Còn tình trạng doanh nghiệp phải 'mua giấy phép'

Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn về vốn, các loại phí không chính thức...
Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn về vốn, các loại phí không chính thức...
TPO - Nhiều doanh nghiệp (DN) startup cho biết họ chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng là có giấy phép. Tình trạng “mua giấy phép” chứ không cần xin giấy phép vẫn tồn tại trong suy nghĩ của giới kinh doanh.

Đó là ý kiến của chuyên gia tại hội thảo “Các trợ lực để doanh nghiệp SMEs ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Công ty Kizuna tổ chức ngày 3/10 tại TPHCM.

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI TPHCM), phần lớn DN SMEs (nhỏ và vừa) đều đi lên từ hộ kinh doanh.

Việt Nam có khoảng 97% DN SMEs. Con số này được công bố hàng năm và hầu như không có sự thay đổi tích cực nào. DN nhỏ mãi vẫn nhỏ, số lượng DM từ quy mô nhỏ phát triển đến quy mô vừa vẫn rất ít, chưa kể nhiều DN rơi rụng sau vài năm phát triển. 

Còn tình trạng doanh nghiệp phải 'mua giấy phép' ảnh 1 Các diễn giả tại hội thảo

Trong cuộc điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, lý giải nguyên nhân DN SMEs thời gian qua chưa có sự phát triển. Đó là còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong tiếp cận nguồn lực cho quá trình hoạt động như nắm bắt thông tin chính sách, pháp luật, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai; chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thấp và chưa đúng đối tượng;  gánh nặng về thủ tục hành chính cũng như thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước địa phương đối với các DN lại càng lớn.

“Hơn 6% DN vẫn chấp nhận những chi phí không chính thức. Điều này khiến cho công cuộc phòng chống tham nhũng còn nhiều khó khăn” - Trần Ngọc Liêm cho biết.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Liên Phương, Giám đốc nghiên cứu InsightAsia cho rằng: “Nhiều DN startup cho biết họ chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng là có giấy phép. Tình trạng “mua giấy phép” chứ không cần xin giấy phép vẫn tồn tại trong suy nghĩ của giới kinh doanh”.

Về khó khăn của DN, báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường InsightAsia cho thấy, khó khăn về vốn đối với DN SMEs được đặt lên cao nhất với 62%; 60% gặp khó về nguồn khách hàng; khó khăn về nhà xưởng chiếm 55%, và 45% gặp khó về pháp lý.

Còn tình trạng doanh nghiệp phải 'mua giấy phép' ảnh 2 Việt Nam có khoảng 97% DN SMEs, trong đó đa số đều khởi sự từ hộ kinh doanh

Theo các chuyên gia, những điểm yếu của DN SMEs cùng với những thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế thế giới khiến họ sẽ còn gặp khó trong tương lai. Việc cần làm của khối DN này là phải chủ động trước cơ hội lẫn thách thức. Không những vậy, DN SMEs cần phải có chiến lược phù hợp, hiệu quả để thích nghi và thay đổi. 

Một con số khả quan được ông Đỗ Khắc Cường, Giám đốc quốc gia phụ trách khối DN SMEs của Microsoft công bố, 86% DN SMEs tại Việt Nam tiếp cận tốt với công nghệ thông tin, cao hơn tỷ lệ này ở rất nhiều nước tại Châu Á như Malaysia, Hongkong, Trung Quốc, Nhật Bản… Ông Cường cho rằng DN SMEs sẽ thực sự tăng tốc nếu tận dụng thế mạnh công nghệ để phát triển trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".