Nhiều nơi dự kiến kết thúc chấm thi sớm
Ông Trần Quang Mẫn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, công tác chấm thi của Sở đã bước sang ngày thứ 5 và dự kiến ngày 5/7 kết thúc chấm, chờ công bố điểm thi. Đối với môn tự luận (môn Văn), ông Mẫn cho biết, Sở thuê khoảng 70 giáo viên phổ thông thuộc hạng khá, giỏi của các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh để thực hiện chấm thi.
“Đến thời điểm hiện tại, môn Văn đã kết thúc qúa trình chấm chung và đang tiến hành chấm riêng. Ở vòng chấm riêng này, mỗi bài văn sẽ được 2 giáo viên ở 2 phòng độc lập chấm, phía bên ngoài có công an và thanh tra Sở giám sát xuyên suốt quá trình”, ông Mẫn nói.
Đối với môn trắc nghiệm, ông Mẫn cho biết, Bộ đã gửi phần mềm xử lý trắc nghiệm và hiện tại Sở đang trong quá trình quét.
Tại Bến Tre, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết, năm nay tỉnh có 10.789 bài thi Ngữ văn; 10.869 bài thi môn Toán; 9.535 bài thi Ngoại ngữ; 5.975 bài thi khoa học tự nhiên và 5.415 bài thi khoa học xã hội.
“Tính đến nay, Sở đã chấm được khoảng một nửa bài thi Ngữ văn. Trong số các bài được chấm có xuất hiện điểm 8, 9. Ngoài ra, cũng có những bài thi được 1 - 2 điểm, tuy không nhiều. Số bài bị điểm dưới trung bình chiếm khoảng 30%. Các môn thi trắc nghiệm vẫn đang trong quá trình chấm”, ông Huấn nói.
Tương tự, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cũng cho biết, Sở đang tích cực chấm thi và tiến độ chấm đã đạt hơn 50%, dự kiến sẽ sớm kết thúc quá trình này trong vài ngày tới.
Trong khi đó, dù không trực tiếp chấm thi nhưng với vai trò giám sát Sở GD&ĐT Lâm Đồng chấm thi, PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TPHCM cho biết, công tác chấm thi của địa phương này đang trong quá trình hoàn tất, dự kiến sẽ xong sớm hơn trước ngày 7/7 theo thông báo của Bộ GD&ĐT.
Theo ông Hà, do có nhiều mã đề nên việc sắp xếp để quét bài thi trắc nghiệm mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, các giáo viên chấm thi được tập huấn rất kỹ trước khi chấm nên cũng hạn chế được nhiều sai sót.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Trường phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng thông tin, Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh sắp quét xong các bài thi trắc nghiệm để gửi Bộ GD&ĐT để nhận lại đĩa dữ liệu đáp án của Bộ và chạy kết quả điểm thi của thí sinh. Sau đó, giáo viên sẽ tiếp tục kiểm dò, đối sánh kết quả bài thi với đáp án.
“Dự kiến ngày 3/7, Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh sẽ hoàn thành chấm thi, dữ liệu điểm chấm thi sẽ chuyển đến Bộ GD&ĐT kiểm duyệt lần cuối. Sau đó, điểm thi sẽ được cập nhật trên cổng thông tin của Bộ để các địa phương tải về công bố cho thí sinh tra cứu”, ông Sơn nói.
Hà Nội: Đã chấm xong một nửa số bài tự luận
Chiều qua, 30/6, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã đến kiểm tra công tác chấm thi tại Sở GD&ĐT Hà Nội. Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2017, Hà Nội có 69.862 bài thi môn Ngữ văn. Sở đã huy động 420 giáo viên về chấm thi môn này.
