Công binh Việt Nam sẽ tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại hội nghị
“Sắp tới đây, Việt Nam sẽ cử các đơn vị công binh và các bệnh viện dã chiến cấp 2 đi làm nhiệm vụ ở các phái bộ của LHQ”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị “Đối ngoại Đa phương thế kỷ 21-Khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội ngày 12/8, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, việc thành lập Trung tâm Gìn giữ Hòa Bình hồi tháng 5 vừa qua là một sự kiện mang tính lịch sử của Việt Nam trong khuôn khổ tham gia các hoạt động của LHQ. Đồng thời, việc cử hai sĩ quan liên lạc đi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan đầu tháng 6 vừa qua đã khẳng định chủ trương của nhà nước Việt Nam góp phần vào giữ gìn hòa bình, ổn định trên toàn thế giới.

“Sắp tới đây, Việt Nam sẽ cử các đơn vị công binh và các bệnh viện dã chiến cấp 2 đi làm nhiệm vụ ở các phái bộ của LHQ”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho hay.

Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi sẽ chia sẻ những điều mà Việt Nam đã trải qua trong các cuộc chiến tranh như dà phá bom mìn, quân y, tái thiết... với bạn bè quốc tế dù bằng những khả năng còn hạn chế của mình”.

Theo thứ trưởng, hai sĩ quan liên lạc của Việt Nam làm nhiệm vụ ở Nam Sudan được phái bộ ở đây đánh giá cao là những sĩ quan gương mẫu. “Tôi tin trong thời gian tới, các lực lượng khác của Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ khi giữ gìn hòa bình của LHQ”, ông nói.

Một quốc gia tự áp đặt vấn đề của mình lên toàn thế giới, thế giới sẽ hỗn loạn

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói, ông đồng ý với các diễn giả tại hội nghị khi cho rằng: các thách thức và cơ hội hiện nay đều mang tính chất toàn cầu hóa và xuyên quốc gia, và không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết thách thức.

Trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, các thách thức về phi truyền thống và truyền thống trong thế kỷ 21 không chỉ là vấn đề của một đất nước mà là mang tính xuyên quốc gia do vậy việc giải quyết phải đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn cầu, nhưng đồng thời cũng yêu cầu trách nhiệm rất cao của mỗi quốc gia.

“Nếu một quốc gia tự khu biệt mình, tự giải quyết việc của mình, tự áp đặt vấn đề của mình lên toàn thế giới thì chúng ta sẽ có một thế giới hỗn loạn khi thế giới đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, khoa học công nghệ nhưng cùng với đó là sự phát triển của những vũ khí giết người hàng loạt, phương tiện quân sự tối tân...”, ông nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, để tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức, các quốc gia cần các công cụ kinh tế, chính trị, pháp luật, công cụ quốc phòng quân sự, và đặc biệt công cụ ngoại giao là quan trọng hàng đầu để giải quyết các mối quan hệ quốc tế cả song phương và đa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng: Vấn đề tranh chấp luôn được đề cập trong các diễn đàn đa phương về quốc phòng.“Vấn đề tranh chấp luôn phải được giải quyết giữa các nước với nhau, điều đó không ai bàn cãi, đặc biệt trong thế giới hội nhập như hiện nay, khi tranh chấp ấy mang tính phổ quát toàn cầu. Ví dụ như tranh chấp trên biển, rõ ràng nó ảnh hưởng đến an ninh khu vực và thế giới chứ không chỉ có các nước tranh chấp với nhau,” ông nói.

Các diễn đàn đa phương trong lĩnh vực quốc phòng ngày càng trở nên quan trọng. Vì vậy, Việt Nam rất quan tâm đến hoạt động hợp tác quốc tế về quốc phòng, trong đó có hợp tác đa phương về quốc phòng. Trước hết ở châu Á-Thái Bình Dương và ở Liên hợp quốc...

“Tôi rất thấm thía trước sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với Việt Nam. Từ những thách thức do những cuộc chiến tranh trước đây để lại đến những thách thức an ninh phi truyền thống đến và những thách thức ngày hôm nay về tranh chấp lãnh thổ, tiếng nói quan tâm của cộng đồng quốc tế rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh giúp chúng ta vừa giữ được hòa bình, vừa giữ được chủ quyền” ông bày tỏ.

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam không có khủng bố, nhưng Việt Nam tham gia rất tích cực vào hợp tác chống khủng bố trên thế giới. Về an ninh biển, trong thềm lục địa phạm vi 200 hải lý, Việt Nam không có cướp biển, vùng biển Việt Nam an toàn và yên tĩnh nhưng Việt Nam rất quan tâm đến chống cướp biển. Cách đây 2 năm, cảnh sát biển đã chủ động bắt giữ một vụ cướp biển từ nước khác chạy vào vùng hải phận, thềm lục địa của Việt Nam và sau đó chúng ta đã xử lý theo pháp luật quốc tế, trả cho các nước có liên quan xử lý.

Theo Nam Hằng

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG