Công đoàn tham gia làm nhà ở xã hội: Giảm tình trạng công chức nghỉ việc

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Hiện nay, công chức, viên chức rời khu vực công đang là vấn đề nóng. Một trong những nguyên nhân là họ chưa có nhà ở, chi phí thuê nhà cao. Nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho công đoàn viên sẽ góp phần giảm tình trạng công chức viên chức rời khu vực công”, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐXH) Việt Nam chia sẻ.

Nhiều ý kiến khác nhau

Hiện nay, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh, để trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV dự kiến tổ chức vào tháng 10/2023. Trong dự án luật, có nhiều vấn đề nóng được các chuyên gia quan tâm, góp ý trong đó có nội dung giao Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội.

Theo đó, khoản 3, Điều 78, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: “Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê”.

Công đoàn tham gia làm nhà ở xã hội: Giảm tình trạng công chức nghỉ việc ảnh 1

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, điều khoản này đang nhận được 2 luồng ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, không nên giao cho Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội do đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ. Hơn nữa, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ không đủ nhân lực và nguồn lực và không đúng chức năng của công đoàn.

Ông Ngọ Duy Hiểu nói: Không nên cho rằng sẽ phát sinh tiêu cực khi giao thêm chức năng làm nhà xã hội cho Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tiêu cực xảy ra phụ thuộc vào cách thức quản lý và pháp luật có chặt chẽ hay không. Bất kỳ lĩnh vực nào không được quản lý chặt, cộng với tinh thần trách nhiệm và liêm chính của cán bộ thì đều có tham nhũng. Vấn đề đặt ra là chính sách thật chặt chẽ, khoa học, không có cơ hội cho hành vi lợi dụng của cán bộ phụ trách.

Luật sư Lê Thị Vinh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thì các doanh nghiệp, các pháp nhân phải có giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực bất động sản mới được đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Trong khi đó, Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội chứ không phải doanh nghiệp. Công đoàn không có chức năng kinh doanh, nên nếu giao cho Công đoàn làm chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ không phù hợp với các quy định pháp luật. “Trường hợp giao cho Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư xây nhà ở xã hội thì phải sửa các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…”, luật sư Vinh chia sẻ.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều chuyên gia tán thành việc giao cho Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội. ĐBQH Trần Văn Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng, quy định này là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Theo ĐB Trần Văn Tuấn, một trong những vấn đề hàng đầu được công nhân, người lao động quan tâm hiện nay là nhà ở. Nếu giải quyết tốt vấn đề nhà ở, sẽ tạo an tâm cho người lao động để họ gắn bó với công việc.

Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng tán thành việc giao Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư xây nhà ở xã hội. Mới đây, HoREA đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ Xây dựng kiến nghị cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Để đảm bảo pháp lý, HoREA đưa ra đề xuất thành lập “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam có tư cách pháp nhân, chức năng kinh doanh bất động sản.

Công đoàn tham gia làm nhà ở xã hội: Giảm tình trạng công chức nghỉ việc ảnh 2

Dự án Nhà ở xã hội Rice City tại Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai.

Sẽ làm giảm tình trạng công chức, viên chức rời khu vực công

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, hiện nay nhu cầu về nhà ở cho công đoàn viên là rất lớn. Qua khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, đa số công đoàn viên còn phải thuê nhà, phần lớn họ có gia đình, còn trẻ. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội nói chung nên cần huy động mọi lực lượng xã hội tham gia. “Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia xây dựng nhà ở xã hội cũng là thể hiện sự quan tâm của tổ chức Công đoàn tới đời sống của công đoàn viên”, ông Hiểu nói.

Cũng theo ông Hiểu, một trong những nguyên nhân khiến công chức, viên chức rời khu vực công hiện nay là do đời sống khó khăn, thu nhập thấp, lại phải dành một khoản lớn thu nhập để thuê nhà. Họ rời khu vực công để tìm kiếm nơi có thu nhập cao hơn, cải thiện cuộc sống. Vì thế, nếu giải quyết tốt vấn đề nhà ở, sẽ góp phần giảm tình trạng công chức viên chức rời khu vực công, giúp họ yên tâm công tác. “Vấn đề đặt ra lớn nhất đó là chúng ta tìm giải pháp thúc đẩy để công đoàn viên nhất là người trẻ, người lao động ở tỉnh xa có nhà ở để yên tâm công tác, giúp cho họ gắn bó với khu vực công”, ông Hiểu nói.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.