Thông tin trên được ông Võ Huy Cường chia sẻ tại Tọa đàm mở lại đường bay nội địa do Báo Giao thông tổ chức sáng 8/10. Theo đại diện Cục Hàng không, đơn vị này đã gửi văn bản lấy ý kiến kế hoạch mở lại đường bay chở khách nội địa tới 21 tỉnh thành có sân bay.
Tới nay, cục đã nhận được trả lời của 19 địa phương, 2 địa phương chưa có ý kiến (Quảng Ninh và Quảng Ngãi), trong đó có 13 tỉnh thành đồng ý mở lại, 3 địa phương chưa đồng ý mở lại (Hà Nội, Hải Phòng, Gia Lai). Trên cơ sở đó, Cục Hàng không đã đề xuất Bộ GTVT cho mở lại 10 đường bay nội địa từ ngày 10/10 giữa các địa phương đã đồng ý.
“Bộ GTVT có thể đơn phương mở lại các đường bay không cần đồng thuận của địa phương, nhưng như vậy sẽ không an toàn phòng chống dịch, khi địa phương nắm rõ nhất tình hình dịch bệnh trên địa bàn, khả năng thích ứng khi có dịch xảy ra. Bên cạnh đó, địa phương quy định về điều kiện khách đi và nhận khách đến, địa phương không đồng ý tiếp nhận khách thì có mở ra cũng không ai đi, rồi phải đóng lại. Đó là lý do chúng tôi lấy ý kiến các địa phương trước khi mở lại đường bay”, ông Cường nói.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng không, có thể hôm nay hoặc ngày mai sẽ có chỉ đạo liên quan tới mở lại hoạt động vận tải khách, trong đó có hàng không. Ông Cường cũng kỳ vọng có thể mở lại một số đường bay từ ngày 10/10.
Xem đây là bước thử quan trọng để đánh giá năng lực phòng chống dịch và ứng phó với dịch bệnh khi mở cửa đi lại toàn quốc. Đặc biệt là đáp ứng nhu cầu lưu thông của người dân sau thời gian dài dừng hoạt động vận tải khách liên tỉnh, phục vụ sản xuất kinh doanh.
"Chưa cho vận tải khách, nhưng người dân vẫn tự phát dùng phương tiện cá nhân để về quê, cấm đường chính thì tìm cách đi đường phụ, đó là nhu cầu thật sự cần được giải quyết", ông Cường nói.
Sân bay Nội Bài không mở rất khó đạt hiệu quả
Về việc sân bay Nội Bài là cửa ngõ giao thông quốc gia, nhưng phải phụ thuộc quyết định của UBND TP Hà Nội, ông Cường cho rằng, địa phương đang căn cứ là vùng đặc biệt quan trọng theo Luật Thủ đô. Do đó, khi mở lại sân bay Nội Bài, UBND TP Hà Nội lo ngại phải đối mặt làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 mới, điều đó có thể hiểu được.
Phó Cục trưởng Hàng không Võ Huy Cường. |
Tuy vậy, lãnh đạo Cục Hàng không nói thêm, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 cứ điểm hậu cần kỹ thuật lớn nhất cả nước, máy bay phải đưa về đây để bảo dưỡng, sửa chữa...
Đại diện Vietnam Airlines, Vietjet, Vietravel Airlines, Bamboo Airways và Tổng Công ty cảng hàng không (ACV) đều khẳng định đã sẵn sàng mọi phương án để khai thác thương mại ngay khi được cấp phép.
Các hãng cam kết sẽ đảm bảo vận tải khách an toàn phòng chống dịch bệnh, và kỳ vọng có thể mở với tất cả sân bay cho khách từ tất cả các vùng được đi lại nếu đạt điều kiện về xét nghiệm và tiêm vắc xin. Thậm chí, dù chưa được phép chở khách, nhưng định kỳ các hãng vẫn phải đưa máy bay vào bay không tải để duy trì trạng thái hoạt động của máy móc, nên các hãng đều mong được bay sớm nhất có thể.
Theo dõi tại nhà khác cách ly tại nhà
PGS TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho rằng: Việc mở lại hoạt động giao thông sẽ đảm bảo mạch máu thông suốt, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ người dân Việt Nam tiêm vắc xin còn thấp và không đồng đều giữa các địa phương. Người đã tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 và lây lan cho người khác, đặc biệt với người từ các vùng nguy cơ cao đi tới những vùng thấp hơn. Tuy nhiên, với người đã tiêm đủ vắc xin đi từ vùng nguy cơ cao tới vùng đã tiêm vắc xin tỷ lệ cao, như từ TPHCM, Hà Nội đi Phú Quốc có thể lây dịch tới đảo, nhưng người có nhiễm cũng chỉ bị nhẹ, như cúm mùa.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khách từ vùng nguy cơ cao đi địa phương khác phải theo dõi tại nhà 7 ngày nếu đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh; chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc xin mới phải cách ly tại nhà. Cách ly tại nhà là anh về không được đi bất kể đâu trong 7 ngày, còn theo dõi tại nhà là vẫn có thể thực hiện một số hoạt động, nhưng chỉ được rời đi nơi khác khi hết 7 ngày (theo dõi bình thường dưới sự giám sát của y tế địa phương).