COVID-19 'diễn biến căng' ở ASEAN, Việt Nam thử nghiệm vắc xin trên 60 tình nguyện viên

Ảnh minh họa:Internet
Ảnh minh họa:Internet
TPO - Trong 24h qua, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.524 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước. Tại Việt Nam, ngay trong tháng 11 hoặc chậm nhất đến tháng 12 sẽ tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên 60 người tình nguyện.

60 tình nguyện viên tại Việt Nam tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến 6h ngày 12/11: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.

Tính từ 18h ngày 11/11 đến 6h ngày 12/11: 0 ca mắc mới.

Đến hôm nay Việt Nam đã trải qua 70 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.

Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 85 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 102 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 15.540, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 217

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.334

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 989.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.091 bệnh nhân/1.252 bệnh nhân COVID-19.

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 19 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 12 ca, số ca âm tính lần 3 là 11 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (3) và Quảng Trị (1 ca).

Bộ Y tế cho biết trong số trên 200 nhà phát triển vắc xin COVID-19  trên toàn thế giới cho đến nay, có 38 vaccine đã đến khâu thử nghiệm trên người, khoảng 1/4 trong số này đang thử nghiệm trên nhóm lớn người tình nguyện.

Tháng 11 (chậm nhất là đầu tháng 12 tới) có thể có một cái tên Việt Nam trong danh sách này: vaccine do Công ty Nanogen (Việt Nam) phát triển trên công nghệ tái tổ hợp protein, bắt đầu được tiêm thử nghiệm trên người giai đoạn 1.

Theo TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế). cho biết, tại cuộc làm việc mới đây giữa Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), các chuyên gia về thẩm định, thử nghiệm vaccine, nhà sản xuất, thì Học viện Quân y sẽ là nơi dự định triển khai thử nghiệm tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên người tình nguyện.

Ông Quang thông tin, Bộ Y tế đang xem xét hồ sơ, sau khi thẩm định cho thấy hồ sơ đủ yêu cầu sẽ phê chuẩn cho thử nghiệm trên người, khi đó sẽ chính thức thông báo tuyển chọn người tình nguyện tiêm ngừa.

Khâu thẩm định hồ sơ chuẩn bị hoàn tất, Phó Cục trưởng thông tin trong tháng 11 và chậm nhất là đầu tháng 12 tới sẽ tiến hành tiêm trên người.

Theo kế hoạch của nhà sản xuất, tiêm thử nghiệm sẽ tiến hành trên 60 tình nguyện viên. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết sẽ không cùng lúc tiêm thử nghiệm trên 60 người mà chia nhỏ thành các giai đoạn khác nhau.

Theo đó, giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiêm cho 20 người, sau đó đến giai đoạn 2 sẽ dự kiến tiêm cho 40 người. Thời gian bắt đầu giai đoạn 2 là 2- 3 tháng kể từ khi người tình nguyện đầu tiên được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, cụ thể là đầu tháng 3/2021.

"Chúng tôi sẽ cho tiêm thử nghiệm trên 1-2 người đầu tiên trong nhóm tình nguyện, chờ phản ứng và xác định tính an toàn trong 72 giờ đầu, sau đó mới tiêm tiếp cho 18-19 người của giai đoạn 1" – TS Quang cho biết.

Ngoài vaccine của Nanogen sắp được thử nghiệm trên người này, Việt Nam còn có một sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ tiền lâm sàng (Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) để có thể thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm 2021.

Gần 52 triệu người mắc COVID-19 trên toàn thế giới

Đến hết ngày 11/11, toàn thế giới đã ghi nhận 51.994.007 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.282.616 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 36.511.250 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 245.965 ca tử vong trong tổng số 10.573.232 ca mắc - chiếm 1/5 tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Trong 24h qua, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.524 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước.

Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận 822 ca bệnh phát sinh và 2 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh.

Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có  Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 11/11.

MỚI - NÓNG