Nền kinh tế xanh lục (Green Economy) nôm na là phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường trên đất liền. Còn nền kinh tế xanh lam (Blue Economy) là kinh tế với bảo vệ môi trường biển, hàng hải. Vốn thiên nhiên (Nature Capital) coi tài nguyên thiên nhiên là một dạng vốn, khi sử dụng cần có hiệu quả. Ông Sebastien de Vaujany nói về chiến lược “nền kinh tế quay vòng” mà người Pháp đang nỗ lực thực hiện. Đó là nền kinh tế theo một chu trình khép kín: Khai thác tài nguyên - sản xuất - tiêu dùng - tái sản xuất. Tức, những gì con người tiêu dùng lại được tái chế để biến thành nguyên liệu đầu vào cho chu trình sản xuất tiếp theo, hạn chế tối đa tiêu dùng vốn thiên nhiên.
Tháng 9/2015, Pháp là 1 trong số 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) ký cam kết và thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030, cam kết này thay cho các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) vừa kết thúc năm 2015 chủ yếu dành cho các nước nghèo và đang phát triển. Hàng năm các nước đều phải báo cáo với LHQ việc triển khai thực hiện SDG. Ông Sebastien de Vaujany cho biết, Pháp chính là nước đầu tiên báo cáo các mục tiêu phát triển bền vững này. Xin lưu ý trong 17 mục tiêu, có rất nhiều mục tiêu liên quan tới “tăng trưởng xanh” như Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững, hành động bảo vệ khí hậu, cuộc sống trên mặt đất, cuộc sống dưới nước…
Theo ông Sebastien de Vaujany, Pháp đã và đang xây dựng bộ tiêu chí để thực hiện các mục tiêu cam kết nói trên. Hiện ông và các đồng nghiệp đang xây dựng tiêu chí về định mức sử dụng tài nguyên thiên nhiên trên đầu người. Được biết, tháng 8/2015 Pháp đã ban hành Luật chuyển dịch năng lượng, theo đó luật quy định rõ việc hạn chế chất thải không thể tái chế, từ nay đến năm 2025 phải giảm 50% rác thải không thể tái chế được. Từ 1/7/2016, Pháp cấm không được phát túi ni lông trong siêu thị và các dịch vụ khác. Còn theo Luật tái tạo đa dạng sinh học vừa thông qua vào tháng 8/2016, từ năm 2018, các loại vi hạt plastic được dùng rất phổ biến trong ngành công nghiệp mỹ phẩm cũng sẽ bị cấm tại Pháp, tăm bông ngoáy tai sẽ không được dùng loại cán bằng nhựa nữa. Ông Vaujany giải thích rằng, ngoài việc túi ni lông hay hạt plastic rất khó phân hủy, thì khi chúng trôi ra biển cá và rùa nuốt phải sẽ bị chết. Chỉ còn vài ngày nữa, bắt đầu từ 1/1/2017, tất cả các công viên, vườn hoa do chính quyền quản lý trên toàn nước Pháp sẽ không còn được dùng thuốc trừ sâu.
Công nghệ tái chế, phân tách cáp điện có độ thuần chất 99% của Suez. Ảnh : Việt Hùng.
Dấu vết các-bon
Không chỉ có chính sách và luật pháp, rất nhiều công ty, tập đoàn lớn nhỏ của Pháp đã thực sự ứng dụng hoặc nắm trong tay các công nghệ xanh cho mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đến thăm ALSTOM, tập đoàn hàng đầu thế giới về tàu điện cả nổi lẫn ngầm, vị Phó Chủ tịch phụ trách mảng chiến lược của tập đoàn, ông Bruno Marguet cho biết: ASTOM sản xuất tàu hỏa từ 130 năm nay, hiện có 31.000 nhân viên với doanh thu 6,7 tỷ euro trong năm ngoái. Một trong những công nghệ đột phá sắp tới của ALSTOM là lấy điện trực tiếp từ đường ray cho tàu điện thay vì tiếp điện qua dây cáp từ trên cao như hiện nay. Lãnh đạo tập đoàn cũng trình bày về chiến lược “Chuyển động bền vững” (sustainable mobility), theo đó tại COP 21 vừa qua, ALSTOM đã công bố sẽ giảm 20% năng lượng tiêu tốn chạy tàu (wh\hành khách\km), giảm 10% phát thải các-bon từ 2014 tới 2020…Vật liệu chế tạo tàu điện cũng có khả năng tái chế cao, lên tới 95% như hệ thống tàu điện tại Sydney (Australia) do ALSTOM chế tạo. Ngoài ra ALSTOM cũng áp dụng công nghệ thu hồi năng lượng mỗi khi phanh, hay hệ thống thông gió điều chỉnh tự động theo số người trên toa để tiết kiệm tối đa năng lượng tiêu thụ. Chỉ số dấu vết các-bon (carbon footprint), tức toàn bộ lượng các-bon phát thải trong quá trình sản xuất ra một con tàu, trong cả vòng đời của nó, cũng được hãng này giám sát chặt chẽ. Hiện hệ thống tàu điện (Tramway) mới nhất của hãng đã giảm 20% chỉ số dấu vết các-bon so với các loại tàu điện thông thường.
Ắc quy công nghệ mới, tái chế được 97%
Hiện hoạt động giao thông vận tải đang chiếm tới 30% nguồn gây ô nhiễm. Để giảm phát thải sẽ dần phải thay thế nguồn năng lượng gây phát thải các-bon như xăng dầu, nhiệt điện (tàu điện chạy bằng điện lưới). Vấn đề ở chỗ, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió… lại rất đắt và không liên tục. Để giải quyết vấn đề này cần tới những bộ lưu điện, năng lượng dư thừa chưa sử dụng hết sẽ được nạp vào bộ lưu điện để phát vào ban đêm khi không có mặt trời hoặc khi không có gió. Công ty Blue Solutions thuộc tập đoàn Bolloré tại Paris đã tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ lưu điện trong suốt 20 năm qua. Hiện hãng đang sở hữu loại ắc quy LMP với công nghệ độc quyền không dùng chất lỏng, chịu được nóng, tỷ lệ tái chế lên tới 97%. Điểm đặc biệt của loại ắc quy này là khả năng tích điện không bị suy giảm theo thời gian trong suốt vòng đời lên tới 10 năm. Hiện loại ắc- quy này đang được trang bị cho loại ô tô điện tự lái phổ biến khắp Paris, sạc đầy lên tới 33kwh, chạy được 250km và chỉ tốn khoảng 2 euro cho mỗi lần nạp.
Tại Paris còn có một tập đoàn mang tên kênh đào Suez, có lịch sử lâu đời cùng thời với sự ra đời của kênh đào, tức khoảng 150 năm nay. Tập đoàn này chuyên về công nghệ tái chế các nguồn lực, rất quan tâm đến việc xem thiên nhiên vận hành ra sao rồi quay lại điều chỉnh, áp dụng vào quy trình sản xuất của mình. Chẳng hạn như các loại màng lọc của Suez có thể lọc nước biển trực tiếp thành nước ngọt, muối sẽ được giữ lại khi nước biển đi qua màng lọc, đầu ra sẽ là nước ngọt. Hay công nghệ tự động tái chế dây cáp điện của Suez với khả năng tách các thành phần như vỏ nhựa, lõi đồng rồi nghiền vụn với độ thuần chất lên tới 99%. Hãng này cũng sở hữu công nghệ tái chế kim loại trong ô tô, máy bay, tái chế nhựa…
Các loại xe điện do Cty Blue Solutions chế tạo.
Chiến lược biển đảo
Đó là chiến lược của một công ty nhỏ có tên Akuoenergy, chuyên về thị trường ngách, nhưng tọa ngay mặt tiền đại lộ Champs Elysees danh tiếng nhất Paris. Akuoenergy chuyên về năng lượng tái tạo dùng cho các hòn đảo xa xôi trên biển, nơi điện lưới không thể vươn tới. Điện trên hòn đảo Corse nổi tiếng, lãnh thổ hải ngoại của Pháp, dùng giải pháp công nghệ của Akuoenergy. Tính đến nay công ty đã lắp đặt được 112 MW điện mặt trời và 417 MW phong điện. Điểm nổi bật của công ty là dùng những giải pháp chuyên biệt để xử lý những vấn đề khó. Chẳng hạn như dựng nhà kính để giữ đất canh tác nông nghiệp rồi phủ các tấm pin mặt trời phía trên – một giải pháp cho yêu cầu không được chiếm đất của nông dân trên một hòn đảo mà Akuoenergy từng thực hiện. Một giải pháp công nghệ độc đáo sắp triển khai của Akuoenergy là kết hợp giữa thủy điện và điện mặt trời. Hồ thủy điện sẽ được phủ kín các tấm pin mặt trời, để tiết kiệm nước nhà máy thủy điện sẽ chỉ phát điện vào ban đêm, còn ban ngày sẽ phát điện từ năng lượng mặt trời trên hồ thủy điện.
Phải có người tiên phong
Rõ ràng “tăng trưởng xanh” hay phát triển bền vững đã ngấm khá sâu vào mọi lĩnh vực, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp, công nghệ của Pháp. Chỉ riêng việc, ở Bộ Ngoại giao Pháp mà lại có hẳn một tiểu vụ Môi trường và Khí hậu, trong đó có bộ phận mang tên gọi rất dài và lạ, chí ít là đối với một nhà báo như tôi - “nền kinh tế xanh lục và xanh lam, vốn thiên nhiên và mục tiêu phát triển bền vững”, đủ thấy tầm quan trọng của “tăng trưởng xanh” đối với quốc gia này ra sao. Tôi có cắc cớ hỏi lại Sebastien de Vaujany, người phụ trách bộ phận rất chuyên ngành nói trên, rằng liệu ông có cảm thấy việc, chẳng hạn như Pháp cấm các hãng mỹ phẩm dùng vi hạt plastic vì lo ngại ngộ nhỡ khi thải ra biển, rùa hay cá nuốt phải sẽ bị chết, là “dã tràng xe cát” không ? Bởi trên trái đất này, còn rất nhiều nước khác ở châu Á hay châu Phi đang sử dụng vô tội vạ túi ni lông chứ nói gì tới vi hạt plastic. Câu trả lời của Vaujany rất giản dị, đại loại là phải có những người tiên phong rồi mới thành trào lưu được, hy vọng tình hình rồi sẽ thay đổi!
Tháng 8/2015, Pháp ban hành Luật chuyển dịch năng lượng, theo đó luật quy định rõ việc hạn chế chất thải không thể tái chế, từ nay đến năm 2025 phải giảm 50% rác thải không thể tái chế được. Từ 1/7/2016, Pháp cấm không được phát túi ni lông trong siêu thị và các dịch vụ khác. Còn theo Luật tái tạo đa dạng sinh học vừa thông qua vào tháng 8/2016, từ năm 2018, các loại vi hạt plastic được dùng rất phổ biến trong ngành công nghiệp mỹ phẩm cũng sẽ bị cấm tại Pháp, tăm bông ngoáy tai sẽ không được dùng loại cán bằng nhựa nữa.