Có 216.535 bài thi các môn trắc nghiệm, Sở có 10 máy quét, 20 máy tính phục vụ chấm thi trắc nghiệm. Từ ngày 24/6 đến 30/6 Sở đã làm phách bài thi môn Ngữ văn. Từ ngày 25/6, phổ biến với ban lãnh đạo chấm thi môn tự luận về quy chế, hướng dẫn chấm, đáp án biểu điểm chấm cho các tổ trưởng. Đến ngày 27/6, toàn bộ số cán bộ chấm thi gồm 420 người đã được phổ biến quy chế, hướng dẫn chấm.
Cô Nguyễn Thu Hà, trưởng ban chấm thi môn Ngữ văn của Hà Nội cho biết, có 16 tổ chấm thi tự luận. Trước khi chấm chính thức, mỗi tổ chấm chung 30 bài thi để thống nhất các tình huống có thể xảy ra, thay vì chấm 10 bài như quy định. Barem chấm không gặp vấn đề khó khăn nào do đã thảo luận thống nhất từ buổi đầu tiên.
Câu đọc hiểu tuy dư luận có tranh luận rất nhiều nhưng khi chấm thi, nhìn chung không có vướng mắc. Cô Hà cũng cho biết thêm, trong số hơn 400 giáo viên chấm thi môn tự luận, có 40 thầy cô giáo ở xa phải ngủ tại điểm chấm thi là trường THPT Phan Đình Phùng. Đến thời điểm hiện tại, đã chấm được hai vòng độc lập xong 50% bài thi tự luận.
Thứ bảy chủ nhật, giám thị chấm thi vẫn làm việc như bình thường. Tuy nhiên, theo một thành viên của ban chấm thi có mặt tại buổi kiểm tra, các giáo viên khi chấm thi vẫn còn tranh luận nhất định ở cả hai phần thi trong bài làm của thí sinh. Lý do là thí sinh của Hà Nội đông và cách thức làm bài, diễn đạt cũng rất đa dạng.
Bà Phạm Thị Xuân Hương, Trưởng ban chấm trắc nghiệm của Hội đồng chấm thi Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đối với các môn thi trắc nghiệm, ngày 30/6, Hà Nội quét xong tất cả các bài thi. Trong số trên 200.000 bài thi trắc nghiệm, tổ phát hiện có 5 bài mắc lỗi tô sai mã đề.
Bà Hương cho biết có 48 cán bộ chấm thi, 3 cán bộ an ninh, 4 thanh tra (trong đó có 2 thanh tra đến từ các Trường ĐH do Bộ cử xuống). Khu vực chấm thi trắc nghiệm được đặt ngay tại trụ sở của Sở GD&ĐT Hà Nội. Trong tổng số 216.535 bài thi trắc nghiệm, có 71.824 bài thi môn Toán, 34.155 bài thi Khoa học tự nhiên, 47.220 bài thi Khoa học xã hội, 63.123 bài thi môn Ngoại ngữ.
Phát biểu tại buổi làm việc tại Sở GD&ĐT Hà Nội, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Hà Nội và TPHCM là hai địa phương có số lượng thí sinh lớn. Chính vì vậy, lãnh đạo hai sở cần nghĩ đến giải pháp phân tải khi công bố điểm thi. “Nếu các sở cần, Bộ sẽ nhờ các trường ĐH cùng phân tải giúp. Sở GD&ĐT Hà Nội chắc chắn là công bố điểm không thể sớm hơn các đơn vị khác. Do đó, lượng truy cập để xem điểm khi mới công bố sẽ rất lớn” – ông Bùi Văn Ga cảnh báo.
Ông Chử Xuân Dũng cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đang tính các phương án. Trong đó, có phương án là làm việc với Sở Thông tin Truyền thông để thêm đường truyền. Ông Dũng cũng cho hay, Hà Nội sẽ công bố điểm theo đúng thời gian quy định là ngày 7/7.
“Nếu các sở cần, Bộ sẽ nhờ các trường ĐH cùng phân tải giúp. Sở GD&ĐT Hà Nội chắc chắn là công bố điểm không thể sớm hơn các đơn vị khác. Do đó, lượng truy cập để xem điểm khi mới công bố sẽ rất lớn”
Thứ trưởng Bùi Văn Ga