Bệnh viện công, máy móc tư
Ngày 18/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án 8 người tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). Theo cáo trạng, ông Trương Quý Dương- nguyên GĐ BV Hòa Bình ký hợp đồng với Cty Thiên Sơn để thực hiện sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng trong chạy thận. Cty Thiên Sơn ký lại hợp đồng với Cty Trâm Anh do bị cáo Bùi Mạnh Quốc là giám đốc để thực hiện các hạng mục đã ký với BV Hòa Bình.
Ngày 28/5/2017, Quốc tẩy rửa màng lọc RO bằng hỗn hợp axit HF và HCL nhưng sơ suất để axit tồn tại trong hệ thống. Bị cáo Trần Văn Sơn- cán bộ phòng vật tư dù không kiểm tra nhưng báo cáo hệ thống có thể sử dụng. Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo ra lệnh lọc máu, chạy thận dẫn đến hậu quả 8 người tử vong. Cáo trạng xác định, Bùi Mạnh Quốc đã không làm xét nghiệm nước theo tiêu chuẩn AAMI.
Tuy nhiên, ông Hoàng Công Tình - Phó khoa Hồi sức tích cực BV Hòa Bình cho rằng, để đảm bảo chất lượng nước cần dùng phương pháp khác, không phải AAMI như cáo trạng xác định. “Xét nghiệm AAMI là xét nghiệm định kỳ, được khuyến cáo 6 tháng đến 1 năm 1 lần. Xét nghiệm này độc lập với việc sửa chữa bảo dưỡng” - ông Tình nói. Ngoài ra, do axit HF không được sử dụng trong y tế nên sẽ không ai làm xét nghiệm phát hiện chất này.
Cũng tại tòa, ông Đỗ Đình Vận - Phó GĐ BV Hòa Bình khẳng định, BV Hòa Bình đã xã hội hóa từ năm 2010, tức cho tư nhân đầu tư, việc này do nguyên GĐ Trương Quý Dương toàn quyền quyết định. Đại diện bệnh viện cho biết thêm: “Từ 2010 đến khi xảy ra sự cố, bệnh viện có 6 hợp đồng ký với Cty Thiên Sơn và đều do ông Dương quyết định. Các máy đang vận hành thuộc sở hữu của Thiên Sơn… Có một số máy chạy hết 5.000 ca thì thuộc sở hữu của bệnh viện”.
Đưa tài liệu cho bị cáo khai theo?
Luật sư Nguyễn Chiến - bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đề nghị hỏi điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa về quá trình điều tra việc bị cáo Lương không được mời luật sư ngay khi bị khởi tố. Ông Nghĩa nói: “Trong buổi làm việc với bị can Lương, tôi có nhận yêu cầu mời luật sư của bị can. Chúng tôi có hỏi mời luật sư nào, bị can nói là qua cơ quan điều tra thông báo về gia đình… Tôi triển khai đúng quy định của pháp luật”.
Trước các câu hỏi khác nhau, điều tra viên đề nghị luật sư nghiên cứu hồ sơ. Luật sư Chiến tiếp tục: “Chúng tôi tới tòa đã nghiên cứu hồ sơ, nhưng không thể căn cứ vào hồ sơ để kết tội”. Đáp lại, ông Nghĩa nói: “Tôi đã trả lời thế, không trả lời thêm”. Ông Chiến cho rằng điều tra viên không có quyền im lặng nên cần trả lời bị cáo Lương bị bắt bao lâu mới được mời luật sư. Ông Bùi Tuấn Nghĩa đáp: “Thời gian được thể hiện trong hồ sơ”.
Tiếp đến, luật sư nhắc lại việc bị cáo Hoàng Công Lương khai được điều tra viên cho xem bản khai của ông Hoàng Đình Khiếu - Phó GĐ BV Hòa Bình để khai theo. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Điệp - điều dưỡng viên cũng nói, được điều tra viên đưa cho bản ảnh của tài liệu để khai theo.
Điều tra viên Nghĩa phủ nhận, nói: “Tôi không chuyển bất cứ tài liệu nào cho bị can Lương trước khi bị can trả lời câu hỏi của chúng tôi”. Bị cáo Hoàng Công Lương và bà Điệp được lên đối chất, tái khẳng định đã khai theo các tài liệu điều tra viên đưa. Luật sư Chiến cũng đọc 2 lời khai của bị cáo Lương và bác sĩ Hoàng Đình Khiếu - Phó giám đốc BV Hòa Bình, 2 văn bản khai giống nhau cả về “chấm, phẩy”. Tuy nhiên điều tra viên Nghĩa vẫn cho rằng bản khai giống nhau “theo tôi là ngẫu nhiên”.
Tiếp đến, luật sư hỏi về việc điều tra viên Nghĩa và cán bộ Nguyễn Hiếu Thảo có 2 biên bản ghi lời khai của bà Điệp thể hiện cùng ngày, cùng giờ. Ông Chiến hỏi: “Tại sao có sự trùng lặp như vậy?”. Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa đáp: “Sự trùng lặp thể hiện rõ trong hồ sơ, tôi không giải thích gì hơn”.
Thứ Hai (21/5), Tòa tiếp tục làm việc.
Tại tòa, bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai: “Sau khi sự việc xảy ra bị cáo có nhận được lệnh của Cty Thiên Sơn là anh Tuấn (giám đốc) lên chạy lại hệ thống tuần hoàn. Bị cáo không nhớ rõ là mục đích chạy lại để làm gì”.