Cử tri TPHCM đề nghị không đặt 'chỉ tiêu' án oan

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Gặp gỡ các đại biểu Quốc hội, cử tri quận 5 (TPHCM) cho rằng không thể có “chỉ tiêu” trong vấn đề án oan sai, phải làm rõ ràng việc có tội hay không có tội. Nếu không có tội thì phải thả, tránh để oan sai hàng chục năm.

Sáng 11/10, tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 3 gồm ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông Lê Thanh Phong – Thẩm phán cao cấp, Chánh án Toà án nhân dân TPHCM, ông Nguyễn Tri Thức – Phó Bí thư Đảng uỷ Khối cơ sở Bộ Y tế, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đã tiếp xúc cử tri quận 5.

Không thể để oan sai hàng chục năm

Nêu ý kiến với các ĐBQH, cử tri Nguyễn Lâm Sanh (phường 12) cho biết người dân rất quan tâm đến Luật Đất đai, nhất là đền bù giải toả bởi đây là nút thắt lớn nhất những năm qua dẫn đến nhiều khiếu kiện.

Nhắc đến việc ĐBQH sẽ bàn về toà án trong kỳ họp tới, ông Sanh cho rằng không thể có “chỉ tiêu” trong vấn đề án oan sai. Bởi theo ông, công lý phải rõ ràng: “Có tội hay không có tội. Nếu không có tội thì phải thả, không thể để oan sai hàng chục năm”.

Cử tri TPHCM đề nghị không đặt 'chỉ tiêu' án oan ảnh 1

Cử tri Nguyễn Lâm Sanh trao đổi với tổ ĐBQH. Ảnh: Ngô Tùng

Góp ý lĩnh vực xây dựng và trật tự đô thị, cử tri này nói Bộ Xây dựng nên có giải pháp chứ không nên chạy theo tình huống. “Việc “phạt cho tồn tại” dẫn đến tình trạng lộn xộn, xảy ra bao nhiêu vụ cháy”, ông Nguyễn Lâm Sanh nói.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Thị Mộng Duyên (phường 12) cho rằng, người dân bị vấn nạn tin nhắn rác làm phiền. Thậm chí, kẻ xấu còn lợi dụng tin nhắn để lừa đảo khiến nhiều người “mất tiền và cả mất mạng”.

Bà Duyên đề nghị cơ quan chức năng quản lý sim số chặt chẽ để ngăn chặn tin tệ nạn tin nhắn rác.

Cũng theo bà Duyên, câu chuyện lạm thu dù đã được nhắc nhở trước khi vào năm học mới nhưng vẫn xảy ra. Do đó, cần tìm nguyên nhân, trong đó phải xem xét nạn “mua chức”.

Cử tri TPHCM đề nghị không đặt 'chỉ tiêu' án oan ảnh 2

Cử tri Nguyễn Thị Mộng Duyên nêu ý kiến.

Cử tri Trần Trọng Du (phường 7) cho rằng, lâu nay đất nước tập trung chống tham nhũng và có được hiệu quả nhất định. Nhưng ông Du cũng nêu việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi cán bộ vi phạm.

"Phải rà soát, phân loại, xem thời điểm nào sinh ra tham nhũng và phải đưa người đứng đầu thời điểm đó để xử lý.

Bên cạnh đó, việc chống tham nhũng phải được ngăn chặn từ xa, để ai có ý định phải thấy sợ”, cử tri này nói.

Tập trung chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức

Cử tri TPHCM đề nghị không đặt 'chỉ tiêu' án oan ảnh 3

ĐBQH Lê Minh Trí trao đổi với cử tri.

Thay mặt tổ ĐBQH, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí tiếp thu, ghi nhận những vấn đề người dân quan tâm, phản ánh. Ông khẳng định, những công việc, nội dung cụ thể người dân phản ánh sẽ được chuyển tải đến các cơ quan có trách nhiệm để tiếp thu, xử lý và các ĐBQH trong tổ cũng sẽ chuyển câu trả lời của cơ quan chức năng đến cử tri.

Về vấn đề xây dựng pháp luật, ông Lê Minh Trí nhìn nhận những nhiệm kỳ gần đây Quốc hội đã ban hành rất nhiều luật, qua đó góp phần vào việc quản lý xã hội, thúc đẩy phát triển đất nước.

“Sự phát triển vẫn là căn cơ, là mặt chủ đạo, mặc dù có những việc còn sai cần phải sửa”, ông khẳng định.

Về Luật Đất đai sửa đổi, ông Trí cho biết: “Đất đai là nguồn lực của quốc gia. Chúng ta có chính sách, có quy định hợp lý thì nó sẽ là nguồn lực để phát triển. Nhưng nếu có bất cập thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển. Và trước những bất cập, bức xúc của người dân, Đảng, Chính phủ cũng thấy và đang quyết tâm sửa”, ông Lê Minh Trí nói.

Trước những phản ánh của cử tri về vấn đề cán bộ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, Đảng chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã 3, 4 nhiệm kỳ qua, trong đó tập trung chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, chống tự chuyển biến.

Ông Trí khẳng định: “Chúng ta phải thấy mặt tích cực này để đóng góp cho Đảng ngày càng tốt hơn. Những năm gần đây ta xử nghiêm, nhưng xử nghiêm đến mức nào còn phải liên quan đến pháp luật, chứ không thể mong muốn theo ý kiến chủ quan”.

Với vấn nạn tin nhắn rác, ông Lê Minh Trí nhìn nhận những năm gần đây Bộ Thông tin và truyền thông xử lý rất mạnh mẽ nhưng chưa chấm dứt được. Ông Trí cho đây là cuộc đấu tranh buộc pháp luật phải quy định chặt chẽ hơn, cơ quan quản lý phải tăng cường trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả quản lý, đồng thời người dân cũng cần nâng cao cảnh giác thông tin cá nhân để đảm bảo an toàn cho chính mình.

Đối với những nội dung người dân bức xúc, khiếu nại đề đạt với tổ ĐBQH, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết riêng việc tiếp xúc cử tri thì không có nội dung giải quyết khiếu nại, mà chỉ nhận và chuyển tải đến cơ quan chức năng có vai trò giải quyết việc này theo từng cấp. Với trách nhiệm của người ĐBQH, ông Trí đề nghị cử tri gửi đơn thư và ĐBQH sẽ tiếp nhận, nghiên cứu kỹ xem trách nhiệm giải quyết từng việc thuộc thẩm quyền ở cơ quan nào để gửi đến đúng địa chỉ và sẽ nhớ “đòi nợ” cho cử tri.

“Trường hợp đòi không được mà xét thấy chuyện này chính đáng, chúng tôi sẽ có thể xuống xem và có biên bản cụ thể để yêu cầu cơ quan chức năng đó dù đúng sai gì cũng có trả lời cho rõ và chịu trách nhiệm cho việc đó trước pháp luật…”, ông Lê Minh Trí nói.

MỚI - NÓNG