Các trụ cột đều đi lùi
Ngày 29/6, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý II và 6 tháng đầu năm nay. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm nay ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn 2011-2023, kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của quý II/2020-thời điểm COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%.
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm. Ảnh: V.Linh |
Kinh tế toàn cầu suy giảm, cầu tiêu dùng giảm, sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, ước tính GDP 6 tháng đầu năm không đạt như kỳ vọng. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê), để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5%, 6 tháng đầu năm cần phải đạt được mức tăng 6,2% (trong đó quý 1 tăng 5,6%, quý 2 tăng 6,7%). Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 6 tháng không đạt, thấp hơn nhiều so với kế hoạch (thấp hơn 2,48%). Trong nước, động lực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn, bị tác động bởi khó khăn, thách thức từ bên ngoài. Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Giá trị tăng thêm của toàn ngành chỉ là 0,44%, thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá giảm 15,2%, ước đạt 316,7 tỷ USD. Đơn hàng xuất khẩu giảm sút do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro yếu đi.
“Giải ngân vốn đầu tư công, động lực tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh hiện nay cũng chưa có cải thiện đáng kể. Một số thị trường then chốt như: tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và lao động... lộ rủi ro, thanh khoản eo hẹp hơn; vốn cho doanh nghiệp khó tiếp cận hơn, đang là thách thức đặt ra”, bà Hạnh nhận định.
Dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm không đạt như kỳ vọng, nhưng theo bà Hạnh, đây là mức tăng trưởng phù hợp với bối cảnh chung toàn cầu. Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục cập nhật kịch bản tăng trưởng cho các quý tiếp theo. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là khó khả thi, do nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét (thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn, khó dự báo).
Để kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng phù hợp, Tổng cục Thống kê khuyến nghị tập trung vào một số động lực chính như: đầu tư công; thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ; nông nghiệp, thuỷ sản. Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp cùng với chính sách tài khoá, tiền tệ linh hoạt sẽ là động lực cho tăng trưởng các tháng cuối năm.
Lo ngại giá hàng hóa “té nước” theo lương
Tăng lương cơ sở mới kể từ tháng 7 được cho là nhân tố kích thích cầu tiêu dùng, nhưng cũng tiềm ẩn lo ngại giá hàng hoá “té nước” theo lương. Nhiệm vụ kiểm soát giá cả, lạm phát thời gian tới sẽ nặng nề hơn. Kiểm soát lạm phát cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,29%, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân tiếp tục ở mức cao, cao hơn CPI bình quân chung là yếu tố là cần được theo dõi.
Về lo ngại tăng lương cơ sở ảnh hưởng tới lạm phát, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, CPI và tăng lương có tác động lẫn nhau. Lương tăng, đời sống người dân tăng, nhu cầu tăng lên, dẫn đến sự thay đổi quan hệ cung - cầu, kéo theo biến động giá hàng hóa tiêu dùng. Qua các đợt tăng lương cơ sở, Tổng cục Thống kê nhận thấy, giá hàng hóa tiêu dùng cũng tăng, nhất là thực phẩm.
“Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao, nguồn cung hàng hóa đảm bảo tốt, việc tăng lương kéo theo giá cả hàng hóa tăng nhưng không đột biến. Tôi tin rằng không xảy ra tình trạng giá cả, hàng hóa dịch vụ tăng quá cao”, bà Oanh nói.
Về giải pháp hạn chế tình trạng giá hàng hóa tăng theo lương, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, các bộ ngành, địa phương cần chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đảm bảo nhu cầu người dân; cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, sử dụng vật liệu trong nước thay nguồn nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực lên giá tiêu dùng; kiểm soát việc niêm yết giá hàng hóa; đẩy mạnh bình ổn giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống găm hàng...
Để kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng phù hợp, Tổng cục Thống kê khuyến nghị tập trung vào một số động lực chính như: đầu tư công; thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ; nông nghiệp, thủy sản. Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp cùng với chính sách tài khoá, tiền tệ linh hoạt sẽ là động lực cho tăng trưởng các tháng cuối năm.