Cục Quản lý Lao động Ngoài nước nói gì về tập đoàn xuất khẩu lao động “ma”?

TPO - Cục quản ý Lao động Ngoài nước cho biết, đã báo cáo với lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH và yêu cầu các công ty giải trình. Bộ này cũng vừa đình chỉ 2 công ty đưa thực tập sinh sang Nhật Bản, và 1 công ty trong nhóm HR Group mà Tiền Phong phản ánh đã trả lại giấy phép.

Liên quan đến loạt bài “Xuất khẩu lao động và nhưng trò lừa dân nghèo” phản ánh về việc một nhóm công ty xuất khẩu lao động liên kết với các công ty “chui” hoạt động như “ma trận”, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Gia Liêm-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, qua kiểm tra, trong nhóm này có 5 công ty có giấy phép đưa lao động đi làm việc ngoài nước (gọi tắt giấy phép XKLĐ) và 7 công ty không có giấy phép. Trong đó, một số công ty đang làm thủ tục xin cấp giấy phép. 

Cục Quản lý Lao động Ngoài nước nói gì về tập đoàn xuất khẩu lao động “ma”? ảnh 1 Lãnh đạo của các công ty trong nhóm HR Group và học viên tại cơ sở đào tạo chung của nhóm này 

Theo ông Liêm, đối với những công ty được cấp phép, theo quy định tại trụ sở phải công khai tên công ty, số giấy phép. Khi tuyển lao động, các công ty không được tuyển qua các công ty môi giới, và phải công khai chương trình tuyển dụng.  

“Sau khi nhận được phản ánh của báo, Cục cũng đã báo cáo với lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH và yêu cầu các công ty báo cáo, giải trình. Căn cứ vào những tài liệu được phóng viên cung cấp, Cục sẽ thanh tra đột xuất để xử lý các vi phạm (nếu có) của các công ty này”, ông Liêm cho hay.

Đối với các công ty “chui”, Cục sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, và cơ quan công an kiểm tra. “Nếu công ty chưa được cấp phép nhưng vẫn tuyển lao động và thu tiền là hoàn toàn sai. Người lao động đã đóng tiền tại những công ty này có phản ánh đến cơ quan chức năng". 

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết sẽ xem xét việc dừng chấp thuận thủ tục cấp phép đối với những công ty đang xin giấy phép XKLĐ trong nhóm này.

Cục Quản lý Lao động Ngoài nước nói gì về tập đoàn xuất khẩu lao động “ma”? ảnh 2 Nhóm trao đổi đơn hàng của cán bộ khoảng chục công ty trong nhóm HR Group

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cũng thông tin, Bộ LĐ-TB&XH vừa đình chỉ 2 công ty đưa thực tập sinh sang Nhật Bản. Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đình chỉ và dự định xóa tên Cty Cổ phần nhân lực TTC Việt Nam và Cty Cổ phần kết nối nhân lực Việt khỏi danh sách những công ty đủ điều kiện phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản do vi phạm biên bản ghi nhớ về chương trình thực tập kỹ năng giữa hai nước.

Ngoài ra, một công ty trong nhóm HR Group mà báo Tiền Phong phản ánh cũng vừa xin trả lại giấy phép. Trước đó, công ty này xin đổi giấy phép sang tên Cty Cổ phần 3KS nhân lực. Nhưng do việc hoàn thành thủ tục quá thời hạn quy định nên không được chấp thuận.

“Hiện tại Cty Cổ phần 3KS nhân lực do ông Trịnh Tiến Hùng làm đại diện pháp luật vẫn là công ty “chui”, chưa được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài”, ông Liêm cho hay.

MỚI - NÓNG