Đau nửa đầu tấn công phụ nữ
Những cơn đau nửa đầu khiến nhiều người suy sụp tinh thần, mệt mỏi, khiến nhiều người bỏ dở công việc của mình.
3/4 phụ nữ trong tổng 11% dân số trưởng thành trên thế giới đang phải gánh chịu các cơn đau nửa đầu, đây là số liệu thống kê gần đây của tổ chức WHO. Sau khi thống kê và đưa ra kết luận thì số tuổi chủ yếu mắc phải bệnh đau nữa đầu là từ 20-45 tuổi. Bệnh có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống cũng như khả năng học tập và làm việc của người bệnh.
Chị Thùy Linh (Ngọc Hà, Hà Nội) miêu tả, mỗi khi cơn đau xuất hiện, chị phải bỏ dở công việc. Cảm giác đau dữ dội xung quanh một bên thái dương rồi lan sang khu vực mắt trái khiến mắt có dấu hiệu mờ dần trong suốt nhiều giờ đồng hồ rồi âm ỉ suốt cả ngày, thậm chí có lần kéo dài đến 2-3 ngày khiến chị không thể làm được việc gì. Chỉ cần nghe tiếng ồn hoặc nhìn thấy ánh sáng từ màn hình máy tính là cơn đau trở nên trầm trọng hơn.
Chị Ngọc Minh, một bệnh nhân khác của bệnh đau nửa đầu cho biết, cơn đau giật mạnh theo nhịp thở và còn có cảm giác nôn nao, buồn nôn. Để xoa dịu những cơn đau, chị đành phải cầu cứu tới thuốc giảm đau kết hợp mát xa đầu: "Mỗi lần đau đầu tôi mệt mỏi lắm, không uống thuốc giảm đau thì không thể chịu đựng được. Trước kia tôi dùng một viên thuốc giảm đau là đỡ nhưng bây giờ phải tăng 2 viên mới dễ chịu. Có những ngày “cao điểm” quá đau, tôi phải dùng đến 4 viên thuốc giảm đau/ngày".
Nguyên nhân đau nửa đầu
Các chuyên gia y tế cho biết, uống hoặc ăn nhiều thực phẩm có chứa chất caffeine, sử dụng những loại thuốc làm giãn tế bào máu có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Ngoài ra, những yếu tố khác như sự thay đổi đột ngột về thời tiết, ánh sáng quá gắt hoặc lập lòe, ngửi quá nhiều mùi nước hoa, hít khói thuốc, sơn, chất ammonia cũng có thể gây ra tình trạng này.
Chứng đau nửa đầu thường xảy ra đối với phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt và sẽ suy giảm vào thời kỳ mãn kinh.
Đau nửa đầu... không nên xem thường
Theo GS.TS Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch hội Chống đau Hà Nội: Ở Việt Nam, người bệnh còn chủ quan coi đau nửa đầu chỉ là một triệu chứng đau đơn giản, hết cơn rồi lại thôi. Thực tế, nhiều bệnh nhân đã phải chịu những biến chứng nặng nề - thậm chí đe doạ tính mạng vì đau nửa đầu. Giáo sư Chương cho biết, những người bị đau nửa đầu không chỉ thường xuyên bị cơn đau hành hạ, mà lâu ngày bệnh còn dẫn đến những hậu quả nguy hại khác cho sức khỏe như suy giảm trí nhớ, khó tập trung, trầm cảm, đột quỵ, suy thoái võng mạc, dẫn đến mất thị lực và mù vĩnh viễn.
Nguy hiểm khi lạm dụng thuốc giảm đau
Theo một khảo sát trên 109 người được thực hiện vào tháng 1.2014, có trên 70% bệnh nhân đau nửa đầu chỉ sử dụng thuốc giảm đau để điều trị trước khi buộc phải tìm đến bác sĩ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh không nên điều trị theo kiểu khi nào đau thì uống thuốc giảm đau.
Theo Lao động, nếu sử dụng trong thời gian dài, các loại thuốc giảm đau có thể gây nhiều tác dụng phụ như ảnh hưởng đến chức năng gan, thận và tiêu hóa, gây cao huyết áp khó kiểm soát, sốc thuốc, tương tác với thuốc tim mạch... Hơn nữa, việc sử dụng thường xuyên biện pháp này, cơ thể sẽ giảm dần đáp ứng với thuốc. Điều trị đau nửa đầu gồm điều trị cơn đau cấp và điều trị dự phòng. Người bệnh phải chủ động tìm đến bác sĩ thay vì tự ý sử dụng thuốc giảm đau.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Chương, mục tiêu điều trị đau nửa đầu không chỉ giảm đau mà cần ngăn ngừa cơn xuất hiện. Những bệnh nhân có ít nhất 2 cơn migraine trong 1 tháng hoặc cơn migraine có cường độ dữ dội, kéo dài bắt buộc phải điều trị dự phòng xuất hiện cơn.
Hiện tại các bác sĩ đang sử dụng nhóm thuốc tân dược như triptan, ergotamine, chẹn kênh canxi... Tuy nhiên, xu hướng trên thế giới đang hướng tới sử dụng nhóm thuốc thảo dược có cơ chế chuyên biệt về bệnh, ít tác dụng không mong muốn khi dùng lâu dài.
Để điều trị, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cũng cần lưu ý chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý như không ngủ quá nhiều hoặc ngủ chập chờn, phải ngủ sâu và đủ giấc. Không bỏ bữa, ăn thức ăn nhanh hoặc để thời gian giữa 2 bữa ăn quá lâu. Chế độ ăn uống phải được cung cấp đầy đủ canxi, vitamin và magiê…