Công Phượng - phẩm chất và áp lực ngôi sao

Công Phượng (giữa) trong vòng vây báo chí sau trận thắng U22 Timor Leste. Ảnh: VSI.
Công Phượng (giữa) trong vòng vây báo chí sau trận thắng U22 Timor Leste. Ảnh: VSI.
TP - Dù muốn dù không, tiền đạo HAGL vẫn sẽ là cái tên được nhắc tới nhiều nhất, thu hút mọi sự chú ý tại SEA Games 29 sắp tới. Công Phượng cần vượt qua được áp lực để chứng tỏ năng lực cá nhân, ở đấu trường thích hợp với độ tuổi.

Ngay từ bây giờ, đã có thể đoán chắc Công Phượng sẽ nắm một suất chính thức trên hàng công U22 Việt Nam tại SEA Games 29 (Malaysia). Sự ưu ái của HLV Hữu Thắng đối với cầu thủ HAGL nói chung và Công Phượng nói riêng chỉ là một phần lý do, dựa trên triết lý lối chơi ông Thắng theo đuổi với các ĐTQG.

Ở góc độ chuyên môn, Công Phượng hội đủ yếu tố để HLV Hữu Thắng đặt niềm tin, thay vì 1 trong số các chân sút còn lại. Kinh nghiệm thi đấu quốc tế, khả năng bùng nổ khi gặp các đối thủ đúng độ tuổi, và trên hết là bản năng của một ngôi sao. Tiền đạo gốc Nghệ đã tỏa sáng rực rỡ ở các giải trẻ, chơi cực hiệu quả tại Vòng loại U23 châu Á 2015 và SEA Games 28. Ở trận đấu với Timor Leste tối 19/7, Công Phượng một lần nữa cho thấy cái duyên của anh với giải đấu này, khi lập một cú “đúp”, và in dấu giày ở nhiều tình huống nguy hiểm khác của U22 Việt Nam. Năm 2015, Công Phượng từng ghi 4 bàn ở Vòng loại U23 châu Á, góp công lớn vào thành tích đoạt vé dự VCK của U23 Việt Nam.

Vấn đề đối với HLV Hữu Thắng có lẽ chỉ là bằng cách nào khai thác hết năng lực cá nhân của Công Phượng. Cho tới lúc này, hai giải đấu tiền đạo HAGL chơi hay nhất đều dưới sự dẫn dắt của HLV Toshiya Miura, Vòng loại U23 châu Á 2015 và SEA Games 28. Ông Miura đã tiết chế tối đa lối chơi cá nhân của Công Phượng, buộc anh phải bớt rườm rà trong các tình huống xử lý bóng. Một vị trí lùi trên hàng tấn công, kèm theo những yêu cầu về chuyên môn của ông Miura giúp cho Công Phượng trở nên hiệu quả hơn.

Ở thời điểm hiện tại, các dấu hiệu đều cho thấy, HLV Hữu Thắng sẽ tiếp tục để Công Phượng thoải mái với vị trí yêu thích này. Nhưng hiệu quả của anh tới đâu vẫn là dấu hỏi. Một cầu thủ chơi tốt không chỉ bởi vị trí được bố trí trên sân, mà còn phụ thuộc sự liên kết với các vị trí còn lại, được cụ thể qua yêu cầu do HLV đưa ra cho từng trận đấu.

Công Phượng chứ không phải bất kỳ cái tên nào khác ở đội tuyển U22 Việt Nam hiện nay, gồm cả Xuân Trường hay Tuấn Anh, mới là cái tên nhận được nhiều sự chú ý nhất của công chúng và giới truyền thông. Từ khi “trình làng” trong màu áo U19 năm 2013, Công Phượng đã sớm nổi lên như gương mặt “hot” nhất. Hãy nhìn cách dư luận và truyền thông “mổ xẻ” Công Phượng sau mỗi trận đấu, dù đội thắng hay thua, đấy sẽ tiếp tục là vấn đề với Công Phượng, và cả HLV Hữu Thắng ở SEA Games 29 tới.

Không phải ngẫu nhiên, câu chuyện về chiếc băng đội trưởng của Công Phượng lại được quan tâm nhiều đến thế. Và cũng không phải vô cớ, HLV Hữu Thắng quyết định gỡ chiếc băng đội trưởng trên tay Công Phượng để trao lại cho Tiến Dũng ở trận đấu với Timor Leste. Trước khi đưa ra quyết định này, HLV Hữu Thắng đã dành cả một buổi để trò chuyện với anh. Công Phượng cần có điểm tựa để vượt qua áp lực đối với mình. Trong khi đó, với HLV Hữu Thắng, gỡ bỏ áp lực cho Công Phượng chính là cách để tiền đạo HAGL có thể thi đấu với năng lực cao nhất của bản thân. Đây là một trong những điều kiện cần thiết để U22 Việt Nam của HLV Hữu Thắng có thể thành công tại SEA Games 29.

19h chiều nay trên sân vận động Thống Nhất, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ gặp U22 Macau (Trung Quốc) ở lượt trận thứ 2 bảng I, Vòng loại U23 châu Á 2018. U22 Việt Nam cần ghi được càng nhiều bàn thắng càng tốt để đảm bảo lọt vào nhóm 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất, qua đó giành vé dự VCK U23 châu Á 2018 diễn ra tại Trung Quốc. Ở lượt đầu tiên, U22 Macau (Trung Quốc) đã thua U22 Hàn Quốc 0-10.

MỚI - NÓNG