Lợi thế thấy rõ
Toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam nối từ Lạng Sơn tới Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố, tức có phân nửa địa phương cả nước được hưởng lợi khi cao tốc thông tuyến. Tuyến cao tốc này không chỉ giúp giảm tải cho Quốc lộ 1, còn tăng kết nối, rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương. Dự kiến, toàn tuyến cao tốc chạy dọc đất nước sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025, cùng với một loạt tuyến đường sắt kết nối khu vực, như miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, vành đai 3 TPHCM, vành đai 4 Hà Nội… Khi đó, rất nhiều địa phương được hưởng lợi từ lợi thế có cao tốc đi qua.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát, ưu tiên bố trí vốn đầu tư kết nối cao tốc với đường địa phương để tạo không gian phát triển mới. Ảnh cao tốc Bắc – Nam qua Bình Thuận |
Chỉ ít ngày sau khi đoạn cao tốc Bắc – Nam thông từ Hà Nội tới TP Thanh Hóa đưa vào khai thác (ngày 30/4), Thanh Hóa đã công bố khai trương loạt tuyến du lịch mới kết nối với 4 huyện có nhiều di tích, thắng cảnh trong tỉnh dọc cao tốc, gồm: Yên Định (đền Đồng Cổ), Vĩnh Lộc (thành nhà Hồ), Cẩm Thủy (suối cá) và Thọ Xuân (Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn). Các tuyến du lịch mới trên được tổ chức khai thác nhờ lợi thế cao tốc với các nút giao kết nối quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ nên việc đi lại tới điểm tham quan dễ dàng, du khách bớt được nhiều thời gian cho đi lại. Cạnh đó, Thanh Hoá cũng tăng cường phối hợp với ngành du lịch và công ty tổ chức để khai thác nguồn khách với các địa phương lân cận có kết nối dọc theo cao tốc, như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An.
Thực tế, Thanh Hoá cũng ghi nhận, nhờ thông xe cao tốc, thời gian đi lại với Hà Nội chỉ còn 2 tiếng đồng hồ, thay vì 3-4 tiếng như trước, nên dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5/2023, lượng khách du lịch tới địa phương tăng tới hơn 33% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số khoảng 1,2 triệu lượt khách, cao nhất cả nước. Lượng khách du lịch này mang tới địa phương nguồn thu trên 2.800 tỷ đồng, tăng tới hơn 48% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2022. Tương tự với Bình Thuận, khi khách du lịch tới địa phương này dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 cũng tăng mạnh nhờ cao tốc Bắc – Nam đã thông từ Phan Thiết tới TPHCM, thời gian đi lại chỉ còn hơn 2 tiếng đồng hồ.
Địa phương tận dụng
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, với việc đưa vào khai thác cao tốc Bắc – Nam, sẽ rút ngắn thời gian đi lại liên tỉnh và nội tỉnh của các địa phương có đường đi qua, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có bước phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc. Với Thanh Hoá, cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn dài khoảng 98km, tới nay đã thông toàn bộ (ngày 2/9 thông tuyến từ Thanh Hoá tới Diễn Châu, Nghệ An), với 7 nút giao ra/vào cao tốc kết nối với đường địa phương. Để phát huy lợi thế cao tốc, Thanh Hoá đã bố trí 8.300 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để đầu tư 4 dự án đường kết nối với cao tốc, quy mô các tuyến kết nối từ 4-8 làn xe. Các tuyến đường được Thanh Hoá đầu tư kết nối với cao tốc theo trục Đông – Tây, ưu tiên nối với sân bay Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp Bỉm Sơn và một số khu công nghiệp tương lai đã được tỉnh quy hoạch.
“Cao tốc không chỉ mang lại không gian phát triển mới, còn giúp phân bố lại không gian phát triển của từng địa phương trong thời gian tới”.
Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ
“Cao tốc Bắc – Nam đưa vào khai thác đã giúp giảm tải cho Quốc lộ 1A, thuận lợi cho đi lại, lưu thông hàng hoá, giảm chi phí vận tải. Cùng với cảng nước sâu Nghi Sơn, sân bay Thọ Xuân, có cao tốc với hệ thống đường kết nối được tỉnh ưu tiên đầu tư, các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh đang có cũng như trong tương lai cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đã có nhiều nhà đầu tư phản hồi rất tốt về những lợi thế nhờ cao tốc mang lại cho Thanh Hoá. Các doanh nghiệp vận tải cho biết, sau khi cao tốc Bắc – Nam đi vào khai thác, thời gian và chi phí đi lại giảm rất nhiều, riêng thời gian đi lại giảm khoảng 40% so với đi Quốc lộ 1 trước đây”, ông Liêm nói.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa |
Theo ông Liêm, sau khi cao tốc Bắc – Nam qua Thanh Hoá thông xe toàn bộ, một số nhà đầu tư đã đề xuất xây dựng nhà máy trong khu kinh tế Nghi Sơn. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án nhà máy điện khí với công suất thiết kế khoảng 1.500 MW (megawatt), nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước liên hệ, dự kiến tháng 11 này Thanh Hoá sẽ công bố chọn nhà đầu tư.
Ngày 28/6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện 769/CĐ-TTg giao nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương rà soát kết nối cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương. Công điện nêu rõ, đường cao tốc đã và đang tạo động lực giúp các địa phương mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên còn một số trường hợp việc kết nối đường cao tốc và hệ đường bộ trên địa bàn chưa gắn kết, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, KH&ĐT, Xây dựng, các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch các nút giao kết nối đường địa phương với cao tốc; báo cáo cấp thẩm quyền ưu tiên bố trí nguồn vốn, huy động các nguồn lực để đầu tư tuyến kết nối với cao tốc; từ đó tạo ra không gian phát triển mới, gắn kết và phát triển đô thị, khu kinh tế, công nghiệp, du lịch, cảng biển, sân bay…
Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, các dự án cao tốc đã hoàn thành đưa vào khai thác chỉ là bước đầu, khối lượng công việc còn lại rất lớn. Trong đó, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan, nhà thầu tập trung hoàn thiện nút giao, đường gom còn dở dang để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, cũng như phát huy lợi ích từ cao tốc mang lại cho kinh tế - xã hội các địa phương có đường đi qua. “Để phát huy cao tốc, các địa phương cần ưu tiên đầu tư hoàn thiện các nút giao, đường kết nối với cao tốc, trong đó có ưu tiên vốn đầu tư bổ sung các tuyến kết nối, sớm hoàn thiện các nút giao. Vì cao tốc không chỉ mang lại không gian phát triển mới, còn giúp phân bố lại không gian phát triển của từng địa phương trong thời gian tới”, ông Thọ nói.
Một điểm đáng chú ý khác mà địa phương có cao tốc Bắc – Nam đi qua thu được là kinh nghiệm triển khai đầu tư xây dựng các dự án giao thông lớn của địa phương. Ông Mai Xuân Liêm chia sẻ thêm, kinh nghiệm địa phương thu được từ triển khai cao tốc Bắc – Nam không chỉ ở công tác chỉ đạo, điều hành, còn nhiều bài học bổ ích trong công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng (đất, cát), giải quyết khó khăn vướng mắc gặp phải.