Công nghệ cao - chìa khoá vàng cho ngành sữa trong nước

Công nghệ cao - chìa khoá vàng cho ngành sữa trong nước
TP - Quan niệm Việt Nam không thể nuôi bò sữa bị đảo ngược. Công nghệ cao đưa chất lượng sữa nội ngang hàng thế giới. Từ sữa bột nhập khẩu pha lại, tốn hàng tỷ USD/năm, người tiêu dùng “đảo chiều”, sang dùng sữa tươi. Đặc biệt, với sự thành công vững chắc của TH true MILK, ngành sản xuất sữa trong nước đang có cơ hội lớn.

> Cơ hội “vàng” cho sữa nội
> Mang đẳng cấp quốc tế vào từng lon sữa “Made in Vietnam”

Lật ngược quan niệm về bò sữa

Câu chuyện, vì sao nước nông nghiệp như Việt Nam không thể nuôi bò sữa trong hàng chục năm qua được lật lại tại Hội thảo quốc tế Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam (do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (ATE) và Đại sứ quán Israel tổ chức vừa qua).

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, nguyên nhân là do nhiều lớp lãnh đạo, chuyên gia trước đây quan niệm Việt Nam nắng nóng, công nghệ không cao, không nuôi được bò sữa; bò sữa chỉ phát triển tại một số ít khu vực có khí hậu mát mẻ trong nước.

PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi kể lại: “Giống bò sữa chuyên dụng vốn sống ở vùng ôn đới. Để nuôi bò trong khí hậu nóng ẩm, một thời kỳ dài, ngành chăn nuôi tìm cách lai bò sữa ôn đới với bò trong nước nhưng đã không mang lại thành công. Lịch sử bò sữa đã trải qua nhiều quan điểm, đến nay đã khác”.

Trang sử mới mà ông Vang đề cập chính là trang trại nuôi bò sữa của tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn - Nghệ An. Trong vùng khí hậu nắng nóng, gió Lào, TH xây trại có mái che cao hơn 10m, phun sương, tạo môi trường sống phù hợp cho bò sữa. Cỏ, ngô, cao lương làm thức ăn cho bò lại rất tốt tươi trên cánh đồng đất đỏ bazan đầy nắng nơi đây.

Ở mô hình áp dụng công nghệ cao nhập khẩu từ Israel này, bò được ăn cỏ ủ chua (để thêm dinh dưỡng), gắn chíp ở chân và nghe nhạc cổ điển để kích thích tiết nhiều sữa... Thậm chí, TH thuê cả chuyên gia ngoại và nông dân Israel sang chăm bò sữa để chuyển giao công nghệ.

Israel là quốc gia đang đối diện với sa mạc hóa, khí hậu khắc nghiệt hơn Việt Nam nhưng nhờ công nghệ, năng suất bò sữa đạt 12 tấn/con/năm, thành cường quốc xuất khẩu sữa bò. Bởi vậy, ông Yuval, chuyên gia từ Israel nói rằng, Việt Nam hoàn toàn nuôi bò sữa thành công.

Tại TH, lượng sữa đạt đến 9-10 tấn/con/năm; trung bình mỗi con cho 40 lít sữa/ngày, cá biệt có những con bò cho đến 65 lít/ngày. Bởi vậy, tại hội thảo nói trên, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cho rằng, “chìa khoá vàng” cho ngành nuôi bò và sản xuất sữa chính là áp dụng công nghệ cao.

Hiện TH có 35.000 con bò với hơn một nửa số con cho sữa. Với quyết định nhập 10.000 con bò từ Canada, trong quý 1/2014, tổng đàn của TH lên đến 45.000 con.

Nhập khẩu - mất ngoại tệ, đi ngược xu hướng tiêu dùng

Ông Vinod, chuyên gia từ Tổ chức Nông lương (Liên Hiệp Quốc) khẳng định, sữa là sản phẩm nằm trong cuộc cách mạng về chất lượng bữa ăn của toàn thế giới.

Với Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia dẫn nghiên cứu về trẻ em có bố mẹ là người Việt (nhưng sinh ra và lớn lên tại Pháp) có chiều cao, cân nặng tương đương với người Pháp. PGS.TS Lâm khẳng định: “Thể trạng thấp bé của người Việt chủ yếu do chế độ dinh dưỡng, không phải di truyền”.

Công nghệ chăn nuôi hiện đại nhất thế giới đã được áp dụng tại trang trại TH
Công nghệ chăn nuôi hiện đại nhất thế giới đã được áp dụng tại trang trại TH.

Bà Lâm cũng khẳng định, sữa với hàm lượng canxi cao, quan trọng nhất trong tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, đáng tiếc là Việt Nam đang đi ngược xu hướng thế giới. Tại Hội thảo quốc tế về sữa năm 2012 tại Hà Nội, Tổ chức Dinh dưỡng và sức khỏe Dupont (Australia) công bố, Châu Âu, mức tiêu dùng sữa bột chỉ 4,7%. Sữa tươi và các chế phẩm từ sữa tươi chiếm phần còn lại.

