Công nhân chế biến thủy sản bơ vơ

Công nhân chế biến thủy sản bơ vơ
TP - Tỉnh Cà Mau có 29 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, sử dụng khoảng 40.000 lao động (một nửa là lao động công nhật). Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Châu Công Bằng cho biết, khoảng 70% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa, nên số lao động mất việc làm rất lớn.

> Doanh nghiệp thủy sản khát vốn
> Đại gia vỡ nợ, 700 công nhân ra đường

Rất khó khăn

Trong căn phòng trọ chưa đầy chục mét vuông ở xã Lương Thế Trân (Cái Nước), chị Lê Thúy Diễm đang nuôi con trai bị bệnh. Chị cho biết, sáng sớm đi lột tôm công nhật, làm được hơn 20.000 đồng thì hết tôm, phải về. Con gái mới 14 tuổi cũng đã phải nghỉ học để đi lột tôm phụ với chị kiếm sống.

Chị Diễm kể, gần 5 năm trước, chị từ xã Thạnh Phú lên đây thuê trọ, làm công nhân cho Cty CP thực phẩm Đại Dương (OFC) để nuôi 2 con ăn học.

Nhưng OFC đứng trước nguy cơ phá sản nên sa thải công nhân, hứa trả lương tháng 1 triệu đồng dù không làm đủ ngày nhưng hứa mà không trả nên chị tìm việc lột tôm công nhật ở doanh nghiệp khác.

“Thiếu việc nên lao động lột tôm công nhật cũng phải giành giựt từng mớ tôm để lột, kiếm từng đồng mua gạo nuôi con, khổ lắm”, chị Diễm nói.

Khu công nghiệp Hòa Trung ở xã Lương Thế Trân (huyện Cái Nước) có hơn 10 xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa.

Cả khu vực xung quanh, hàng quán bây giờ cũng đóng cửa, nhà trọ lèo tèo, khác xa cảnh nhộn nhịp trước đây.

Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ nhà trọ Vĩnh Kỳ ở ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, cho biết: “Lúc trước, nhà trọ của tôi có hơn 200 công nhân thuê, nay còn chưa đến một nửa, chủ yếu là những người chờ lương, làm công nhật hoặc chạy xe ôm, làm mướn lặt vặt”.

Ngành thủy sản được xác định là kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau, nhưng khảo sát của UBND tỉnh Cà Mau mới đây cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, các xí nghiệp chế biến thủy sản chỉ hoạt động khoảng 40% công suất.

Phó chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân, ông Nguyễn Quốc Văn cho biết, trước đây ở xã có hơn 3.000 công nhân chế biến thủy sản, gồm người trong xã và nông dân các xã lân cận đến.

Nay phần lớn đã mất việc, tự đi tìm việc làm tứ xứ, một số vì vướng con cái còn ở lại cầm cự với nhiều việc khác nhau. “Tình hình rất phức tạp. Chúng tôi phải lo giữ gìn an ninh trật tự vì công nhân tập trung đòi nợ lương, đòi đập phá nhà máy để lấy tài sản trừ lương”, ông Văn nói.

Tỉnh Cà Mau có Cty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Cái Đôi Vàm (Cadovimex) một thời làm ăn phát đạt, nay cũng lao đao. Cadovimex có 2 xí nghiệp ở thị trấn Cái Đôi Vàm (Phú Tân) và Nam Long (Cái Nước) với khoảng 3.000 công nhân lúc ăn nên làm ra, nay còn chưa đến 400 công nhân.

Anh Lê Văn Việt, cán bộ điều hành sản xuất Cadovimex, cho biết: “Doanh nghiệp thiếu nợ ngân hàng nên bị niêm phong kho, tài sản. Mọi hoạt động sản xuất phải có cán bộ ngân hàng là chủ nợ cho phép nên rất khó khăn”.

Công nhân bơ vơ

Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc có nguy cơ phá sản lại đóng bảo hiểm cho công nhân ít hơn số công nhân thực tế, với mức lương khởi điểm, và còn nợ bảo hiểm nên khi công nhân mất việc đã lâm cảnh bơ vơ.

Điển hình là Cty CP Thực phẩm Đại Dương lúc cao điểm có 600 công nhân nhưng chỉ đóng bảo hiểm cho 122 người, Cty CP Chế biến Thủy sản xuất khẩu Minh Châu có hơn 300 công nhân nhưng chỉ đóng bảo hiểm cho 42 người, Cty TNHH Xuất nhập khẩu Việt Hải lúc hoạt động bình thường có vài trăm công nhân nhưng chỉ đóng bảo hiểm cho 25 người. Đóng bảo hiểm đã ít, các doanh nghiệp vừa kể còn nợ bảo hiểm gần 30 tháng.

Vợ chồng anh Nguyễn Thành Trang và chị Nguyễn Thị Duyên ở xã Hàm Rồng (Ngọc Hiển) làm công nhân cho Xí nghiệp Kinh doanh chế biến thủy sản Ngọc Sinh.

Xí nghiệp đóng cửa, vợ chồng anh Trang cũng như hàng trăm công nhân khác không được bảo hiểm giải quyết các chế độ vì Xí nghiệp còn nợ bảo hiểm.

Chị Duyên kể: “Vợ chồng tôi ráng làm để nuôi 2 con đi học, một đứa lớp 12, một đứa lớp 6. Khi còn làm việc, hàng tháng chúng tôi đều bị trừ lương để đóng bảo hiểm nhưng Xí nghiệp lại không nộp lên trên”.

Thất nghiệp bơ vơ, hàng ngày anh Trang chạy xe ôm, còn chị Duyên làm công nhật cho các xí nghiệp chế biến thủy sản còn hoạt động cầm chừng.

Trong dãy nhà trọ ở xã Lương Thế Trân (Cái Nước), anh Huỳnh Thanh Vẹn và những người bạn công nhân mất việc rủ nhau đi bắt cá, hái rau đồng, cùng vợ con chạy ăn từng bữa.

Vợ chồng anh Vẹn làm công nhân Cty CP Thực phẩm Đại Dương hơn 5 năm nhưng khi mất việc lại trắng tay vì Cty nợ bảo hiểm xã hội chồng chất.

Anh Vẹn nói: “Anh em công nhân ở đây đã nộp đơn và làm thủ tục để Liên đoàn lao động huyện Cái Nước khởi kiện Cty CP thực phẩm Đại Dương ra tòa vì thiếu lương, nợ bảo hiểm. Cũng vì việc này mà chúng tôi chưa thể đi tìm việc nơi khác”.

Được biết, Thanh tra Sở LĐ- TB&XH Cà Mau đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau xử phạt hành chính vi phạm nợ bảo hiểm xã hội đối với Cty TNHH Nhật Đức, Cty CP Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu thủy sản Cà Mau, mỗi Cty 30 triệu đồng. Bên cạnh, Cadovimex nợ bảo hiểm xã hội 5,8 tỷ đồng, bị buộc trả mỗi tháng 300 triệu đồng cùng với tiền bảo hiểm phát sinh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.