Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bệnh viện công, máy móc tư

TPO - Theo đại diện Bệnh viện Hòa Bình, từ 2010 đến khi xảy ra sự cố, bệnh viện có 6 hợp đồng ký với Cty Thiên Sơn và đều do Giám đốc Trương Quý Dương quyết định. Các máy đang vận hàng thuộc sở hữu của Thiên Sơn… Có một số máy chạy hết 5.000 ca thì thuộc sở hữu của bệnh viện nhưng máy chạy hết 5000 ca thì hỏng hóc.
Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bệnh viện công, máy móc tư ảnh 1

Trong vụ án, bị cáo Hoàng Công Lương được tại ngoại.

Sáng 18/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án sự cố y khoa trong chạy thận khiến 8 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). 

Có nạn nhân thứ 9?

Nội dung vụ án thể hiện, ông Trương Quý Dương - nguyên GĐ BV Hòa Bình ký hợp đồng trị giá gần 100 triệu đồng với Cty Thiên Sơn do ông Đỗ Anh Tuấn làm giám đốc để thực hiện sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng trong chạy thận.

Cty Thiên Sơn ký lại hợp đồng trị giá hơn 70 triệu đồng với Cty Trâm Anh do bị cáo Bùi Mạnh Quốc là giám đốc để thực hiện các hạng mục đã ký với BV Hòa Bình.

Ngày 28/5/2017, Quốc tẩy rửa màng lọc RO bằng hỗn hợp axit HF và HCL nhưng đã sơ xuất để axit tồn tại trong hệ thống. Cáo trạng xác định, Bùi Mạnh Quốc đã không làm xét nghiệm AAMI nhưng thông báo hệ thống sửa chữa xong.

Bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ phòng vật tư đã không kiểm tra nhưng báo cáo hệ thống có thể sử dụng. Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo ra lệnh lọc máu, chạy thận. Quốc và Sơn biết việc này nhưng không ngăn chặn dẫn đến hậu quả 8 người tử vong.

Tại tòa, luật sư Nguyễn Hoàng Trung - bảo vệ cho cho các nạn nhân nói: "Các gia đình nạn nhân mong muốn tìm được người chịu trách nhiệm với những người thân của họ".

Cũng theo luật sư: “Vụ việc này không phải chỉ có 8 nạn nhân mà còn thêm 1 nạn nhân nữa là thứ 9”. Lập tức, chủ tọa ngắt lời, đề nghị luật sư đi vào trọng tâm câu hỏi.

Bệnh viện công, máy móc tư

Luật sư tiếp tục đặt câu hỏi với ông Đỗ Đình Vận - Phó GĐ BV Hòa Bình về nguồn gốc các máy lọc thận trong bệnh viện. Ông Vận tái khẳng định, BV Hòa Bình đã xã hội hóa từ năm 2010, tức cho tư nhân đầu tư nhưng cụ thể thế nào do giám đốc.

Luật sư đặt câu hỏi, trang thiết bị lắp tại bệnh viện là của ai? Các máy chạy thận được lắp, sử dụng và đã gây sự cố do ai sở hữu? Đáp lại, Phó giám đốc BV Hòa Bình đáp: “Để cho rõ, đề nghị đại diện của bệnh viện (luật sư của bị đơn dân sự) trả lời”.

Theo đại diện BV Hòa Bình: “Từ 2010 đến khi xảy ra sự cố, bệnh viện có 6 hợp đồng ký với Cty Thiên Sơn và đều do GĐ Trương Quý Dương quyết định. Các máy đang vận hàng thuộc sở hữu của Thiên Sơn… Có một số máy chạy hết 5.000 ca thì thuộc sở hữu của bệnh viện nhưng  máy chạy hết 5000 ca thì hỏng hóc”.

Cũng theo vị này: “Theo hợp đồng, hãng tư vấn về kỹ thuật với chuyên gia kỹ sư của bệnh viện. Cụ thể, ông Trương Quý Dương đã giao phòng vật tư… Tất cả việc liên quan sửa chữa, chăm sóc sức khỏe đều được  giao phòng vật tư. Người chịu trách nhiệm cao nhất là người lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng”.

Luật sư của các bị hại đặt câu hỏi, bệnh viện có ý thức trách nhiệm trong sự việc đến đâu?

Đại diện bệnh viện đáp: “Bệnh viện là cơ quan y tế cấp tỉnh lớn nhất của Hòa Bình… bệnh viện nhận trách nhiệm nhưng mong HĐXX chỉ rõ ra đâu là trách nhiệm của bệnh viện, đâu là của các cá nhân”.

Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bệnh viện công, máy móc tư ảnh 2 Bị cáo Bùi Mạnh Quốc được dẫn giải tới tòa.

Xét nghiệm AAMI không liên quan?

Tiếp đến, luật sư Trần Hồng Phúc - bảo vệ cho Hoàng Công Lương đặt các câu hỏi liên quan quyết định thành lập đơn nguyên lọc máu. Theo bà Phúc, chỉ Sở Y tế mới có thẩm quyền nhưng ông Trương Quý Dương lại ra quyết định. Đại diện bệnh viện bỏ qua câu hỏi này.

Luật sư Phúc tiếp tục: “Có nhiều quy định của pháp luật nhưng tôi không thấy bóng dáng Sở Y tế. Chúng tôi cho rằng đây là nguyên nhân gốc dẫn tới vụ án, những nguyên nhân khác là phái sinh”.

Tiếp đến, luật sư đặt câu hỏi với bác sĩ Hoàng Công Tình - Phó khoa Hồi sức tích cực về cách xét nghiệm nước dùng trong chạy thận. Theo ông Tình, để đảm bảo chất lượng nước cần dùng các xét nghiệm khác, không phải AAMI như cáo trạng xác định

“Xét nghiệm AAIM là xét nghiệm định kỳ, được khuyến cáo 6 tháng đến 1 năm 1 lần. Xét nghiệm này độc lập với việc sửa chữa bảo dưỡng” - ông Tình nói.

Tiếp đến, ông Tình khẳng định axit HF không được dùng trong y tế nên sẽ không xét nghiệm trong nước chạy thận có chất này hay không .

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc cũng khai, không được ai thông báo axit HF và HCL không được dùng trong y tế; trách nhiệm xét nghiệm nước thuộc về Cty Thiên Sơn.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.