Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010 – 2017 do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố với 10 chỉ tiêu gồm: Doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp ngừng hoạt động, doanh nghiệp giải thể, lao động của khu vực doanh nghiệp, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận trước thuế và đóng góp vào ngân sách nhà nước, thu nhập của người lao động.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, bộ chỉ tiêu này là cơ sở để cơ quan nhà nước các ngành, địa phương tham khảo, nghiên cứu đề ra chính sách phù hợp để thực hiện thành công mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020. Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin của bộ chỉ tiêu sẵn có, sớm biên soạn và xuất bản sách trắng về thực trạng của Doanh nghiệp Việt Nam trong quý 4/2018.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, với các địa phương, trên cơ sở bộ số liệu này, cần phải có phân tích đánh giá để rà soát lại thực trạng doanh nghiệp của địa phương mình, thấy rõ được tổng thể bức tranh, địa phương mình như thế nào để có những phương án phù hợp, những giải pháp để thực hiện nghị quyết của Chính phủ, tiếp tục cải cách hệ số năng lực cạnh tranh của địa phương.
Theo đó, từ năm 2019 trở đi, định kỳ ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, Tổng cục Thống kê sẽ công bố bộ chỉ số này và sách trắng về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam.
Tại cuộc họp, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điềm ngày 1/7/2018, cả nước có 702.710 doanh nghiệp đang tồn tại thuộc diện quản lý thuế của Tổng cục Thuế. Trong đó, có 674.759 doanh nghiệp tồn tại có báo cáo tài chính hoặc không có báo cáo tài chính nhưng Tổng cục Thống kê điều tra được; 27.951 doanh nghiệp có trong danh sách quản lý thuế nhưng không có báo cáo tài chính và Tổng cục Thống kê không xác minh được.
Cũng theo báo cáo, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016. Trong đó, khu vực doanh nghiệp dịch vụ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất (tăng 35%) và tăng trưởng thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chỉ tăng 2,9%).
Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp, khu vực FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các loại hình doanh nghiệp khác (đạt 384,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6%) và thấp nhất là doanh nghiệp nhà nước (đạt lợi nhuận trước thuế 200,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8%). Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra khoản lợi nhuận khiêm tốn với 291,6 nghìn tỷ đồng nhưng lại đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước, tăng 22,2%. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp FDI có lợi nhuận trước thuế cao nhất nhưng chỉ đóng góp 265,7 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, tăng 6%.
Về thu nhập của người lao động, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp đạt 8,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,1% so với năm 2016.