Số tiền này được thông qua các cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ bao gồm Văn phòng Mỹ Latinh và Caribe (LAC) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) và Văn phòng các vấn đề Tây bán cầu (WHA).
Theo báo Granma, mục đích của kế hoạch này là tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ cho những đối tượng ủng hộ chính sách “thay đổi chế độ,” cũng như tạo thuận lợi cho các nhóm này sử dụng dịch vụ Internet và các công cụ khác để tuyên truyền thông tin bịa đặt chống Cuba.
Trong gói tài chính trên, đáng chú ý nhất là khoản 4 triệu USD được giao cho LAC sử dụng để triển khai chương trình “dân chủ số” thúc đẩy việc sử dụng công nghệ mới, trong đó tập trung cung cấp máy tính, đầu DVD, thẻ nhớ và điện thoại di động.
Ngoài ra, LAC cũng được giao nhiệm vụ thực hiện một chương trình khác trị giá 2,9 triệu USD để “hỗ trợ nhân đạo cho những ngượi bị phân biệt vì lý do chính trị.”
Trong khi đó, WHA sẽ dùng 1,53 triệu USD để cụ thể hóa chương trình “đào tạo từ xa về kỹ năng cơ bản trong ứng dụng công nghệ thông tin” và DRL được sử dụng 1,05 triệu USD để cung cấp thiết bị và phần mềm cho các đối tượng thu thập thông tin về những vụ việc được cho là “vi phạm nhân quyền.”
Báo Granma khẳng định, từ nhiều năm nay, các chính quyền ở Mỹ vẫn sử dụng các chương trình chống phá về chính trị và tư tưởng như là một công cụ không thể thiếu trong chính sách của Mỹ đối với Cuba và giờ đây, những chương trình này tiếp tục được đẩy mạnh trong bối cảnh chiến lược cô lập Havana về chính trị và ngoại giao quốc tế mà Washington áp dụng đang đứng trước nguy cơ thất bại không thể đảo ngược.
Quyết định giải ngân cho các chương trình của Mỹ chống phá Cuba được công bố chỉ hai ngày sau khi các nước thuộc Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA), mà Cuba là một thành viên sáng lập, quyết định đóng cửa các văn phòng của USAID trên lãnh thổ của các nước trong nhóm vì cho rằng cơ quan này là một trong những nhân tố chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và ổn định chính trị của các nước ALBA.
Theo TTXVN