Tại các đô thị lớn như TPHCM, công viên không chỉ là lá phổi xanh gạn lọc khói bụi, giảm tiếng ồn, điều tiết khí hậu mà còn đóng vai trò là nơi tham quan, vui chơi giải trí cho người dân, du khách và là địa điểm lý tưởng cho nhiều gia đình đến thư giãn sau một ngày làm việc vất vả.
Đáng tiếc là vì nhiều lý do “tế nhị”, công viên cây xanh ngày càng teo tóp dù TPHCM mới đạt 0,69 m2 cây xanh/người, thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn được Chính phủ phê duyệt là 7m2/người.
Thay vì cần mở rộng lá phổi xanh, các đơn vị được giao quản lý đã lợi dụng các công viên nằm ở vị trí đắc địa, các khu đất vàng, thuận lợi cho việc khai thác kinh doanh để cho thuê vô tội vạ. Khu B công viên 23/9 rộng hơn 50.000m2 thì bị cho thuê tới 40% diện tích. Công viên Phú Lâm (quận 6) dành hơn 50% diện tích toàn khu để cho thuê làm nhà hàng, khu vui chơi,…Đó là chưa kể người ta còn tận dụng mặt bằng công viên để tổ chức các hội chợ, triển lãm thương mại vừa gây ảnh hưởng đến các hoạt động vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục của người dân, vừa gây hư hại cỏ, cây cảnh, cơ sở vật chất trong công viên.
Đơn cử như trong hai năm 2016 và 2017, công viên 23/9 có 9 đợt hội chợ triển lãm, sử dụng mặt bằng công viên 130 ngày. Công viên Lê Văn Tám 7 đợt (73 ngày). Công viên Gia Định 7 đợt (115 ngày) và Công viên 30/4 1 đợt (15 ngày)… Số tiền thu được từ hoạt động cho thuê mặt bằng, cho thuê tổ chức hội chợ triển lãm bao nhiêu, chảy vào túi những ai đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, dù lãnh đạo đơn vị nào cũng cam kết là có hóa đơn chứng từ và được hạch toán đầy đủ, có muốn tư túi cũng khó...
Có ai tư túi hay không chưa rõ nhưng có một nghịch lý là nếu không có lợi, hà cớ gì các cơ quan, đơn vị tìm đủ 1001 lý do để duy trì hoạt động cho thuê công viên, dù thời hạn phải chấm dứt theo yêu cầu của UBND TPHCM là vào cuối năm 2018. Và, gần đây nhất là câu chuyện người đứng đầu chính quyền TPHCM nhiều lần lên tiếng đòi lại công viên 23/9 giữa trung tâm thành phố cho người dân và đưa ra thời hạn mới để bàn giao là trước ngày 30/4, nhưng đến nay dù đã quá thời hạn thu hồi, tình trạng “chia năm, xẻ bảy” công viên này để kinh doanh tiếp tục diễn ra một cách ngang nhiên.
Và, người dân càng có cơ sở để tin rằng có lợi ích nhóm chi phối, khi mà nhiều năm trước, những sai phạm trong việc xà xẻo, “xẻ thịt” đất công viên đã bị vạch trần, cơ quan thanh tra vào cuộc và kết luận nhưng không dễ buộc các tổ chức, đơn vị, cá nhân ngừng cho thuê, trả lại công viên cho người dân.
Để dân tin, đã đến lúc chính quyền thành phố phải kiên quyết xử lý các đối tượng đang cố tình “xẻ thịt” đất công, tài sản công mà cụ thể ở đây là đất công viên để thu lợi riêng, nhanh chóng trả lại những lá phổi xanh lành lặn cho cộng đồng.