Cửa ngõ ùn ứ, bến xe vắng khách

Bên trong bến xe Mỹ Đình không quá đông đúc
Bên trong bến xe Mỹ Đình không quá đông đúc
TP - Mặc dù lưu lượng giao thông tăng, các cửa ngõ Hà Nội có lúc bị ùn ứ, nhưng các bến xe, lượng khách vẫn khá thưa thớt...

Chiều 18/1 (24 tháng Chạp), nhiều người dân ở Thủ đô bắt đầu hành trình về quê nghỉ Tết Canh Tý 2020, nhiều tuyến đường cửa ngõ ùn ứ. Phía Đông Bắc thủ đô, đường dẫn lên cầu Chương Dương ùn ứ kéo dài, đường Nguyễn Khoái dẫn lên cầu Vĩnh Tuy cũng tương tự.

Phía Tây Nam thành phố, trục Phạm Văn Đồng, Khuất Duy Tiến cũng xuất hiện cảnh ùn ứ. Đặc biệt là đoạn từ ngã ba Giải Phóng - Vành đai 3 dẫn ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Đánh giá về tình hình giao thông dịp cuối năm tại Hà Nội, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, dịp Tết do nhu cầu đi lại tăng cao; Nhiều loại phương tiện trong đó có xe chở hoa quả, cây cảnh, hàng nông sản cũng tập trung vào nội thành đông khiến nhiều đường nội đô có lượng phương tiện tăng gấp 2 - 3 lần. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến ùn ứ giao thông thường kéo dài dịp cuối năm.

Ở các bến xe, lượng hành khách tăng nhưng không quá cao nên không quá tải như một số năm trước đây. Ghi nhận của PV Tiền Phong sáng 19/1 tại bến xe Gia Lâm (quận Long Biên), lượng xe trong bến gần kín nhưng lượng khách ra vào chỉ vừa đủ.

Em Hân (sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, trường nghỉ Tết từ sớm nên sinh viên chủ động được lịch đặt xe về quê ăn Tết. Riêng Hân đã đặt vé trước từ đầu tháng 1 giá 220.000 đồng đi Cao Bằng. “Đặt trước nên giá không thay đổi, ra bến cũng không phải chen lấn gì”, sinh viên này nói.

Theo quan sát của phóng viên, nhiều xe xuất bến mà bên trong xe vẫn chưa kín khách. Nhà xe đi qua cổng một đoạn đã dừng lại để chờ thêm khách.

Tại Bến xe Mỹ Đình, lượng xe ra vào tấp nập hơn đôi chút, nhưng  cũng không quá đông. Bên trong khu mua vé, có thời điểm khu vực bán vé không có hành khách nào.

Lãnh đạo bến xe Gia Lâm cho biết, dịp Tết bến có chủ trương sẽ tăng cường 50 - 70 xe/ngày, chủ yếu tuyến về Hải Phòng, Móng Cái nhưng từ khi bắt đầu vào dịp đi lại Tết, vẫn chưa có ngày nào phải tăng cường xe. Mỗi ngày trung bình 2.000 - 3.000 khách, không có biến động lớn”, đại diện bến xe Gia Lâm nói.

Theo ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, hành khách qua bến về quê đông vào ngày 17/1 (tức ngày 23 tháng Chạp). Từ ngày 25 đến 26 tháng Chạp, dự kiến chỉ đông hơn chút so với ngày thường. Tới ngày 27 và 28 tháng Chạp có thể sẽ tăng lên hơn 150% so với ngày thường, dự kiến có hơn 1.100 lượt xe/ngày, chủ yếu là các tuyến đi Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh...

Sở GTVT Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 11522 về tổ chức phục vụ vận tải hành khách đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã yêu cầu các đơn vị liên quan có kế hoạch tăng cường lượt xe khách, xe buýt phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp cuối năm, đặc biệt tại các bến xe khách như Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm…

Để tránh tình trạng xe khách nhồi nhét, thu giá cao hoặc không thực hiện nghiêm các quy định về vận tải, Sở GTVT cũng yêu cầu các đơn vị này công bố số điện thoại đường dây nóng bến xe dịp Tết để hành khách tiện liên hệ, phản ánh khi cần.

Đường dây nóng của Sở GTVT Hà Nội dịp Tết Canh Tý 2020, bao gồm các số: Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - ông Vũ Hà: 0985.811.689; số của Trưởng Phòng Quản lý vận tải - ông Đào Việt Long: 0932.231.683, số của Chánh Thanh tra giao thông - ông Trần Nhật Quang: 0913.590.633.

MỚI - NÓNG