Công bố 2 bảo vật mang mốc son chiến thắng của dân tộc

Máy bay MIG-21 số hiệu 4324 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam
Máy bay MIG-21 số hiệu 4324 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam
Ngày 10/3, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã công bố, giới thiệu máy bay MIG-21 số hiệu 4324 và bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” - 2 biểu tượng chiến thắng, đoàn kết, anh dũng của Quân đội nhân dân Việt Nam vừa được công nhận là Bảo vật quốc gia.

16 lần nổ súng, hạ 14 máy bay địch

Thiếu tướng Nguyễn Văn Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết: Máy bay MIG-21 số hiệu 4324 là loại máy bay chiến đấu phản lực tiêm kích, 1 người lái, lắp động cơ phản lực P11-300 do Liên Xô (cũ) sản xuất năm 1965, viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được biên chế vào đội hình tiêm kích của Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 Không quân từ tháng 1-1967. Chỉ riêng trong năm 1967, máy bay MIG-21 số hiệu 4324 cùng các phi công đã cất cánh 69 lần, gặp địch 22 lần, nổ súng 16 lần, bắn rơi 14 máy bay Mỹ các loại. Sau mỗi lần lập chiến công, các phi công đều được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và máy bay được sơn thêm một ngôi sao đỏ lên hai bên thân phía trước.

Từ tháng 1 đến tháng 12/1967, máy bay này đã tham gia chiến đấu ngăn chặn các đợt tấn công của không quân Mỹ tại miền Bắc Việt Nam, góp phần đập tan âm mưu leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Trên mình chiếc MIG-21 số hiệu 4324 có in đậm 14 ngôi sao đỏ, đó là 14 lần máy bay lập công bắn rơi 14 máy bay Mỹ các loại, trong đó có các loại sừng sỏ như “Thần sấm” (F105), “Con ma” (F-4)... Những trang lý lịch kỹ thuật của máy bay còn lưu giữ tên của các phi công có bề dày thành tích trong chiến đấu đã làm cho những phi công sừng sỏ của không lực Hoa Kỳ nể phục như Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Hồng Nhị... Có tới 8/9 phi công lái máy bay này đã trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 5 đồng chí được phong hàm cấp tướng, là cán bộ giữ trọng trách cao của Đảng, Nhà nước và quân đội, có đồng chí đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu. Máy bay MIG-21 số hiệu 4324 là hiện vật có giá trị đặc biệt, là biểu tượng chiến thắng của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thanh Ngân, phi công đã cùng máy bay MIG-21 số hiệu 4324 tiêu diệt 2 “Thần sấm” (F105) năm 1967 đã không giấu nổi xúc động trong buổi lễ vinh danh chiếc máy bay. Thượng tướng Phạm Thanh Ngân kể: “Những năm kháng chiến chống Mỹ, ta còn sử dụng máy bay MIG-17, chỉ mang được pháo mà không có tên lửa, trong khi Mỹ có vũ khí và dàn máy bay đi trước ta mười mấy năm, toàn những máy bay siêu âm được mệnh danh “Thần sấm” (F105), “Con ma” (F4). Đến ngày 9-1-1967, chiếc MIG-21 số hiệu 4324 chính thức được trang bị cho Trung đoàn Không quân 921. MIG-21 là máy bay siêu âm, tốc độ gấp đôi MIG-17, có tên lửa hồng ngoại, tên lửa điều khiển vô tuyến, có radar… Chiếc 34 (cách gọi tắt của MIG-21 số hiệu 4324) tuyệt vời lắm! Nhiều trận không chiến ác liệt, bị tên lửa bắn nhưng không rơi nhé! Anh em thay nhau điều khiển chiếc 34 đều lập thành tích xuất sắc”.

Tấm bản đồ định đoạt số phận của đế quốc Mỹ tại Việt Nam

Bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” là tấm bản đồ miền Nam Việt Nam can 12 mảnh. Phía trên có chữ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh; phía dưới góc bên phải bản đồ có chữ viết “Làm tại Chỉ huy sở, ngày 22-4-1975”. Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết: “Đây là tấm bản đồ duy nhất thể hiện ý chí, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta có chữ ký của cả đồng chí Chính ủy Phạm Hùng và đồng chí Tư lệnh chiến dịch Văn Tiến Dũng”. Trong hồi ký “Đại thắng mùa xuân”, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã viết: “Bản đồ Quyết tâm chiến dịch mang nét vẽ màu đỏ tươi chỉ các hướng tiến công của các binh đoàn vào Sài Gòn - Gia Định được trải rộng trên bàn... Đồng chí Phạm Hùng, Chính ủy và tôi - Tư lệnh chiến dịch cùng ký vào bản Quyết tâm đó, là quyết tâm của dân tộc Việt Nam anh hùng, của Đảng Lao động Việt Nam vinh quang, của Quân đội nhân dân Việt Nam bách chiến, bách thắng, Quyết tâm đó định đoạt số phận tập đoàn phản động bán nước Nguyễn Văn Thiệu và bọn đế quốc Mỹ xâm lược”.

Bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” được các cán bộ Phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cùng cán bộ tác chiến Bộ Tổng tham mưu thực hiện từ ngày 15-4-1975 dưới sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch tại Sở Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, căn cứ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, xin ý kiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị, ngày 21-4-1975, bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” hoàn thành. Bản đồ thể hiện 5 hướng tiến công của các binh đoàn chủ lực và các đơn vị tiến công vào Sài Gòn với các mục tiêu quan trọng: Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và sân bay Tân Sơn Nhất.

Công bố 2 bảo vật mang mốc son chiến thắng của dân tộc ảnh 1

Bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ chí Minh” là hiện vật minh chứng cho những tháng ngày hào hùng của dân tộc, ghi dấu sự kiện Bộ chỉ huy chiến dịch hoàn thành kế hoạch tác chiến cho chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng đánh vào đầu não của chính quyền và quân ngụy Sài Gòn, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” là hiện vật thể hiện thành quả lao động sáng tạo, tập trung trí tuệ của Bộ chỉ huy chiến dịch trong việc giải quyết vấn đề tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa các hướng tiến công, kế hoạch bảo đảm giữa các hướng. Hiện vật này thể hiện rõ quyết tâm chiến đấu, đoàn kết nhất trí cao của tập thể Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng đã đạt tới đỉnh cao.

Bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước, đó là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm của dân tộc ta.

Theo Theo Sài gòn giải phóng
MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Ngày 28/9/2024, khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh đón Ban tổ chức cùng đoàn đại biểu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đến thăm và Thảo luận chương trình Đại lễ Vesak 2025. Tại đây, các đại biểu đồng nhất cho rằng núi Bà Đen sẽ là điểm phải đến của hàng nghìn đại biểu trong dịp Đại lễ Vesak.