Trong khi đó, lịch sử ngành sữa Việt Nam chứng kiến một “chương” nhập khẩu sữa bột xuyên suốt. Ba quý đầu năm 2013, Việt Nam nhập siêu 17.000 tỷ đồng (800 triệu USD); dự báo, lần đầu tiên sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Trong đó, nhiều loại sữa nhập khẩu nguồn gốc không rõ ràng theo đường tiểu ngạch, chủ yếu từ Trung Quốc, nhiều rủi ro về chất lượng, Nhà nước thất thu thuế.

Không chỉ mất ngoại tệ, con cháu chúng ta đang bị đe dọa bởi những sản phẩm sữa từ nước ngoài. Sữa nhiễm mêlamin năm 2008 hay sữa chứa nhôm năm 2013 là những mối lo từ sữa nhập khẩu. Ngoài ra, thời gian qua, các bà mẹ phải đau đầu về sự đỏng đảnh lên xuống của giá sữa ngoại...

Giữ vững chất lượng sữa - lời giải cho sữa nội

Sau 3 năm ra thị trường, TH true MILK đã có doanh thu gần 6.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tin và yêu của người tiêu dùng với sữa nội địa. “Người Việt dùng hàng Việt” trở thành một nét ấm áp trong thị trường sữa.

Năm 2011, Tổng thống Israel - Shimon Peres khi sang Việt Nam đã uống sữa TH true MILK và có lời khen khéo léo: “Chúng tôi có những ly sữa ngon nhất thế giới, TH sử dụng công nghệ của chúng tôi nên sữa của TH cũng ngon nhất thế giới”. Sau động thái nội địa hoá mạnh mẽ nguyên liệu sữa của TH, các DN khác bắt đầu đảo chiều, liên tục quảng bá mình có trang trại. Chưa biết các DN làm đến đâu, nhưng dù sao, sự xuất hiện của TH true MILK đã tạo sự cạnh tranh, người tiêu dùng hưởng lợi. Hiện, một người Thái Lan dùng trên 30 lít/năm, Singapore hơn 45 lít, Ấn Độ trên 46 lít, còn Việt Nam chỉ 13 lít/năm. Nhu cầu dùng sữa tại Việt Nam đang tăng trưởng nóng (khoảng 20%/năm), đòi hỏi sự nỗ lực nhanh chóng của các đơn vị sản xuất sữa trong nước.

Về vấn đề nên phát triển bò sữa theo mô hình nông hộ hay chăn nuôi tập trung, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, để đảm bảo về quy mô, chất lượng sản phẩm đồng đều cần sản xuất quy mô công nghiệp; trong đó, doanh nghiệp quản lý từ khâu trồng cỏ đến chế biến. “Nếu có 5-10 doanh nghiệp như TH sẽ đủ sữa tiêu dùng trong nước” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, nếu không kiểm soát được chất lượng, ngành sản xuất sữa của Việt Nam sẽ gặp những thất bại như ngành sữa Trung Quốc vừa qua (không kiểm soát được chất lượng sữa dẫn đến người tiêu dùng mất niềm tin, DN, người nuôi bò thiệt hại nặng).

Để phát triển và duy trì chất lượng, TH đề nghị Chính phủ và các bộ ban ngành áp dụng công nghệ cao, sớm đưa bò sữa thành vật nuôi chủ lực trong nông nghiệp theo định hướng phát triển các nông trại có quy mô lớn tập trung để tối ưu hóa công nghệ cao và quản lý đàn.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao diễn ra trên diện rộng và quy mô lớn (không chỉ vùng nguyên liệu, trang trại mà còn nhà máy chế biến và các hạng mục công nghiệp phụ trợ), do đó nên tập trung ruộng đất, trước hết là đất đai tại các nông lâm trường sử dụng kém hiệu quả, hoang hóa.

Dự kiến đến năm 2020, Tập đoàn TH sẽ chủ động được 37 nghìn ha đất cho 203.000 con bò sữa, dự kiến đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ sữa tươi sạch của thị trường Việt Nam.

Với vị thế là DN sữa duy nhất được cấp chứng nhận ứng dụng công nghệ cao, TH cũng đề nghị, Chính phủ và các bộ ban ngành thực hiện các biện pháp đủ mạnh để giám sát việc thực hiện nghiêm Luật Quảng cáo và Luật Cạnh tranh.

Minh bạch hóa thị trường sữa, quản lý chặt chẽ xuất xứ nguyên liệu đầu vào của sản phẩm sữa, bắt buộc phải ghi rõ trên bao bì nhãn mác, nếu vi phạm phải thu giấy phép, xử lý hình sự. Đó cũng chính là đề xuất táo bạo của TH nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.