> Lạm phát Việt Nam xuống thấp kỷ lục trong 3 năm
Chưa đến ngưỡng giảm phát
Lần đầu tiên sau 38 tháng, Tổng cục Thống kê công bố CPI giảm 0,26%. Con số này nói lên điều gì, thưa ông?
Đúng là sau 38 tháng CPI liên tục tăng, thì này đã giảm. Hay chỉ tính riêng tháng 6 của 9 năm gần đây (từ 2004 đến nay), thì đây cũng là năm đầu tiên CPI giảm.
CPI giảm là kết quả của cả một quá trình thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, có kiểm soát. Nếu căn cứ mục tiêu trong năm 2012 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì việc CPI giảm là tín hiệu mừng và tôi cho đó là thành quả tích cực.
Cũng có chuyên gia lo ngại CPI giảm, trong khi tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn âm, cộng với hàng hoá tồn kho... sẽ dẫn tới tình trạng giảm phát, thiểu phát và sự trì trệ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, tôi cho rằng muốn đánh giá một nền kinh tế có phải là thiểu phát và trì trệ hay không thì không thể căn cứ vào một tháng, hai tháng mà phải căn cứ vào nhiều tháng.
Khi mà CPI giảm liên tục qua một thời kỳ thì đấy mới là giảm phát. Hiện CPI chỉ mới giảm một tháng, và mức giảm chỉ là 0,26%, còn những tháng trước đó vẫn tăng, nên không thể gọi đó là giảm phát.
Nếu ta cho đấy là giảm phải để rồi lo lắng, vội vã đổ tiền vào nền kinh tế thật nhanh để vực dậy nền kinh tế thì CPI sẽ lại trở lại như thời kỳ năm 2009-2010.
Chúng ta không nên quá lo lắng, bận tâm nhiều đến nó. Thực ra một tháng CPI giảm, nhưng so với cùng kỳ nó vẫn ở mức 6,9%, không phải thấp. Phân tích như thế để thấy rằng, có thể tháng sau, CPI tiếp tục giảm thì cũng không phải có gì phải quá lo lắng.
Về nguyên tắc, CPI giảm trong vòng bao lâu thì bị coi là giảm phát?
Về mặt lý thuyết, nếu chỉ số CPI giảm liên tục từ 6-7 tháng mới có thể coi là giảm phát.
Nếu nền kinh tế của ta (đang phát triển) mà thiểu phát hay giảm phát là điều đáng lo lắng, vì nó khiến sản suất đình trệ, dẫn tới sức mua giảm, thất nghiệp gia tăng. Còn như hiện nay thì chưa có vấn đề gì đáng lo.
Phải kiểm soát được dòng tiền
Nhưng thực tế, hiện hàng tồn kho lớn, hàng vạn DN đã ngừng hoạt động, thưa ông?
Một chỉ số quan trọng là sản xuất công nghiệp, 6 tháng đầu năm vẫn tăng trên 4%. Xét tổng thể cả năm, tốc độ tăng chậm hơn năm trước, nhưng chưa giảm.
Tuy nhiên, cũng cần phải tháo gỡ vấn đề vốn cho doanh nghiệp để hâm nóng nền kinh tế một chút, nếu không sẽ dẫn tới giảm phát.
Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý là những đồng vốn tung ra phải đúng địa chỉ, đúng đối tượng, mới tạo hiệu quả. Nếu cứ vung tiền, nhằm tăng cung tiền, mà không hiệu quả thì lạm phát cao sẽ quay trở lại như năm 2010.
Còn một số yếu tố như doanh nghiệp ngừng sản xuất, phá sản, hàng tồn kho nhiều... thì đó cũng là quy luật.
Ví dụ, với doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán trước đây đạt siêu lợi nhuận, bây giờ lỗ vốn, phá sản là chuyện bình thường. Chúng ta cần phải có sự bình tĩnh để nhìn nhận, đánh giá.
Để tránh giảm phát, Chính phủ đã có gói giải pháp hỗ trợ bằng chính sách thuế, tín dụng. Như vậy bài toán đặt ra đã có lời giải, vấn đề hiện nay là thực thi nó.
Những lĩnh vực cần phải khuyến khích cho vay thì làm thế nào để doanh nghiệp đó có thể vay được. Gần đây, ngân hàng cũng đã có động thái và chính sách cụ thể nhưng việc tiếp cận vốn chưa nhiều.
Nếu như trong 6 tháng cuối năm mà ta cải thiện được để những lĩnh vực cần vốn như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp chế biến... tiếp cận được vốn sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, thì tôi cho rằng nền kinh tế vẫn phát triển.
Việc đưa tiền vào lưu thông, để sản xuất kinh doanh là cần nhưng phải đúng địa chỉ và quan trọng là phải kiểm soát được. Nếu làm được điều đó, CPI sẽ ở trong vòng kiểm soát và đảm bảo được ổn định nền kinh tế.
CPI cả năm 2012 sẽ ở mức hơn 6%
Diễn biến CPI. |
Ông dự báo thế nào về chỉ số CPI từ nay đến cuối năm?
CPI tháng 6 có giảm chút xíu, nhưng nguy cơ và tiềm ẩn CPI tăng vẫn không phải không có. Mọi năm, cứ mỗi lần tăng lương thì nó tác động ngay đến CPI nhưng năm nay chưa thấy tác động lớn.
Thực ra cung tiền tiền mặt (M2), tổng phương tiện thanh toán gắn bó với nhau, cung cầu có quan hệ trực tiếp nhưng qua quan sát việc tăng lương vừa qua không làm cho những yếu tố này tăng theo.
Vì thế, nếu không kiểm soát chặt thì CPI của quý 4 sẽ tăng. Cho nên tiềm ẩn của CPI tăng vẫn còn. Tôi đánh giá CPI của cả năm 2012 sẽ ở mức hơn 6%.
Với quan hệ giữa CPI và vấn đề tín dụng cũng như lãi suất hiện nay thì ngân hàng còn có thể giảm lãi suất đến mức độ nào, thưa ông?
Lâu nay dân mình căn cứ vào CPI để quyết định tiền nhàn rỗi. Lãi suất trừ đi chỉ số CPI mà thực dương thì người ta mang tiền gửi ngân hàng.
Hiện, lãi suất tiền gửi 9%, nếu CPI mức độ dưới 7% vẫn còn thực dương lớn, nên theo tôi lãi suất huy động có thể giảm thêm, để từ đó ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng các ngân hàng cũng cần chia sẻ khó khăn chung với DN. Ở các nước, kinh doanh lợi nhuận bình quân được tôn trọng. Tức cùng làm kinh doanh, thì giữa các ngành, lĩnh vực càng đạt chỉ số lợi nhuận tiệm cận nhau thì càng vững chắc.
Ngân hàng không thể đạt lãi lớn, trong khi khách hàng mang lại lợi nhuận cho mình thì lỗ vốn, như thế làm sao bền được.
Ngay cả thu nhập của ngân hàng cũng vậy, không thể hưởng lương cao chót vót trong khi những ngành khác thì thấp lè tè. Mỗi người biết chia sẻ với nhau một tí thì chắc chắn có phát triển.
Cảm ơn ông.
Bá Kiên - Phong Cầm
thực hiện