Công viên trăm tỷ ngập rác thải

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mặc dù Hà Nội còn thiếu nhiều không gian xanh đô thị, nhưng nhiều công viên, vườn hoa ở thủ đô xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm qua.
Công viên trăm tỷ ngập rác thải ảnh 1

Công viên Việt Hưng cỏ dại mọc quá đầu, các hạng mục xuống cấp nghiêm trọng

Công viên Việt Hưng nằm ở nút giao đường Đoàn Khuê - Vạn Hạnh, đối diện trụ sở UBND quận Long Biên có tổng diện tích khoảng 157.237 m2 sau nhiều năm đưa vào sử dụng đang bị xuống cấp. Từ bên ngoài khu đô thị Việt Hưng, khó có thể nhận ra một công viên phía bên trong vì nhiều lùm cỏ dại cao quá đầu người. Phía bên trong có những khu vực ngập rác thải, nhiều đoạn cỏ cháy xém không được thu dọn, cỏ lau mọc tràn lối đi. Nhìn từ trên cao, công viên trông không khác gì một đồng cỏ cháy.

Do bỏ hoang thời gian dài, một số hộ dân đã dựng lều bạt để trồng rau ngay trong công viên. Hiện tại, có 2 khu lều lán trồng rau với tổng diện tích khoảng 100m2.

Phía bên hồ điều hòa của công viên cũng bị chiếm dụng cho thuê câu cá theo giờ. Ông Quang Duy (CT15, khu đô thị Việt Hưng) cho biết, công viên là nơi sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân khu đô thị. Thế nhưng nhiều năm nay cư dân không dám đi dạo bởi công viên đã xuống cấp nghiêm trọng. “Ban ngày công viên là nơi câu cá, phóng uế thậm chí tập lái xe ô tô. Ban đêm thì không ai dám vào vì đèn đã hỏng hết, không nhìn thấy đường mà đi”, ông Duy nói.

Nằm ở vị trí đắc địa, dự án “Khu công viên hồ điều hòa phía Bắc và phần mở rộng phía Nam Mai Dịch” ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy được kỳ vọng sẽ tạo ra một cảnh quan chung đồng bộ cho khu vực. Tuy nhiên, sau 3 năm đưa vào sử dụng, khu vực này đang xuống cấp nghiêm trọng. Đường đi dạo bộ xuống cấp, hố ga mất nắp, đèn vỡ… gây nguy hiểm cho người đi bộ.

Được biết, dự án rộng hơn 15ha thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tổng mức đầu tư khoảng 957 tỷ đồng. Dự án chính thức khởi công vào tháng 1/2016, dự kiến bàn giao vào năm 2017 nhưng phải đến cuối năm 2018 dự án mới hoàn thành.

Tương tự ở công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) hoang phế nhiều năm. Rác thải khắp nơi, các hạng mục trò chơi như vòng quay khổng lồ đang rỉ sét như một khối sắt treo lơ lửng rình rập đe dọa tính mạng người dân.

Nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa

Đại diện UBND quận Long Biên cho biết, vườn hoa Việt Hưng xây dựng tại ô đất CV-02, được coi là không gian xanh cho người dân khu đô thị Việt Hưng. Cùng với khu đô thị Việt Hưng, vườn hoa cũng được chủ đầu tư là Tổng Cty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đầu tư và đã bàn giao về cho quận Long Biên quản lý. Về việc công viên hoang hóa nhiều năm đã được người dân khu vực kiến nghị nhiều lần. UBND quận đã có kế hoạch cải tạo nâng cấp công viên Việt Hưng với tính chất là công viên mở.

Theo đó, gần như toàn bộ các hạng mục sẽ được cải tạo bao gồm tường rào, hệ thống kè, cổng, chiếu sáng, trồng cây và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác. Được biết, tổng vốn đầu tư cho công viên là hơn 70 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2020 - 2022. Tuy nhiên, đến nay dự án cải tạo vẫn chưa biết khi nào tiến hành.

Đối với dự án “Khu công viên hồ điều hòa phía Bắc và phần mở rộng phía Nam Mai Dịch”, đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, công viên vẫn chưa được bàn giao về cho quận. Đối với những phản ánh về sự nhếch nhác của công viên, chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư xử lý.

Chủ đầu tư công viên cho biết thêm, đơn vị đã thực hiện chỉnh trang một số hạng mục, phát quang cây cỏ để công viên sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, công viên còn một số hạng mục liên quan quy hoạch, hồ sơ pháp lý đang chờ thành phố phê duyệt. Nếu chưa được phê duyệt thì chủ đầu tư chưa thể hoàn thành nốt hạ tầng công viên, cũng như chưa thể bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có; đồng thời, hoàn thành 6 công viên mới giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường kêu gọi đầu tư mở các công viên còn lại thuộc danh mục xây dựng mới theo quy hoạch cây xanh. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, UBND các quận, huyện và các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, khắc phục tình trạng xuống cấp của các công viên, vườn hoa và đầu tư xây mới để tạo thêm nhiều cảnh quan có môi trường xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.

MỚI - NÓNG