Cử tri đề nghị sớm có luật biểu tình

Cử tri đề nghị sớm có luật biểu tình
TP - Ngày 30/6, tiếp xúc với Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 1 (TPHCM) sau kỳ họp thứ 9, cử tri Nguyễn Quang Thiều (phường 15) nói: Tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp thứ 9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng từng dặn dò: Chúng ta phải có một quả tim nóng và một cái đầu thật lạnh, song tôi cho rằng, Nhà nước cần để nhân dân thể hiện chính kiến.

“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị sớm có luật biểu tình. Chúng tôi mong muốn Quốc hội sớm cho ý kiến dự thảo luật này và thông qua để người dân được biểu tình, bày tỏ chính kiến một cách phù hợp, tránh tình trạng tụ tập tự phát, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và kẻ xấu trà trộn, gây rối, phá hoại. Thấy bà con kiều bào ở nước ngoài được bày tỏ chính kiến trước hành vi của Trung Quốc, nhiều người dân đã rất trăn trở” - ông Thiều nói.

Cử tri Hồ Kim Quy (phường 5) thắc mắc: Trung Quốc bồi đắp các đảo ở Trường Sa, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm thông lệ quốc tế và cam kết của hai nước, vì sao kỳ họp vừa qua, Quốc hội không ra nghị quyết về Biển Đông? “Quốc hội nên dành một buổi thảo luận trên nghị trường về tình hình biển Đông và truyền hình trực tiếp vì người dân rất quan tâm” - bà Quy đề xuất.

Thay mặt Tổ ĐBQH, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM ghi nhận, giải đáp các thắc mắc và cam kết sẽ chuyển ý kiến cử tri đến Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền.

Ông Lịch cho biết, do Hiến pháp năm 2013 vừa thông qua nên tại kỳ họp này, Quốc hội ưu tiên xây dựng các dự luật quan trọng, cấp bách hơn liên quan đến lĩnh vực hành pháp, tư pháp, khối lượng công việc đồ sộ nên không còn thời gian để xem xét Luật Biểu tình. Theo kế hoạch, dự luật Biểu tình sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối khóa XIII (dự kiến diễn ra vào tháng 3/2016) và sẽ được Quốc hội khóa sau hoàn chỉnh, thông qua.

Theo ông Lịch, khác với các nước, nghị quyết của Quốc hội Việt Nam có hiệu lực pháp luật như một bộ luật và bắt buộc phải cưỡng chế thi hành. Trong khi đó, chủ trương của Việt Nam được bạn bè quốc tế ủng hộ là giải quyết mọi vấn đề bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực. Vì vậy, việc Quốc hội không ban hành nghị quyết về biển Đông là phù hợp.  

MỚI - NÓNG