Cộng đồng khởi nghiệp mong muốn gì?

TP - Tại Techfest 2018, đại diện cộng đồng sinh thái Việt Nam chia sẻ mong muốn, kiến nghị để thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

TS Lưu Thế Lợi, CEO Kyber Network - starup Việt thành công ở nước ngoài với việc gọi vốn 52 triệu USD:

Cộng đồng khởi nghiệp mong muốn gì? ảnh 1  

Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái bền vững bao gồm các công ty lớn, các quỹ đầu tư, các trung tâm nghiên cứu, cơ sở hạ tầng hỗ trợ, đồng thời tạo ra môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thỏa sức sáng tạo và thử nghiệm sáng tạo của họ. Những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công phải tìm ra những cái mới, xây dựng lời giải công nghệ, mô hình kinh tế mới mà hệ thống pháp lý hiện tại chưa biết đến, chưa đề cập đến. Chính vì vậy, môi trường pháp lý không phù hợp sẽ giới hạn không gian sáng tạo của các nhà khởi nghiệp.

Anh Lê Hoàng Nhật, Công ty cổ phần Trí tuệ nhân tạo Ami - startup đoạt giải quán quân Techfest năm 2017, gọi vốn đầu tư 9 triệu USD:

Cộng đồng khởi nghiệp mong muốn gì? ảnh 2  

Chúng tôi mong muốn Chính phủ có chính sách cụ thể để đưa những ứng dụng từ cách mạng công nghệ 4.0, AI, IoT, Blockchain để giải quyết những vấn đề của đô thị, đồng thời có những thay đổi trong chính sách mua sắm công cho phép các startup được quyền tham dự. Cuối cùng, chúng tôi mong muốn các chính sách giúp cho việc huy động vốn từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước trở nên dễ dàng hơn.

Ông Lý Đình Quân, Sáng lập và điều hành Vườn ươm sông Hàn:

Cộng đồng khởi nghiệp mong muốn gì? ảnh 3  

Chúng tôi mong muốn Chính phủ hỗ trợ 3 nội dung. Một là cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, thu hút chuyên gia về các địa phương để lan tỏa tri thức phù hợp với nền kinh tế số. Hai là, chỉ đạo các địa phương hình thành các trung tâm khởi nghiệp đồng bộ và có nhân sự chuyên trách. Ba là ban hành sớm thông tư tài chính hướng dẫn thực hiện Đề án 844 (Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) để các đơn vị triển khai được thuận lợi.

Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội:

Cộng đồng khởi nghiệp mong muốn gì? ảnh 4  

Thông qua câu chuyện của Trường ĐH Ngoại thương, chúng tôi có một số khuyến nghị. Thứ nhất, để cho hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên được đẩy mạnh hơn nữa, chúng ta cần có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn.

Thứ hai, cần tăng cường sự liên kết giữa các trường đại học trong từng lĩnh vực khác nhau, sự liên kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư.

Cuối cùng, cần có 1 quỹ đầu tư mạo hiểm trong trường đại học, phải có quỹ đầu tư mạo hiểm thì câu chuyện khởi nghiệp tại các trường đại học mới đi đến cùng. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có những khung pháp lý đặc biệt được ban hành để hỗ trợ, nâng đỡ, bảo vệ cho khởi nghiệp công nghệ mới về blockchain, trí tuệ nhân tạo, tài chính, y sinh học... Trong vài năm gần đây, phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam rất phát triển, nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan liên quan, hy vọng chúng ta sẽ có những doanh nghiệp tỉ đô trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.