Mới đây, đêm 3/2, tại một căn nhà trong hẻm 169 Trần Văn Đang (phường 11, quận 3) xảy ra vụ trộm đột nhập táo tợn. Người lớn đi vắng, chỉ còn hai người con nhỏ ở nhà.
Một lãnh đạo của Đội chống trộm cắp, lừa đảo (Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM) chia sẻ với bạn đọc 5 điều phụ huynh phải dạy con khi có trộm vào nhà.
“Trẻ em thường phản xạ theo bản năng, việc yêu cầu trẻ phải bình tĩnh…như người lớn rất khó. Đây là quan điểm của cá nhân tôi. Tôi hy vọng những điều này có thể giúp phụ huynh trang bị cho các em kỹ năng ứng phó nếu không may gặp tình huống trên”, ông nói.
Trốn
Bản chất của trộm là lén lút và mục đích ban đầu chỉ là tài sản. Tuy nhiên nếu phát hiện trẻ đã nhận diện ra khuôn mặt kẻ trộm thì không thể loại trừ khả năng nguy hiểm đến tính mạng. Người lớn có sức khỏe tốt và đông người có thể hợp lực tìm kế bắt trộm nhưng trẻ em thì rất khó. Bởi vậy, khi thấy trộm, các em nên tìm vị trí trốn an toàn.
Nhưng vấn đề là trốn ở đâu và trốn thế nào để đảm bảo an toàn?
“Giống như các em chơi trò trốn tìm, hãy trốn ở những vị trí người khác khó có thể tìm thấy được. Điều quan trọng nhất là phải xác định em đang ở vị trí nào trong căn nhà. Chẳng hạn, ở trong phòng ngủ, không có khóa chắc chắn mà chạy ra toilet trốn thì rất dễ bị phát hiện. Vị trí trốn phải bí mật, kín đáo, chẳng hạn gầm dường, tủ, toilet… Nhưng cần phải chú ý, tủ này không phải là tủ đựng đồ quý giá vì trộm sẽ lục tới”, vị cán bộ nói.
Thông tin bí mật báo cho người nhà
Trở lại vụ trộm táo tợn ở quận 3 hôm 3/2. Như chúng tôi đã đưa tin “quận 3: trộm táo tợn vào nhà như chốn không người”, cụ thể: hai vợ chồng chủ nhà vừa rời khỏi nhà tầm 30 phút thì trộm đột nhập vào nhà gây án.
Trong nhà còn có 2 đứa trẻ là con ông ở nhà trông nhà: một bé 15 tuổi, bé 11 tuổi. Khi thấy có hai thanh niên mặt mày bặm trợn dừng xe trước nhà ngang nhiên bẻ khóa vào nhà khiến các em hoảng sợ bỏ chạy vào phòng ngủ chốt cửa lại để trốn. Đợi lúc chúng bỏ đi, một trong hai em mới dám chạy ra đường truy hô và gọi điện thoại báo tin cho cha mẹ.
Nhận xét về hành động của hai em, vị lãnh đạo này cho biết: Hai em rất bình tĩnh và đó là cách làm an toàn.
Trong điều kiện có thể thông tin được cho phụ huynh và phụ huynh ở gần, nếu biết sử dụng điện thoại, trước khi dùng các em nên để điện thoại ở chế độ im lặng, thông báo ngắn gọn nhanh nhất để ba mẹ trở về.
“Có nhiều em nhỏ không biết sử dụng điện thoại, cha mẹ có thể trang bị thiết bị tự động, khi có việc khẩn, trẻ ở nhà chỉ cần bấm nút báo động cho ba mẹ. Ngay khi nhận được tin báo, phụ huynh cần đồng thời báo cho chính quyền địa phương để có giải pháp phối hợp”.
Ông nhấn mạnh phụ huynh phải có trách nhiệm dạy cho trẻ số điện thoại của công an phường. Có một số gia đình dán luôn số điện thoại công an phường ở vị trí bắt mắt, mọi thành viên trong gia đình đều dễ nhìn thấy và ghi nhớ là một phương án hay.
Số điện thoại này được công khai trong các cuộc họp địa phương, có những nơi dán lên cả bảng thông báo. Nếu không biết nữa thì gọi 1080 hỏi sẽ biết.
Tự vệ
Dù trốn rất kỹ thậm chí đã khóa cửa nhưng không loại trừ khả năng trộm vẫn tìm ra được vị trí của trẻ. Bởi vậy hãy dạy trẻ cách tự vệ.
Trong mỗi gia đình, ba mẹ cần trang bị công cụ tự vệ và phổ biến cho các thành viên trong gia đình biết: có thể là những khúc tre, nứa… để đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Khi phát hiện trộm đột nhập, trẻ dễ dàng tìm thấy công cụ để tự vệ.
Tính mạng là số 1
Ba mẹ cần dạy trẻ: tính mạng là số 1. Với ba mẹ, con là số 1. Tiền bạc bị trộm mất có thể kiếm lại được, nhưng bao nhiêu tiền bạc cũng không đổi lại được tính mạng con người”.
Cách để phòng tránh trộm đột nhập
- Đừng khoe của trên Facebook: Hiện nay trộm có trình độ tin học rất nhiều. Chúng có thể lợi dụng mạng xã hội để biết tình hình và đột nhập. Những dòng status mang nội dung: Chỉ ở nhà một mình, cả nhà đi du lịch… chẳng khác gì một lời mời gọi với những tên trộm tinh vi.
- Tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền của tổ dân phố về những thủ đoạn ngày càng tinh vi của trộm cướp để chủ động có biện pháp phòng tránh.
- Nâng cao ý thức cảnh giác bảo vệ tài sản: như khóa, kiểm tra lại cửa sổ, cửa ra vào, tum...
- Khi về gần đến nhà đừng ngại dừng lại ở một góc quanh hoặc quan sát gương xem có ai đang bám sau mình không. Nên khóa cửa bên trong thay vì khóa ngoài. Về nhà, ngoài khóa cổ khóa càng xe cần chú ý lấy chìa khóa cất kĩ thay vì cắm luôn chìa khóa trên xe.
- Nên đặt những đoạn cây (tre, sắt, gỗ) rải rác trong nhà: có thể là góc cửa, dưới gầm giường hoặc làm chỗ máng hay treo thứ gì đó. Việc này phải được phổ biến cho tất cả các thành viên trong gia đình.
- Nếu có điều kiện, nên lắp đặt camera an ninh và hệ thống cảnh báo xâm phạm.
Thượng tá Phạm Xuân Thao (Phó trưởng Công an quận 4).