Bài 1: Chớp cơ hội trước khoảng lặng
Những ráng mây vào buổi chiều tối ở ngoài khơi xa được ngư dân Quảng Ngãi quan sát và giải mã tín hiệu báo trước của thiên nhiên. Ảnh: Văn Chương |
Xem trời, xem nước
Sáng sớm 28/9/2022, khi siêu bão Noru vừa đi qua, con đường đi ra phía bờ biển Tam Thanh (Tam Kỳ) không một bóng người. Dây điện rơi xuống đất chăng ngang lối đi. Những tấm bảng, tôn bay rắc khắp đường. Biển vẫn ầm ầm dậy sóng và gió vẫn hù hù từng cơn. Tôi chợt nhớ đến lần cũng đi vào làng chài vắng vẻ như vậy tại xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi trước siêu bão Haiyan tháng 11/2013 và so sánh được câu chuyện về kinh nghiệm chống bão.
Gần 10 năm về trước, thông tin trên đài, báo liên tục phát đi dồn dập tin dữ về siêu bão Haiyan. Cơn bão này tràn qua Philippines khu vực Đông Samar, Guiuan với sức gió giật lên đến 235 - 280 km/giờ. Sau bão, hơn 6.000 người Philippines bỏ mạng, cùng với những làng chài bị xới tung. Tin tức trên truyền hình ngày đó đã khiến các làng chài ở Quảng Nam và Quảng Ngãi trở nên náo loạn.
Tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam tràn ngập những chiếc hầm được người dân đào dưới cát để trụ lại. Còn tại xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, ngày bão sắp đổ (10/11/2013), khung cảnh làng chài nhộn nhịp đã biến mất. Dưới bầu trời xám xịt hiện ra những ngôi nhà được chặn cửa bằng thang giường và đóng đinh trước khi chủ nhà bỏ chạy. Vậy nhưng vẫn có một bộ phận người dân lưu lại ngôi làng này, vì họ nghe theo lời của những người có kinh nghiệm lâu năm.
Tôi chợt khựng lại, vì giữa con đường nhộn nhịp đặt một bàn trà và 3 cụ già vẫn khề khà ngồi chè chén. Nghe tiếng tôi than vãn và hỏi, mấy ông già cười và nói khi nào nước dựng thì mới chạy, còn nước ngoài kia không dựng thì bão có vô đây đâu. Một ông cụ chỉ ra cửa biển Sa Kỳ rồi giải thích, từ xưa tới nay, hễ bão sắp vô thì nhìn mé sóng kia là biết liền, còn dự báo thời tiết cỡ nào mà nước chỗ mé san hô không nhấp nhấp thì bão nó sẽ né mình, ập tới vùng khác.
Và năm đó, siêu bão Haiyan né Quảng Ngãi, Quảng Nam, ập ra khu vực vịnh Bắc bộ.
Ông Võ Văn Lắm, nhà ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có lần tôi ghé thăm ông khi nghe thông tin sắp có bão lớn. Ông Lắm chưa vội dọn dẹp căn hầm tránh bão trước nhà mà vẫn ung dung, tự tại, sau đó nói “có cơn áp thấp nhiệt đới đẩy ngang và gió đang thổi như vầy thì bão sẽ không vô quê mình, tạt vô tới Bình Định”. Ngôi nhà nằm sát mặt biển và những dự báo đó đã giúp ông tránh trú bão kịp thời, đúng với tâm thế bình thản, không hốt hoảng tất bật.
Lão ngư dân Nguyễn Ðông (bìa phải) ở cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam là thế hệ ngư dân thường quan sát trời, mây, nước để đoán định thời tiết. Ảnh: Văn Chương |
Kinh nghiệm dân gian tưởng chừng sẽ bị các ngư dân trẻ quên dần, nhưng trong một chuyến biển trên tàu đánh cá của ngư dân xã Bình Châu, khi ngắm ráng chiều màu vàng trên bầu trời có hình thù như ngọn gió, ngư dân Trần Quang (SN 1967) đã thốt lên “tháng 8 đổ ra, tháng 3 đổ vào, nay mai có gió”. Hai ngày sau, máy Icom vang lên thông tin dự báo thời tiết của Đài Duyên hải miền Trung: “đoàn tàu chú ý… cơn bão mạnh và quần đảo Hoàng Sa sẽ có gió giật cấp 8 cấp 9”.
Kiếm lộc biển
Trên đường đi tác nghiệp tin tức về bão Noru, tôi ghé đến ngôi nhà nằm đơn độc, rộng chưa tới 20 m2 nằm ở tận cùng ngoài gành của thôn An Cường của gia đình ngư dân Bùi Thanh Sơn (SN 1977). Năm 2019, khi siêu bão Molave đang ập vào thôn An Cường, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), hình ảnh anh Sơn xuất hiện trên báo Tiền Phong với bộ dạng tơi tả vì bão đã tấn công ngôi nhà. May mắn là sau bão, ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn và gia đình anh tiếp tục đời sống bên gành đá.
Ông Nguyễn Văn An (SN 1951), quê ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Ðịnh kể về những năm tháng xuôi ngược trên biển Ðông bằng chiếc tàu công suất lớn. Có lần thiết bị nghe nhìn trên tàu bị hỏng nhưng nhờ quan sát thiên nhiên nên ngư dân mới sống sót. Ví dụ nước biển ban đêm nổ bong bóng, ánh sao trên trời ngời ngời là vài ngày sau sẽ có gió to, biển động.
Chiều ngày 25/9/2022, mặt biển màu xám, bầu trời đầy mây vần vũ, biển xanh và đẹp đẽ vào giờ phút đó trở nên u ám. Những người không có gan thì chưa chắc dám bước ra những gành đá nằm ngoài bãi biển. Lúc này anh Sơn vẫn tranh thủ đánh mẻ lưới cận bão.
Ngư dân Bùi Thanh Sơn là một phiên bản của nhiều ngư dân ở vùng đất miền Trung, năm nào cũng bị bão, siêu bão đe dọa. Do am hiểu về biển, nên họ vẫn ung dung và tranh thủ khoảng lặng trước bão.
Ngư dân Nguyễn Đông (SN 1950) ở cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam còn nhấn mạnh rằng, “trước khi có bão, biển êm đến chi lạ, ban đêm thì nóng bức và thời đi ghe buồm, khi đốt ngọn đèn (đèn gió) thì ngọn lửa không lung lay. Nếu đánh cá xa bờ gặp cảnh ni thì giật hết buồm để quay trở về”.
Lão ngư dân Lương Văn Tiền (SN 1949), một ngư dân kỳ cựu ở làng chài Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam lý giải rằng, trước bão thì cá nục chạy từng đàn. Ngư dân Nguyễn Văn Lộc (SN 1972) là người ở cùng địa phương cho biết, thời điểm trước bão thì mực nổi rất nhiều, vì vậy ngư dân hay đánh ráng và có được bội thu.
Ngư dân Nguyễn Thanh Tiến ở cửa biển Kỳ Hà, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, có chuyến đi khơi và nghe tin bão nên tàu phải trở về bờ, ngồi cầm lái nhưng anh Tiến vẫn dõi theo tín hiệu luồng cá và có lần anh dừng tàu và hô “anh em bủa 1 giác rồi chạy tiếp”. Các ngư dân hò la ầm ĩ để kéo lưới, cá nhiều tới mức toác lưới trôi ra ngoài một nửa…
(Còn nữa)