Bắc Giang phục hồi sản xuất sau đại dịch:

Công nhân rủng rỉnh, nhà trọ, quán ăn đắt khách

0:00 / 0:00
0:00
Công nhân quay lại làm việc giúp các cửa hàng thực phẩm tăng mạnh doanh thu
Công nhân quay lại làm việc giúp các cửa hàng thực phẩm tăng mạnh doanh thu
TP - Từng là tâm dịch cả nước, nhưng kinh tế tỉnh Bắc Giang tăng trưởng cao hơn bình quân toàn quốc, doanh nghiệp phục hồi sản xuất và mở rộng quy mô giúp cho đời sống công nhân khởi sắc.

Thu nhập cao hơn trước dịch

Vừa tan ca, chị Lê Thái Hà (ở thành phố Bắc Giang) làm công nhân cho một công ty ở Khu công nghiệp Đình Trám, cùng 3 công nhân khác bước vào một cửa hàng ăn uống gần tổ dân phố My Điền 1 (huyện Việt Yên). Nhóm công nhân này gọi đồ ăn khá nhiều, rồi cùng nhau vui vẻ trò chuyện. “Hôm nay, chúng tôi mới lĩnh lương nên tụ tập ăn uống để thư giãn sau một ngày làm việc. Mấy tháng qua, tiền lương và thưởng của chúng tôi cao nên cũng dễ chi tiêu”, chị Hà nói.

Nhiều tháng trước, chị Hà không dám nghĩ cuộc sống nhanh trở lại bình thường như hiện nay. Lúc đó, tỉnh Bắc Giang đang bùng phát dịch, các khu công nghiệp tạm dừng hoạt động, nhà máy đóng cửa, chị cũng phải nghỉ việc. Không có việc làm khiến chị không có thu nhập, bởi vậy bài toán kinh tế, chi tiêu trong gia đình đối với chị lúc ấy không dễ dàng.

Việc tỉnh Bắc Giang nhanh chóng kiểm soát, rồi dập dịch thành công đã giúp các công ty trong các khu công nghiệp sớm hoạt động trở lại. “Mấy tháng nay, tôi đều có việc làm ổn định, thời gian làm tăng ca nhiều hơn trước dịch nên thu nhập đều và cao. Tính cả lương, thưởng và tiền tăng ca, tôi có hơn 10 triệu đồng/tháng”, chị Hà cho hay.

Chị Trần Thị Tính ở xã Minh Đức (huyện Việt Yên) làm công nhân cho một công ty may nước ngoài ở Khu công nghiệp Quang Châu cũng không giấu nổi niềm vui khi cuộc sống có nhiều khởi sắc sau dịch. Sau một thời gian tạm dừng hoạt động vì dịch, đầu tháng 6, công ty gọi chị đi làm trở lại. Chế độ công ty dành cho công nhân cao hơn so với trước dịch. “Thời điểm công ty thực hiện 3 tại chỗ (công nhân cùng làm, cùng ăn, ở), tôi được công ty hỗ trợ thêm 150.000 đồng/ngày và 150.000 đồng tiền điện thoại/tháng”, chị Tính chia sẻ.

Chị Tính cho biết thêm, tiền lương của chị là nguồn thu chính trong gia đình. Từ tháng 6 đến nay, chị làm việc liên tục tăng ca. Mỗi tháng, thu nhập của chị hơn 10 triệu đồng. “Thu nhập hiện nay của tôi còn cao hơn trước dịch vì tăng ca liên tục. Tôi không chỉ đủ tiền chi tiêu mà còn tích lũy được một phần”, chị Tính cho hay.

Dịch vụ ăn theo “sống khỏe”

Trời nhá nhem tối, anh Nguyễn Chí Dũng, chủ một cửa hàng bán lương thực ở tổ dân phố My Điền 1, tất bật với việc cân thịt lợn, gà cho công nhân. Vào thời điểm công nhân vừa tan ca, chuẩn bị cho bữa ăn tối, cửa hàng của anh Dũng luôn đông khách. Tổ dân phố My Điền 1 gần các khu công nghiệp nên số lượng công nhân ở trọ đông. Mấy tháng qua, công nhân bắt đầu quay trở lại thuê trọ ngày càng nhiều, việc buôn bán của anh Dũng cũng thuận lợi. “Việc buôn bán của tôi đã trở lại bình thường như trước dịch”, anh Dũng nói.

Anh Nguyễn Minh Tự (chủ một quán cơm tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, ở gần Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng) bất ngờ trước sự đông khách của quán sau dịch. Quán cơm của anh chủ yếu phục vụ công nhân. Sau khi dịch ở Bắc Giang được kiểm soát, các khu công nghiệp hoạt động trở lại, công nhân đi làm ngày càng đông. Nhu cầu ăn uống, giải trí của công nhân tăng, anh cũng ăn nên làm ra. Mỗi ngày, quán cơm của anh đón khoảng 200 khách, chủ yếu là công nhân.

Anh Tự cho biết thêm, anh mới mở thêm một quán ăn ở xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, gần khu công nghiệp để phục vụ công nhân. Bước đầu, quán có lượng khách ổn định. “Doanh thu quán cơm của tôi đạt trung bình hơn 10 triệu đồng/ngày. Ngày cao điểm, doanh thu có thể đạt 20 triệu đồng”, anh Tự cho hay.

Ông Thân Văn Dũng, một người kinh doanh phòng trọ ở xã Nội Hoàng cũng phấn khởi trước việc sản xuất trong các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang được phục hồi, giúp công việc của ông phát đạt. Hơn 1 năm trước, ông vay ngân hàng 600 triệu đồng để đầu tư xây dựng phòng trọ. Dịch bùng phát, công nhân ngừng việc, ông cũng thất thu. Các khu công nghiệp hoạt động nhộn nhịp trở lại, công nhân đổ về nhiều nên có nhu cầu lớn về phòng trọ. “Các phòng trọ trong gia đình tôi đều đã được công nhân thuê. Tiền cho thuê phòng trọ tôi thu về 20 triệu đồng/tháng. Tôi có tiền trả lãi ngân hàng và đảm bảo chi tiêu cho gia đình”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết thêm, số lượng công nhân có nhu cầu thuê phòng trọ ngày càng nhiều. Thôn đang “khát” phòng trọ, vì công nhân tìm đến thuê nhiều hơn so với trước dịch.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, đến tháng 9, toàn tỉnh có 180.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp, tăng 30.000 lao động so với trước dịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng của tỉnh đạt 5,5%, cao hơn bình quân chung của cả nước.

MỚI - NÓNG