Cử tri TPHCM băn khoăn việc học sinh trường quốc tế mù mờ lịch sử Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cử tri huyện Hóc Môn (TPHCM) bày tỏ nhiều lo ngại về việc quản lý, giám sát học phí và dạy học môn Lịch sử ở các trường quốc tế tại TPHCM.

Dạy học lịch sử ở trường quốc tế có bị buông lỏng?

Sáng 9/5, trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn trước Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV, cử tri Phan Nhật Trung (xã Bà Điểm) chia sẻ thực trạng một học sinh rất mù mờ về lịch sử nhưng mẹ thì tự hào khoe con học trường quốc tế lên mạng xã hội.

“Việc dạy học lịch sử trong các trường quốc tế tại TPHCM phải chăng có sự buông lỏng, tạo ra góc khuất về giáo dục? Nếu việc này không được quản lý chặt chẽ, niềm tự hào về lịch sử dân tộc sẽ giảm sút với học sinh học trường quốc tế”, cử tri Trung cảnh báo.

Cử tri TPHCM băn khoăn việc học sinh trường quốc tế mù mờ lịch sử Việt Nam ảnh 1

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT TPHCM trả lời cử tri. Ảnh: Ngô Tùng

Giải đáp những trăn trở của cử tri, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM cho biết: Lịch sử là môn học bắt buộc tại các trường học dù là đơn vị công lập hay trường quốc tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài những tiết học Lịch sử chính khóa bắt buộc, các trường quốc tế còn tổ chức chương trình ngoại khóa, giáo dục địa phương. Học sinh còn có cơ hội đi đến các di tích để học tập, ôn lại truyền thống lịch sử của địa phương.

“Hằng năm, Sở GD&ĐT TPHCM đều kiểm tra, giám sát để đảm bảo các trường đều dạy ngoại khóa đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT”, ông Thắng khẳng định.

Quản lý học phí trường tư thục thế nào?

Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri Phan Thị Tuyết Anh (thị trấn Hóc Môn) nêu thực trạng giáo viên bị nợ lương nhiều tháng liền khiến các "kỹ sư tâm hồn" phải đình công, trong khi phụ huynh đóng học phí khá cao xảy ra tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN). Nữ cử tri đánh giá vụ "lùm xùm" về tài chính nói trên làm ảnh hưởng quyền lợi của học sinh, người dân và yêu cầu các sở, ban, ngành giám sát chặt hơn để không xảy ra sự việc tương tự.

Cử tri TPHCM băn khoăn việc học sinh trường quốc tế mù mờ lịch sử Việt Nam ảnh 2

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn trước Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 9/5. Ảnh: Ngô Tùng

Ông Nguyễn Mạnh Thắng giải thích, trường AISVN cũng như các trường khác đều thu học phí của học sinh theo tháng. Tuy nhiên, công ty đầu tư của trường này đưa ra gói hỗ trợ hợp tác phát triển giáo dục. Nếu phụ huynh đóng học phí nguyên năm sẽ được giảm theo tỷ lệ phần trăm nào đó. Hoặc đóng 12 năm thì sẽ được hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã đóng sau khi ra trường.

“Vì gói hợp tác giáo dục này hấp dẫn nên nhiều phụ huynh tham gia. Trên thực tế, trường cũng đã chi trả hết hoặc chi trả từng phần với một số phụ huynh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chủ trường mất khả năng chi trả. Các sở, ban, ngành đang tích cực phối hợp để duy trì hoạt động của trường”, ông Thắng chia sẻ thêm.

Theo ông Thắng, học phí của các trường ngoài công lập tùy thuộc vào điều kiện của từng trường, điều kiện của giáo viên, chương trình nên sẽ không giống nhau. Để quản lý mức thu học phí của các trường ngoài công lập, Nhà nước chỉ có quy định về kê khai giá, trong đó quy định học phí không được tăng quá 10% mỗi năm. Giá các dịch vụ khác như ăn uống, đưa rước học sinh, bán trú,…không được tăng quá 15% mỗi năm.

Hiện nay, UBND TPHCM cũng vừa ban hành quy chế phối hợp giữa các đơn vị nhằm quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập để không xảy ra những câu chuyện tương tự như vụ việc tại Trường AISVN.

Với thắc mắc của cử tri về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 căng thẳng, nhiều học sinh không có cơ hội vào lớp 10 công lập và chỉ tiêu năm nay giảm sâu, ông Thắng cho hay việc giao chỉ tiêu căn cứ vào cơ sở vật chất, giáo viên, đội ngũ của từng trường. Tuy nhiên, năm học vừa qua xảy ra tình trạng thí sinh “ảo”, tức các em cũng đăng ký và làm bài thi, cũng đậu vào trường nhưng không xác nhận nhập học.

“Trung bình có khoảng 500 thí sinh không đến nhập học lớp 10. Có thể các em lựa chọn du học, học trường tư thục, học hệ giáo dục thường xuyên, trường nghề... Năm nay, Sở GD&ĐT giảm chỉ tiêu cho phù hợp thực tế. Sau khi tuyển sinh xong đợt 1, căn cứ tình hình thực tế, Sở sẽ tiếp tục tuyển sinh đợt 2 nếu thiếu chỉ tiêu”, ông Thắng khẳng định.

Học phí trường tư cao nhất 60 triệu đồng/tháng

Theo công bố từ Sở GD&ĐT TPHCM, trường THPT tư thục có mức học phí năm học 2024 - 2025 cao nhất thành phố là Trường TH-THCS-THPT Quốc tế Bắc Mỹ với 59,6 triệu đồng/học sinh/tháng.

Tiếp đó là Trường TH-THCS-THPT Nam Úc có mức thu học phí 55,1 triệu đồng/học sinh/tháng, Trường TH-THCS-THPT Tesla thu học phí 53 triệu đồng/học sinh/tháng. Nhiều trường khác có mức học phí trên 20 triệu đồng/tháng, như: Trường TH-THCS-THPT Emasi Vạn Phúc có học phí 29,2 triệu đồng/tháng; Trường Song ngữ Quốc tế Horizon: 30 triệu đồng/tháng; Trường THCS-THPT Sao Việt: 23,6 triệu đồng/tháng; Trường TH-THCS-THPT Hoàng Gia: 24 triệu đồng/tháng; Trường TH-THCS-THPT Việt Úc: 29,4 triệu đồng/tháng.

MỚI - NÓNG