Công khai danh sách người hưởng gói hỗ trợ 62 tỷ để giám sát

Cán bộ Đắk Lắk đến tận nhà trao tiền hỗ trợ cho người dân
Cán bộ Đắk Lắk đến tận nhà trao tiền hỗ trợ cho người dân
TPO - Bộ Lao động TB&XH vừa làm việc với 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông trong 2 ngày 19-20/5 để tháo gỡ vướng mắc, giúp những người thụ hưởng sớm được nhận hỗ trợ kịp thời. Đoàn công tác yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, niêm yết công khai danh sách các đối tượng được hưởng gói hỗ trợ để các ban ngành đoàn thể, người dân cùng giám sát...

Thống kê của UBND tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh có 152.577 đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 và dự kiến kinh phí hỗ trợ 136 tỷ đồng. Đến nay, các huyện, thành phố đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho 2.560 người có công với tổng số tiền trên 3,8 tỷ đồng; chi trả hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng đã cơ bản hoàn thành, tổng số đối tượng đã được hỗ trợ 127.903 người , với tổng kinh phí trên 102 tỷ đồng. Các nhóm đối tượng còn lại đã hoàn thành việc rà soát, thống kê theo quy định. Hiện, các địa phương đang đẩy mạnh triển khai thực hiện theo đúng trình tự thủ tục.

Tại Đắk Lắk có 345.378 đối tượng đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 19/5, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 9.721 người có công với cách mạng với số tiền 14 tỷ đồng; phê duyệt 42.897 người đối với đối tượng bảo trợ xã hội, tổng số tiền hơn 64 tỷ đồng; nhóm thuộc hộ nghèo, cận nghèo địa phương đã rà soát lập danh sách 287.067 người với số tiền hơn 212 tỷ đồng. Đối với nhóm người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, hiện mới chỉ có 1 doanh nghiệp ở huyện Cư Mgar trình hồ sơ và UBND huyện phê duyệt hỗ trợ cho 9 lao động của doanh nghiệp với tổng số tiền 16,2 triệu đồng; 1 lao động tự do bị mất việc ở huyện M'đrắk trình hồ sơ và được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 1 triệu đồng.

Công khai danh sách người hưởng gói hỗ trợ 62 tỷ để giám sát ảnh 1 Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Trưởng đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH.

Quá trình thực hiện, các địa phương gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Chính sách hỗ trợ chỉ áp dụng với người lao động làm việc trong doanh nghiệp nhưng thực tế có rất nhiều người lao động bị ảnh hưởng (nhất là người lao động trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập lại không thuộc nhóm được hưởng hỗ trợ; thời điểm bắt đầu tính tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/nghỉ việc không lương từ ngày 1/4), trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp khó khăn đã cho lao động tạm hoãn hợp đồng/nghỉ không lương trước thời gian trên; việc rà soát, xác định và phân loại đối tượng được hưởng trợ cấp gặp nhiều khó khăn do thời gian ngắn, số lượng đối tượng nhiều, có nhiều loại đối tượng, có đối tượng phải xác nhận thu nhập thấp hơn chuẩn cận nghèo...

MỚI - NÓNG