Sáng 6/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri ở phường Ba Láng (Cái Răng, TP Cần Thơ). Tại đây, các đại biểu làm “nóng” hội trường khi nêu bất cập, bức xúc trong vấn đề BOT, không chỉ riêng ở Cai Lậy mà ngay cả trên địa bàn thành phố Cần Thơ là trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp đặt ngay tại phường Ba Láng.
Cử tri Hoàng Đăng Thịnh ở khu vực 2, phường Ba Láng cho biết: “Người dân rất bức xúc vấn đề BOT, điển hình như BOT Cai Lậy gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Còn tại Cần Thơ, trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp đặt ngay tại phường Ba Láng chưa đầy 22 km, chỉ cải tạo nâng cấp mặt đường quốc lộ 1 hiện hữu mấy chục năm qua rồi thu phí, trong khi quy định từ 60 – 70 km mới đặt trạm. Đặt như vậy có đúng không? Cơ quan nào cho phép?”.
Theo ông Thịnh, việc đặt trạm như thế gây bức xúc và tăng chi phí cho doanh nghiệp trên địa bàn. “Quan điểm của nhà nước là ưu tiên phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi hằng ngày phải đóng phí như thế này làm sau phát triển được”, ông Thịnh bộc bạch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.
Ông Thịnh kiến nghị, phải miễn giảm phí 100% cho doanh nghiệp, người dân ở cách trạm từ 5 – 7 km. "Đồng thời, thanh kiểm tra nhà đầu tư này thu bao nhiêu năm và xem có lợi ích nhóm gì ở đây hay không?".
Cùng quan điểm với ông Thịnh, cử tri Huỳnh Văn Năm – Giám đốc Cty TNHH MTV Năm Phúc chuyên kinh doanh vận tải, cho biết, công ty của ông cách trạm 700 m với trên 70 chiếc xe thường xuyên qua lại BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp.
“Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp từ lâu rồi nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về việc xem xét miễn giảm phí cho người dân sống ở gần trạm”, ông Năm bức xúc nói “Nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ bùng nổ hiện tượng dùng tiền lẻ để thanh toán như những gì người dân và doanh nghiệp đã làm ở BOT Cai Lậy”.
Cử tri Hoàng Đăng Thịnh phát biểu.
Cử tri Huỳnh Văn Năm phát biểu.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT thành phố Cần Thơ cho biết, ngày 4/12, Tổng Cục đường bộ (Bộ GTVT) vào làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang và UBND thành phố Cần Thơ về việc xem xét giảm giá cho người dân. Sau đó, Tổng Cục đường bộ trình Bộ GTVT quyết định phê duyệt mức giá mới. Cụ thể, sẽ giảm từ 10 -15% mức giá như hiện nay. Ví dụ xe loại 1 thu 35.000 đồng giảm còn 30.000 đồng, loại 2 thu 50.000 đồng còn 45.000 đồng; loại 3 thu 75.000 đồng còn 70.000 đồng; loại 4 thu 140.000 đồng còn 120.000 đồng và loại 5 thu 200.000 đồng còn 180.000 đồng. Ngoài ra, tại các khu vực lân cận như xã Tân Phú Thạnh của huyện Châu Thành A (Hậu Giang) và phường Ba Láng của quận Cái Răng, TP Cần Thơ sẽ được giảm 35%.
Trả lời cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, thu hút đầu tư BOT là một chủ trương đúng đắn trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Nhiều dự án BOT, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và đất nước phát triển. Vì thế, không nên đánh giá các dự án BOT là sai, xấu. Tuy nhiên, trong thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư BOT có một số dự án làm chưa đúng, còn sai sót ở chỗ đặt trạm thu phí, mức thu phí như thế nào, thời gian... ví dụ như ở Cai Lậy. Vì thế cần xem xét, điều chỉnh.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu không có BOT thì đến năm 2021 sẽ không có cao tốc Bắc - Nam. Vì thế, vấn đề đặt ra là tiêu chí lựa chọn, nhà đầu tư… làm sau cho minh bạch, công khai. “Làm đường độc đạo trên quốc lộ 1 rồi trải thảm lên thu phí nên dân có ý kiến là đúng. Vì thế chúng ta phải xem xét”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội còn nhấn mạnh Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ đối với các dự án BOT.