệu có làm được không? Theo tôi, thời điểm này chúng ta không có cả khả năng tinh thần, lẫn khả năng tài chính để làm bất kỳ cái gì thỏa mãn sự sốt ruột hiện nay.
Dường như về giáo dục, báo chí đang có trình trạng nhớ nhớ, quên quên. Nói rất nhiều, phỏng vấn hết giáo sư này đến giáo sư khác mà vẫn quên phỏng vấn một đối tượng rất quan trọng là học sinh, sinh viên. Chúng ta mới chỉ nghe từ phía những ông thầy đối lập hoặc ông thầy không đối lập là các nhà quản lý giáo dục mà chúng ta chưa nghe học sinh, sinh viên nói. Quá ít những bộc bạch lẫn kêu cứu về hiện trạng sinh viên ngộp thở hay đang ngắc ngoải hoặc ngược lại, họ vẫn đang rất vui vẻ trong những trường học mà các bạn chê chưa? Trong những thảo luận về giáo dục hiện nay đã có tiếng nói của học sinh, sinh viên là những người hưởng thụ nền giáo dục hiện tại đâu, đã có tiếng nói của người sử dụng lao động đâu?
Tôi mới chỉ thấy những người đi dạy nói là chính, còn những người sử dụng sản phẩm giáo dục cũng chưa nói. Có lẽ người ta xem những người sử dụng lao động không có kiến thức gì hoặc không có liên quan gì đến giáo dục nên người ta có hỏi họ đâu. Hiện nay bức tranh quan điểm giáo dục chỉ được mô tả bởi sự cãi nhau của hai ông thầy, một ông thầy có quyền và một ông thầy về hưu. Ông cũ bảo ông mới dở, ông mới thì bảo ông cũ lạc hậu.
Để hình dung rõ bức tranh xã hội liên quan đến quan điểm giáo dục, tôi khuyên các nhà báo cần phải phỏng vấn ba đối tượng nữa là người sử dụng lao động, học sinh - sinh viên và các nhà chính trị. Các nhà chính trị quan trọng nhất chịu trách nhiệm về xã hội Việt Nam phải có quan điểm rõ ràng, phải có khát vọng rõ ràng và chương trình rõ ràng bởi vì họ là người giữ chìa khóa của đời sống chính trị và đời sống kinh tế.
Nói tóm lại, có ba loại tiếng nói mà tất cả các báo chưa hỏi. Thứ nhất là tiếng nói của người sử dụng mà nói cho cùng là những người điều hành các công ty; thứ hai là tiếng nói của những người giữ chìa khóa của đời sống chính trị và đời sống kinh tế và thứ ba là tiếng nói của những người đang nằm trong cái kho giáo dục của chúng ta là sinh viên và học sinh cấp ba. Và báo chí phải cân đối âm lượng của những tiếng nói khác nhau ấy để biết rằng thực ra xã hội quan niệm thế nào về vấn đề này. Một số người cứ kêu gọi đẳng cấp quốc tế hay quốc tế hóa, tôi cho rằng những đòi hỏi ấy không thích hợp, thậm chí vô lý trong điều kiện hiện nay. Nâng cao chất lượng và giáo dục đào tạo đến đẳng cấp quốc tế nhưng chúng ta chỉ trả được cho các thầy một hai trăm đô một tháng thì làm thế nào được? Học phí của trường Harvard là 35.000 - 40.000 đô la/năm. Nếu tính theo tương quan sức mua bằng đồng đô la ở Việt Nam với ở Mỹ thì ít nhất học phí cũng phải là 15.000 đô la/năm ở Việt Nam. Có khi còn hơn thế, bởi vì nếu muốn có đẳng cấp của trường Harvard thì phải mời giáo sư Harvard đến dạy. Tóm lại, chúng ta đòi hỏi những thứ chúng ta không có khả năng và làm cho trẻ con cảm thấy mất tín nhiệm với các trường học sẵn có của nó.
Chúng ta khủng bố cả người quản lý ngành giáo dục, cả các trường học lẫn trẻ con. Và những người viết bài hay lên tiếng nói này trở thành những người lắm điều và vu vơ. Anh không chiếu cố đến thực trạng xã hội, anh không chiếu cố đến khả năng xã hội. Anh thi nhau thể hiện cái thông thái của anh. Tôi không muốn nói thêm vào đấy để tỏ ra mình hiểu biết về chuyện này.
Xuân Ba: Chưa có cái ta cần thì ta đành phải dùng cái ta đương có…?
Nguyễn Trần Bạt: Thì người ta đang dùng đấy thôi. Hiện nay chúng ta cũng có một số cải tiến trong giáo dục. Vấn đề không phải là giảm bớt thời lượng cho môn học ấy, mà vấn đề là tự do trong quá trình đào tạo, tức là anh không bắt buộc phải học chương trình ấy dù là để nguyên hay rút gọn. Phi áp đặt tức là không biến thành môn học bắt buộc nếu đấy không phải là những kiến thức thật cơ bản, theo cái nghĩa là kiến thức phổ quát theo đòi hỏi tiêu chuẩn quốc tế.
