Nhắc lại vụ việc của ông Trần Văn Truyền – Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, cử tri Nguyễn Duyên Hải (phường Minh Khai) cho biết: Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng có thông báo kết luận về 6 trường hợp nhà đất liên quan ông Truyền, tại Hà Nội, TPHCM, Bến Tre.
“Các địa phương đã quyết định thu hồi một số tài sản vi phạm của ông Truyền. Liệu đây có phải biểu hiện của hành vi tham nhũng hay không?” – ông Hải nêu vấn đề.
Tương tự, theo ông Hải, ở Thành phố Hà Nội, ông Hoàng Văn Nghiên cũng không trả biệt thự công. Trước đây, ông Nghiên ở nhà tập thể tại Bách Khoa, lên Chủ tịch mới được thuê ở biệt thự công rộng hơn 400 m2. Thế nhưng, sau 8 năm về hưu, dù đã có nhà ở Ciputra, cựu Chủ tịch Thành phố vẫn không trả lại biệt thự.
Vừa qua, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố, có ý kiến là Thành phố sẽ mua lại nhà đất để bố trí cho ông Nghiên, ông ấy mới trả lại biệt thự.
“Liệu đây có phải chủ trương phân nhà cho ông Nghiên để rồi ông lại bán đi kiếm lời hay không? Ông Truyền và ông Nghiên có vi phạm quy định của Đảng hay không, vi phạm thì xử lý thế nào? Người dân quan tâm đến các biện pháp xử lý và cho rằng không nên xử lý nội bộ. Bởi vì, mọi cá nhân đều phải bình đẳng trước pháp luật, dù đó là quan chức đương nhiệm, đã nghỉ hưu hay dân thường” – cử tri Hải đề nghị.
Cử tri Nguyễn Thanh Bình (phường Lê Đại Hành) kiến nghị, Quốc hội và các cơ quan chức năng cần giám sát, làm rõ vấn đề quản lý nhà đất công, để dân yên tâm. “Liệu còn bao nhiêu “ông Truyền” đang đương chức hoặc đã về hưu?”– Cử tri Bình băn khoăn.
Thành phố có lỗi
Giải đáp ý kiến của cử tri, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết: Trường hợp của ông Truyền đang được kiểm điểm Đảng viên theo quy định. Còn với ông Hoàng Văn Nghiên, ngay từ đầu, thành phố đã có thông báo đây là nhà biệt thự không được bán. Việc ông Nghiên không ở thường xuyên, hoặc cho con ở, nhưng vẫn là đối tượng đang thuê và trả tiền theo giá quy định nhà nước.
“Giá thuê nhà không chỉ với ông Nghiên mà bất cứ ai cũng đều rẻ như vậy. Chính vì thế, Nghị định 61 mới ra đời, cho bán nhà (cho người đang thuê) còn hơn để hàng năm thu tiền thuê nhà quá ít. Tiền thu từ thuê nhà đó còn không đủ để quét vôi ve...” – Bí thư Nghị cho hay.
Cũng theo Bí thư Hà Nội, sau khi ông Nghiên xin trả lại nhà, Thành phố đã có quyết định thanh lý hợp đồng thuê nhà với ông Nghiên. Về việc bố trí nhà khác, ông Nghị cũng cho biết: Nguyên Chủ tịch UBND TP Hoàng Văn Nghiên tương đương như Bộ trưởng, vì thế Thành phố có trách nhiệm giải quyết theo đúng mức ông Nghiên được hưởng, không hơn không kém.
Việc ông Nghiên chưa được giải quyết nhà theo chế độ và để xảy ra chậm trễ xử lý biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa là một khuyết điểm, đáng ra phải xử lý sớm hơn.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, ngày 6/12, ông Hoàng Văn Nghiên gửi đề nghị tới Chủ tịch UBND TP xin trả lại nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa.
Trên cơ sở đó, Thành phố đã có văn bản giao Công ty quản lý và phát triển nhà tiếp nhận, để phục vụ cho nhu cầu của Thành phố. Sở Xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu chính sách chế độ của ông Nghiên.
“Vì ông Nghiên là cán bộ đã có nhiều đóng góp cho Hà Nội và có khác trường hợp của ông Truyền. Ông Truyền đã mua nhà ở một vài nơi, trong khi đó ông Nghiên chưa được mua ở đâu” – ông Tuấn nhấn mạnh.