Trước ngày lấy phiếu, có tin đồn lobby này nọ. Điều đó là khó tránh khỏi trong một cuộc bỏ phiếu. Sau khi công bố kết quả, cả người bỏ và người được lấy phiếu đều chia sẻ cởi mở với báo chí bên hành lang Quốc hội. Đa số các đại biểu bày tỏ niềm vui, sự đồng tình. Nhiều người chia sẻ với một số tư lệnh ngành ngồi ghế “nóng” như giáo dục, giao thông, nhiều “tín nhiệm thấp” là điều khó tránh khỏi. Song vẫn còn những băn khoăn, thậm chí còn thấy tổn thương vì con số.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, người được biết đến với những phát biểu thẳng thắn, trực diện, bên hành lang Quốc hội nêu quan điểm: Lá phiếu không chỉ của riêng đại biểu, mà trên hết phải thể hiện tâm tư, nguyện vọng cử tri, bà nêu băn khoăn về số phiếu dành cho một vị tư lệnh ngành: 137 phiếu “tín nhiệm thấp” nhưng lại có 140 phiếu “tín nhiệm cao”.
Đại biểu đặt vấn đề: Vậy anh đứng ở góc nhìn nào để đánh giá? “Trong một bài thi, điểm số của các giám khảo có thể chỉ xê xích chút thôi chứ không thể một trời một vực như vậy được. Tự dưng tôi nhớ đến trường hợp điểm thi tốt nghiệp vừa qua cũng hết sức khác biệt trước và sau khi bị thanh tra”.
Nhắc đến “góc nhìn”, không ít đại biểu chia sẻ rằng, nếu các đại biểu dân cử có quyền đánh giá những người do Quốc hội bầu, phê chuẩn, thì cử tri và người dân cũng có quyền đánh giá chính những ĐBQH mình đã bầu ra: Vì sao những đánh giá lại chênh lệch như vậy? Ai đánh giá đúng và ai chưa đúng? Vân vân và vân vân.
“Cả nhiệm kỳ Quốc hội chỉ lấy phiếu một lần. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự đánh giá của người dân thông qua truyền thông, báo chí và nhiều kênh khác. Người dân có dư trình độ để đánh giá công việc của từng người được lấy phiếu”, vị đại biểu TPHCM nhận xét.
Sau lấy phiếu, đại biểu kỳ vọng, mong muốn sự nêu gương và vươn lên để làm tốt hơn nữa của các trưởng ngành. Cũng có người mong muốn lãnh đạo phải “tập dần” văn hóa từ chức khi số phiếu tín nhiệm thấp. Là bởi, những con số tưởng chừng khô khan nhưng lại luôn biết nói.