Cộng đồng chung tay giúp đỡ người nghiện ma tuý

Trung tá Chu Anh Tuấn cùng các thành viên BCĐ phòng, chống AIDS và PCTN nạn ma tuý, mại dâm huyện Đan Phượng tham quan mô hình cai nghiện tự nguyện tại trung tâm số V.
Trung tá Chu Anh Tuấn cùng các thành viên BCĐ phòng, chống AIDS và PCTN nạn ma tuý, mại dâm huyện Đan Phượng tham quan mô hình cai nghiện tự nguyện tại trung tâm số V.
TPO - Đó là chủ đề tuyên truyền trong tháng hành động hưởng ứng ngày Thế giới và ngày toàn dân phòng, chống ma tuý (26/6) của huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Ngày 11/6, Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm huyện Đan Phượng tổ chức sơ kết công tác phòng chống HIV/AIDS, ma tuý và mại dâm 6 tháng đầu năm 2015; triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và phát động Tháng hành động phòng chống ma tuý trên địa bàn huyện.
Từng bước đẩy lùi tệ nạn ma tuý
Đánh giá tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn huyện Đan Phượng trong thời gian vừa qua, trung tá Chu Anh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm huyện Đan Phương cho rằng: nhờ làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh nên trên địa bàn huyện không diễn ra tình trạng trồng cây chứa chất ma túy, hình thành các đường dây mua bán, sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy, các tụ điểm tệ nạn ma túy, mại dâm hoạt động tại các địa bàn công cộng cũng đã bị đẩy lùi.
Với vai trò là cơ quan thường trực, Công an huyện Đan Phượng đã tăng cường công tác phòng ngừa, bắt xử lý hình sự các đối tượng phạm tội về ma túy, mại dâm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2015, Công an huyện đã bắt giữ 19 vụ, với 30 đối tượng vi phạm pháp luật về ma tuý, thu giữ 37,5g heroin; 87,8g ma tuý tổng hợp (giảm 6 vụ, 6 đối tượng so với cùng kỳ 2014).

Ngoài ra, Công an huyện cũng đã tham mưu cho UBND huyện gửi 1.640 thư ngỏ tuyên truyền, vận động hàng chục người nghiện tham gia cai nghiện tự nguyện. Tính từ cuối tháng 3 đến nay, ở huyện Đan Phượng đã có 13 thanh niên nghiện ma túy tự nguyện viết đơn xin đi cai. 

“Ngoài đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ, cơ quan công an sẽ cử cán bộ xuống tận cơ sở hướng dẫn, giải đáp các vấn đề liên quan, đồng thời bố trí phương tiện đưa người nghiện đến trung tâm ngay sau khi tiếp nhận” - Trung tá Chu Anh Tuấn, Phó trưởng Công an Đan Phượng thông tin.

Chung tay xây dựng địa phương không có ma tuý, mại dâm
Cũng theo trung tá Chu Anh Tuấn, Công an huyện đã chỉ đạo lực lượng Công an xã, thị trấn chủ động gọi hỏi người nghiện, nghi nghiện ma tuý cũng như các đối tượng trong diện quản lý có vi phạm pháp luật về ma tuý để răn đe, giáo dục, kết hợp khai thác, thu thập thông tin phục vụ cho đấu tranh và lập hồ sơ cai nghiện. Bằng nhiều kênh vận động thuyết phục, cơ quan chức năng của huyện đã giúp người nghiện cũng như gia đình của họ nắm bắt đầy đủ chủ trương, chính sách của thành phố. Bỏ qua tâm lý e ngại, không ít người nghiện coi hình thức cai nghiện tự nguyện là cơ hội để tìm lại chính mình.
Bên cạnh đó, Cơ quan công an còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, câu lạc bộ tự nguyện đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý sau cai, chung tay xây dựng xã, thị trấn không có mại dâm, ma túy.

Hưởng ứng Ngày thế giới và Ngày toàn dân phòng chống ma túy 26-6, huyện Đan Phượng đã phát động Tháng hành động phòng chống ma túy (từ 1-6 đến 30-6). Với nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể, các hoạt động trong “Tháng hành động phòng, chống ma túy” sẽ tập trung tuyên truyền về tác hại của ma túy tổng hợp, qua đó kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy, tạo chuyển biến về hiệu quả công tác phòng chống ma túy, quản lý sau cai, đồng thời tập trung đấu tranh, trấn áp tội phạm và tệ nạn liên quan đến ma túy.

Nhân dịp này, Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm huyện Đan Phượng đã tổ chức tham quan mô hình cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số V (Sở LĐ - TBXH, Hà Nội) - nơi đang tiếp nhận, chữa bệnh cho hơn 800 người cai nghiện tự nguyện theo phương pháp mới, được UBND thành phố Hà Nội triển khai thí điểm. 

Cùng với việc được hỗ trợ tiền ăn, tiền đồ dùng cá nhân, tiền thuốc cắt cơn, điều trị bệnh thông thường, kinh phí điện nước, vệ sinh, sát trùng, văn hóa, thể dục thể thao… quá trình cai nghiện, các học viên sẽ được rèn luyện tác phong nội vụ, được giáo dục như ở nhà trường và được điều trị như trong bệnh viện. Ngoài ra, trung tâm còn bố trí khu lưu trú với 12 buồng hạnh phúc để người thân học viên thăm gặp, cung cấp một số dịch vụ giải trí, ăn uống và khu vực riêng uống methadone.

MỚI - NÓNG