Gửi kiến nghị sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Tiền Giang đề nghị cần giám sát tối cao về chất lượng đào tạo hệ đại học.
Các đại biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV |
Cử tri cho rằng, hiện nay có rất nhiều trường đại học đào tạo sinh viên ra trường chưa đáp ứng được chất lượng, trình độ đào tạo, tình trạng sinh viên không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực và tiền của.
Trả lời kiến nghị này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, giáo dục, đào tạo luôn là lĩnh vực được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ưu tiên, quan tâm đưa vào nội dung giám sát dưới nhiều hình thức khác nhau.
Hằng năm, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan tới giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục đại học.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban đã tổ chức 1 giám sát chuyên đề năm 2023 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ nhằm tìm hiểu, đánh giá thực trạng công tác đào tạo trình độ tiến sĩ trong cả nước.
Từ đó, đoàn giám sát đưa ra kiến nghị bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong năm 2024, Ủy ban cũng tổ chức tọa đàm về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ đào tạo luật và tuyển sinh nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và tuyển sinh.
Từ đó đưa ra những đề xuất các giải pháp, lộ trình thực hiện để khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và tuyển sinh trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tiến hành 2 cuộc khảo sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học (năm 2022), về tự chủ đại học và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học (năm 2021).
Thực hiện nghị quyết 1114/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc này nhằm đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, chuyên đề giám sát này cũng nhằm đánh giá thực trạng nguồn nhân lực các kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực.
Tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tập trung giám sát sâu hơn nội dung trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nói chung, đào tạo trình độ đại học nói riêng.
Thường trực Ủy ban cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về nội dung này.