Xuân Ba: Theo anh, công đoạn của cuộc cải cách giáo dục nó phải như thế nào?
Nguyễn Trần Bạt: Ở nước chúng ta quyền lực từ đâu đến thì bắt đầu từ đấy. Ở Việt Nam tôi không biết quyền lực từ trên xuống hay là từ dưới lên. Nếu quyền lực từ trên xuống mà chúng ta làm từ dưới lên thì tức là chúng ta buộc phải có những sự va đập nhất định. Quyền lực từ dưới lên mà chúng ta bắt đầu từ trên xuống thì chúng ta không gặp nhau. Vậy vấn đề đặt ra là quyền lực bắt đầu từ đâu thì mọi cuộc cải cách bắt đầu từ đấy, thay đổi từ nguồn của quyền lực.
Với tư cách là một người nghiên cứu, tôi muốn góp ý để làm cho rõ bức tranh giáo dục, chất lượng giáo dục, thực tế giáo dục của chúng ta thì phải có những tiếng nói khác nhau, không phải chỉ có tiếng nói của các giáo sư, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý. Họ đã nói mãi rồi. Người có quyền lực chính trị thì nói mình làm tốt, người có quyền lực trí tuệ thì nói là anh làm dở. Đấy là cuộc cãi nhau giữa hai nửa của quyền lực, bất chấp việc các đối tượng thụ hưởng các quan điểm ấy nghĩ thế nào. Cho nên bây giờ nếu nghiên cứu về giáo dục bắt đầu từ phương diện báo chí là phải nghe thấy nhiều tiếng nói, trong đó quan trọng nhất là tiếng nói của những người cầm quyền chính trị thật sự.
Thứ hai là tiếng nói của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động đòi hỏi gì về giáo dục, đánh giá chất lượng như thế nào và khả năng sử dụng của họ như thế nào? Tại sao các nhà báo lại chần chừ trong việc phỏng vấn họ? Trường học là một nơi chế tạo ra các sản phẩm con người tại sao lại quá thưa thớt những cuộc phỏng vấn đối tượng sử dụng nó? Tại sao người ta lại có luật bảo vệ người tiêu dùng, mà lại không có luật bảo vệ người sử dụng lao động? Nếu xem lao động là hàng hoá thì cần phải bảo vệ người tiêu dùng của loại hàng hoá ấy là các nhà quản lý. Những người sử dụng các khía cạnh khác của sinh viên có hài lòng không thì phải điều tra mới biết được.
Thứ ba là tiếng nói của các bạn trẻ, những sinh viên vừa mới ra trường và những học sinh, sinh viên đang đi học. Báo chí muốn điều tra, muốn phản ánh một sự bức xúc xã hội mà lại không phỏng vấn đối tượng thụ hưởng tất cả các thể chế, chính sách là sinh viên thì bức tranh về đời sống thật về thực trạng giáo dục còn lắm chỗ hổng hoác. Các sinh viên có hài lòng với nền giáo dục hiện tại không? Theo họ thì cái gì có thể giữ lại, cái gì cần vứt bỏ? Họ có hạnh phúc không, ra trường có xin được việc không và kiến thức của họ có thoả mãn được việc ấy không?
Nhưng mà này, tôi thấy sinh viên chúng ta, giáo dục của chúng ta đâu có đến nỗi nào? Một lần tình cờ ngồi với một nhóm sinh viên trong không khí cởi mở thoải mái…. Họ đã chất vấn tôi những câu hỏi mà tôi cho rằng chả thể dễ trả lời thì ai bảo đấy là sản phẩm tồi của giáo dục? Chúng ta bảo chúng ta giáo dục sai. Sai, đúng chưa biết, nhưng tạo ra một sản phẩm manh nha tiềm ẩn phản biện xã hội, biết hỏi những câu hỏi như các bạn sinh viên từng hỏi thì sản phẩm ấy không hề tồi.
Xuân Ba: Nhưng hình như thứ ấy họ bột phát bộc bạch bởi không khí do chuyên gia Nguyễn Trần Bạt tạo ra…
Nguyễn Trần Bạt: Anh nhầm. Các trường dạy thế nào không biết, nhưng sản phẩm của các trường có những ý thức, có những tư tưởng, có những suy nghĩ đúng đắn thì phải khen các trường.
(Còn nữa)
Tôi góp ý như một người làm nghiên cứu xã hội học, tôi không muốn phát biểu như một người quan tâm đến giáo dục với cái nghĩa là nâng cao chất lượng, bởi vì xã hội chúng ta chưa có khả năng làm việc ấy.
Ông Nguyễn Trần Bạt
Báo chí muốn điều tra, muốn phản ánh một sự bức xúc xã hội mà lại không phỏng vấn đối tượng thụ hưởng tất cả các thể chế, chính sách là sinh viên thì bức tranh về đời sống thật về thực trạng giáo dục còn lắm chỗ hổng hoác.
Ông Nguyễn Trần Bạt