COVID-19 'sàng lọc' 60% doanh nghiệp trên thị trường

TPO - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng phó với COVID-19 của Chính phủ đã tiếp thêm niềm tin cho DN “vượt bão”. Tuy nhiên, vẫn cần thêm những gói giải pháp dài hạn, bao trùm hơn, đặc biệt với nhóm DN nhỏ - vừa, siêu nhỏ và 5,2 triệu hộ kinh doanh gia đình. 

COVID-19 là cuộc sàng lọc DN

Chia sẻ trong khuôn khổ chương trình “Tin dùng Việt Nam 2020” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng dương. Tuy nhiên, sức chống chịu của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế do trên 90% doanh nghiệp ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. “Để phục hồi, phát triển, đòi hỏi các DN phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba và chính sự gắn kết, hợp tác, chia sẻ trong cộng đồng DN là động lực để vượt qua khó khăn”, ông Dũng nhấn mạnh.

COVID-19 'sàng lọc' 60% doanh nghiệp trên thị trường ảnh 1 Theo các chuyên gia, dịch bệnh được cho là một cuộc sàng lọc, chỉ những doanh nghiệp có nội lực nhất định mới có thể vượt qua

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, 11 tháng đầu năm 2020, chỉ có 1,9% DN thành lập mới, trong khi bình quân các năm trước đạt tỷ lệ 6-7%. Bên cạnh đó, có tới 60% DN rút khỏi thị trường, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2019.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, có tới 8.102 doanh nghiệp bán buôn - bán lẻ trên cả nước đang chờ giải thể vì kinh doanh thua lỗ. Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, có tới 38% nhà bán lẻ phải tạm ngừng mở rộng trong năm 2020, 11% tập trung củng cố cửa hàng hiện tại hoặc buộc dời ngày khai trương sang năm 2021.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, dịch bệnh được cho là một cuộc sàng lọc, chỉ những doanh nghiệp có nội lực nhất định mới có thể vượt qua. Hầu hết các DN đều cho biết đây là giai đoạn xuất hiện những khó khăn chưa từng có. Các DN cũng cho rằng đây là cơ hội “lửa thử vàng”, chính những thách thức của thị trường sẽ tạo nên sức bật cho DN cũng như sản phẩm, dịch vụ.

Khó khăn bao trùm DN nhưng không phải cơ hội hoàn toàn biến mất, bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc Nielsen miền Bắc thống kê, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Việt Nam tuy giảm nhưng vẫn ở ngưỡng cao – 117, đứng thứ hai APAC. Giám đốc Nielson miền Bắc đánh giá, đây là cơ hội phi thường trong trạng thái bình thường mới, DN sẽ dành được lợi thế nếu nắm bắt được hành vi khách hàng. Cùng với đó, thương mại điện tử sẽ còn tăng mạnh với cũ hích của COVID-19.

Bắt kịp xu thế tiêu dùng hậu đại dịch

Để bắt nhịp tốt với tốc độ chuyển đổi xu hướng thế tiêu dùng mới, với những thay đổi trong các kênh mua – bán, cách thức thanh toán, giao nhận, … ông Nguyễn Chánh Trung, Phó TGĐ Tập đoàn Tân Long cho biết, đơn vị đã xây dựng hệ thống quản trị và dịch vụ khách hàng, ví thanh toán, khuyến kích đối tác thanh toán qua kênh digital.

COVID-19 khiến nhiều hoạt động giao dịch trực tiếp bị hạn chế, nhưng ông Trung cho rằng, đây cũng là động lực cho DN thay đổi thói quen trải nghiệm cho khách hàng, tạo cảm hứng, định hướng hệ sinh thái bán lẻ, thanh toán qua mạng.

Hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí vận hành, thích nghi tốt hơn trong và sau COVID-19, ông Nguyễn Quang Minh, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, trong năm qua, NAPAS đã 4 lần giảm phí dịch vụ cho các ngân hàng (NH). Qua đó, tạo điều kiện cho NH có mức phí hợp lý cung cấp cho người dân, để toàn xã hội có cơ hội tiếp cận thanh toán an toàn thuận tiện, chi phí hợp lý.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.