Cùng bạn đọc

Cùng bạn đọc
TP - Nguyễn Du viết trong Kiều “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”, theo câu thơ nổi tiếng của Thôi Hộ đời Đường “Đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Nhưng thi hào Tagore của Ấn Độ lại viết: “Hoa trên cành mỗi năm môt mới”.
Ảnh minh họa: Đỗ Phấn
Ảnh minh họa: Đỗ Phấn.
 

Các thi nhân này thực ra không mâu thuẫn nhau, bởi họ phản ánh những mặt khác nhau của biện chứng cuộc sống: năm tháng đi qua, mùa lại nối mùa, nhiều thứ trôi vào quá khứ, bị quên lãng, nhưng nhiều thứ đọng lại được mang đi tiếp và nhiều, rất nhiều cái mới nảy sinh theo chiều mũi tên tuyến tính của thời gian.

Đó là quy luật của đất trời, của muôn đời. Điều đó khiến cho vào thời khắc giao mùa, người ta dễ có những tâm trạng đặc biệt mà Tố Hữu xưa đã tả: “Giã từ năm cũ bâng khuâng/Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường”.

Trong những thứ mà chúng ta bâng khuâng tiễn đưa kia có những cái xứng đáng yên vị trong thời gian quá khứ, như những kỷ niệm, nhưng cũng có những cái làm ta nhớ tiếc, day dứt bởi nếu còn chúng, có thể cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn, người hơn. Và những cái đang đến cũng được chúng ta tiếp đón bằng những cách nhìn và xúc cảm khác nhau: có háo hức, có âu lo...

Những khía cạnh này của tự nhiên, của cuộc sống là cái hồn của giai phẩm Xuân Tiền Phong Chủ nhật mà Toà soạn xin gửi tới bạn đọc xa gần như một món quà trân trọng và tri ân nhân dịp tiễn đưa năm Mão để bước vào năm Thìn với nhiều gửi gắm và hy vọng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG