Giờ đây, GDP đã lỗi thời, chỉ số tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo mới đích thực là thước đo sự phát triển khôn ngoan, bền vững và văn minh. “Tăng trưởng xanh” không còn là những mỹ từ trên giấy, người Pháp đã luật hóa và đưa khái niệm này trở thành hiện thực, chúng hiện diện khắp các lĩnh vực, từ quản lý chất lượng không khí, xây dựng và quản lý đô thị, kiến trúc tới sản xuất và tiêu thụ năng lượng, giao thông vận tải…Một nền kinh tế xanh đang thực sự chuyển động giữa Paris hoa lệ!
Bài 1: Khi Paris báo động ô nhiễm không khí
Thật tình cờ, chúng tôi tới Paris đúng vào những ngày ô nhiễm không khí ở mức báo động chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây. Chưa bao giờ có tới 4 ngày liền, từ 6 - 9/12, chính quyền thành phố Paris phải áp dụng lệnh hạn chế xe ô tô biển chẵn - lẻ đi theo ngày, toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm được miễn phí cho dân chúng và du khách. Lạ là, ô nhiễm gì mà bầu trời Paris tháng cuối năm áp Noel rồi mà vẫn cứ xanh ngăn ngắt, nắng thì vàng óng như tiết thu tháng 10…
Lạ hơn, cánh nhà báo từ Việt Nam mới sang như chúng tôi hít thở căng lồng ngực mà chẳng có chút cảm nhận gì là Paris đang báo động đỏ về ô nhiễm không khí. Theo số liệu của Cơ quan quản lý chất lượng không khí vùng Paris Airparif, chỉ số PM10 (lượng hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 10 micromet trên 1m3 không khí) trong các ngày 5-9/12 lần lượt là 82, 105, 92, 82 và 75 microgam/m3, trong khi tiêu chuẩn của EU quy định phải dưới 50 microgam/m3.
Trời xanh, nắng vàng trong ngày Paris bị ô nhiễm. Ảnh : Võ Hùng
Việc Paris cấm xe biển chẵn hoặc biển lẻ lưu thông để giảm thiểu ô nhiễm không khí đồng thời với việc miễn phí tàu điện ngầm cho thấy, một khi hạn chế nhu cầu thiết yếu chính quyền cần phải có ngay giải pháp thay thế cho dân chúng. Hệ thống tàu điện ngầm Paris có khoảng 4,2 triệu lượt khách mỗi ngày, nếu chỉ tính giá vé một chiều rẻ nhất là 1,9 euro/lượt thì vị chi mỗi ngày miễn phí, chính quyền thành phố này tốn cỡ 8 triệu euro, 5 ngày mất toi 40 triệu euro. Một thiệt hại hữu hình, đo đếm được vì ô nhiễm!
Căng thẳng như… ô nhiễm không khí
Đúng ngày đầu tiên Paris báo động mức da cam về ô nhiễm không khí, sáng 5/12, chúng tôi có mặt tại trụ sở Airparif - cơ quan kiểm soát chất lượng không khí vùng Ile-de-France (thủ đô Paris và các vùng lân cận). Một bầu không khí căng thẳng, bận rộn và khẩn trương bao trùm khắp nơi đây. Một êkip phóng viên truyền hình máy móc lỉnh kỉnh ập tới, những cuộc phỏng vấn chớp nhoáng “vì sao ô nhiễm? ô nhiễm thế nào?”… được phát sóng liên tục trên truyền hình. Tất cả thể hiện sự quan tâm lớn của truyền thông, của người dân Paris về chất lượng không khí, thứ vật chất được coi là bình đẳng nhất trong hưởng thụ bởi cả người giàu lẫn kẻ nghèo đều phải hít vào thở ra như nhau mỗi ngày. Thế mới biết, xứ mình vẫn còn thờ ơ với điều này lắm, còn nhớ hồi đầu tháng 3/2016, có nơi ô nhiễm bụi P2.5 ở Hà Nội cao gấp 3 lần mức cho phép mà tất cả đều “bình chân như vại”, chả thấy cấm đoán hay hạn chế gì hết.
Người phụ trách truyền thông của Airparif, bà Amélie Fritz, dường như cũng khá căng thẳng vì phải liên tục “tiếp đón” cánh báo chí do ô nhiễm không khí bất ngờ tăng vọt. Bà giải thích với chúng tôi rằng, có thể mấy ngày qua Paris trời lạnh nên nhiều người dân dùng củi để sưởi ấm, kết hợp với trời không có gió nên các hạt bụi mịn (P10, P2.5) thay vì bốc lên cao nhờ gió nay cứ lơ lửng ở tầng thấp gây ô nhiễm.
Airparif là một tổ chức phi chính phủ thành lập năm 1979, thành viên của Atmo-France, Liên đoàn tập hợp khoảng ba chục tổ chức được ủy quyền giám sát chất lượng không khí trên toàn bộ lãnh thổ nước Pháp. Điều đặc biệt ở cơ quan gồm 60 người này là, dù được cấp một phần ngân sách nhà nước, phần còn lại do các doanh nghiệp phát thải phải đóng phí theo luật định, tổng cộng khoảng 6-8 triệu euro mỗi năm, song Airparif hoạt động hoàn toàn độc lập như một cơ quan khoa học chuyên môn thuần túy, được Bộ Môi trường Pháp ủy quyền giám sát chất lượng không khí trong vùng. Hội đồng quản trị Airparif theo cơ chế phối hợp liên ngành, là tập hợp theo tỷ lệ cân bằng tất cả các chủ thể liên quan tới vấn đề ô nhiễm không khí, như các bộ ngành, chính quyền địa phương, hiệp hội bảo vệ môi trường, đơn vị phát thải.
Còn nhớ hồi tháng 5/2016, khi tôi phỏng vấn ông Đại sứ Pháp tại Hà Nội Jean-Nol Poirier về việc quản lý chất lượng không khí, nhân sự hợp tác giữa Airparif và UBND TP Hà Nội, ông Poirier có cho biết rằng, người đứng đầu các cơ quan như kiểu Airparif ở Pháp thường là một vị chuyên gia có uy tín nằm ngoài hệ thống hành chính quốc gia để đảm bảo tiếng nói độc lập. Quả đúng như vậy, khi mục sở thị Airparif, người đứng đầu bộ phận truyền thông Amélie Fritz khẳng định: “Thông tin Airparif đưa ra là duy nhất, cho dù nơi nhận là chính quyền, báo chí hay người dân”. Điều này chứng tỏ tính độc lập, minh bạch của cơ quan này trong việc giám sát, cảnh báo và dự đoán chất lượng không khí.
Bản đồ chất lượng không khí đặt ngay lối vào tại trụ sở của Airparif ở số 7 phố Crillon, Paris. Ảnh : Võ Hùng
Giờ đây, người dân Paris đã quen với việc được thông tin về chất lượng không khí mà họ đã, đang và sẽ hít thở như bản tin dự báo thời tiết mỗi ngày. Với 57 trạm quan trắc lắp đặt khắp vùng Paris, các chỉ số không khí như CO, NO2, SO2, Ozone, Benzene (C6H6), PM10, PM2.5… được đo và phân tích rồi đưa ra dự báo chi tiết cho từng khu vực. Dự báo cũng được phân chia như kiểu thời tiết, có ngắn hạn, dài hạn, có dự báo trong ngày và hôm sau. Ngoài các trạm quan trắc đủ cự ly, bao gồm gần nơi phát thải, xa nơi phát thải và tại các giao lộ đông đúc, Airparif còn có các công cụ khác giúp cho công tác dự báo ô nhiễm như chiến dịch đo lường theo thời điểm và thuật toán mô hình hóa. Từ đó đưa ra các kịch bản, chẳng hạn như nếu Paris dừng lưu thông tất cả các loại xe động cơ diezen thì 15-20 năm tới chất lượng không khí sẽ ra sao? “Chúng tôi chỉ đưa ra thông tin khoa học khách quan mà thôi, còn chính quyền mới là người căn cứ vào đó để đưa ra đối sách phù hợp”.
