Chiều 21/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, dù kết quả nửa đầu năm nay chưa đạt kế hoạch nhưng khái quát chung, kinh tế vĩ mô ổn định, cân đối lớn được đảm bảo.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm nhằm bảo đảm tăng trưởng 6,5% là rất nặng nề. |
"Năm nay, tăng trưởng 6 tháng mới đạt 3,72% thì nhiệm vụ cuối năm rất nặng nề, chưa kể nhiệm vụ tăng trưởng cho cả nhiệm kỳ", ông Dũng đặt vấn đề và bày tỏ lo lắng, nếu năm nay không đạt thì khó cho các năm sau, cho cả nhiệm kỳ và cả giai đoạn đến năm 2030, năm 2045, với mục tiêu là trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhận định, những tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, dù Quốc hội rất ủng hộ Chính phủ trong các quyết sách, nhằm phục hồi kinh tế - xã hội và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp, người dân là rất lớn.
"Khối lượng công việc rất nhiều, tính chất phức tạp, yêu cầu phải nhanh. Những vấn đề phát sinh không nằm trong kế hoạch cũng rất nhiều. Luật pháp chưa chặt chẽ, thủ tục rườm rà, rắc rối. Nếu làm nhanh, tham mưu không chuẩn, nhưng để lâu quá thì xã hội, đất nước, người dân không chờ được. Nhiều cái không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn cử như Nghị quyết đặc thù của TPHCM cũng giao cho bộ, trong khi có nhiều nhiệm vụ thuộc các bộ, ngành khác", Bộ trưởng nói.
Về quy hoạch, theo ông Dũng, đây là nhiệm vụ lớn, được triển khai nhanh từ đầu năm 2023. Hiện 11/38 quy hoạch ngành đã được phê duyệt, 17/38 quy hoạch đang được hoàn thiện để trình phê duyệt và 10/38 quy hoạch đang được xin ý kiến. Đối với quy hoạch tỉnh, hiện đã hoàn thành 43/63 quy hoạch và đang trong quá trình hoàn thiện để phê duyệt; 20/63 quy hoạch đang được lập và hoàn thành.
Để đảm bảo các quy hoạch đều hoàn thành trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa và quan trọng; rà soát, đồng bộ quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành; là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển, định hướng các ngành, phân bổ nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới.
"Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ nhưng không xem nhẹ chất lượng, không phó mặc cho tư vấn. Đây là cơ hội để sắp xếp, phân bổ, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả", Bộ trưởng lưu ý.
Về các mô hình kinh tế mới, Bộ đã tham mưu xây dựng Đề án về thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Bên cạnh đó là cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao. Theo báo cáo về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, áp lực giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm nay còn rất lớn, khoảng hơn 490.000 tỷ đồng.