Người đi ô tô bị… ô nhiễm nhất
Vào những năm 50-60 của thế kỷ trước, nguồn gây ô nhiễm chính là các khu công nghiệp nằm trong Paris. Khi đó, công chúng chỉ quan tâm tới mức độ ô nhiễm nói chung mà thôi. Ngày nay, các khu công nghiệp đó đã bị loại bỏ hoặc di dời, chất lượng không khí được cải thiện hơn, thì điều dân chúng quan tâm lại là thông tin ô nhiễm mang tính cá thể hóa, tức từng người sẽ bị phơi nhiễm ra sao, mức độ thế nào để từ đó tự đưa ra quyết định cho chính họ. Chẳng hạn, một thông tin hết sức bất ngờ cho các nhà báo Việt Nam, theo nghiên cứu của Airparif, những người lái ô tô tại Paris đang hứng chịu mức ô nhiễm không khí cao gấp đôi so với người đi bộ trên vỉa hè, người đi xe đạp chịu ô nhiễm ở mức giữa. Các thiết bị đo chất lượng không khí gắn trong cabin xe hơi của Airparif đã cho thấy điều đó, bà Amélie Fritz lý giải, đó là do hiệu ứng đường ống và tắc nghẽn giao thông gây nên, bất chấp việc cửa xe hơi được đóng kín. Trong khi đó, đối với người đi tàu điện ngầm, ô nhiễm Ozone hay CO hầu như không có, nhưng vấn đề bụi PM10 tích tụ lại xảy ra. Hay đối với các đường dành riêng cho xe buýt, mức độ phát thải ô nhiễm tăng vọt mỗi khi có xe hoạt động.
Bản tin chất lượng không khí của Airparif được chuyển tới người dân qua rất nhiều kênh như facebook, điện thoại di động, trang web, tivi, báo chí… Và hình thức mới nhất hiện nay là bản đồ thông tin địa lý GIS có độ phân giải cao tới 7,3 triệu điểm, qua đó giúp người dân có thể chọn được đường đi sao cho ít ô nhiễm nhất. Bà Amélie Fritz cho hay, sắp tới sẽ có mô hình ứng dụng tương tác, theo đó người dùng chỉ cần nhập các thông số đầu vào như làm việc ở đâu, thói quen đi lại, sở thích, nhà ở…, đầu ra sẽ dự báo ngay mức độ hứng chịu phơi nhiễm của người này.
Trông người lại ngẫm đến ta, theo số liệu từ Báo cáo môi trường Quốc gia, năm 2013 Hà Nội có tới 2/3 số ngày chất lượng không khí ở mức kém, nhiều ngày xuống mức xấu, thậm chí nguy hại. Còn tại TPHCM, các chuyên gia Đức từng cảnh báo nồng độ bụi mịn PM 2.5 tăng rất cao, có ngày gấp tới 23 lần so với các thành phố tại Đức. Có thể, do đã quen sống chung với ô nhiễm mà những nhà báo đến từ Hà Nội và TPHCM như chúng tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong bầu không khí đang báo động đỏ ở Paris?
_________________
Đón đọc bài 2: Xem người Pháp xây chung cư ở Paris
Với 57 trạm quan trắc lắp đặt khắp vùng Paris, các chỉ số không khí như CO, NO2, SO2, Ozone, Benzene (C6H6), PM10, PM2.5… được đo và phân tích rồi đưa ra dự báo chi tiết cho từng khu vực. Dự báo cũng được phân chia như kiểu thời tiết, có ngắn hạn, dài hạn, có dự báo trong ngày và hôm sau.