Còn nhiều rào cản về chính sách với V-KIST

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (giữa) và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (thứ 2 từ phải sang) cùng các đại biểu làm lễ động thổ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc chiều 22/3.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (giữa) và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (thứ 2 từ phải sang) cùng các đại biểu làm lễ động thổ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc chiều 22/3.
TP - Sau 5 năm chuẩn bị, Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) vừa động thổ chiều 22/3, mở ra nhiều hy vọng mới cho sự phát triển của KHCN Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lo ngại, băn khoăn về dự án được đánh giá là đột phá này.

Tiệm cận mô hình nghiên cứu quốc tế

Trong lễ động thổ chiều 22/3 với sự có mặt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, bà Lee Miuk Yung, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc cho biết, dự kiến năm 2020 trụ sở Viện sẽ khánh thành giai đoạn 1 với 4 tòa nhà, cùng các trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, đội ngũ nhà nghiên cứu ưu tú nhất. Theo cam kết trước đó, số tiền 35 triệu USD sẽ dùng để xây dựng tòa nhà V-KIST, mua và lắp đặt các phương tiện nghiên cứu hiện đại, hỗ trợ một phần kinh phí vận hành quản lý. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng sẽ hỗ trợ tư vấn phương án vận hành viện, cùng tổ chức nghiên cứu thí điểm, nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch hoạt động cho V-KIST tiếp cận theo mô hình quốc tế với lộ trình bài bản, hướng đến phát triển công nghệ công nghiệp phục vụ các ngành sản xuất tại Việt Nam. Giai đoạn đầu tiên, V-KIST sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghiên cứu, xây dựng và vận hành hệ thống đào tạo nguồn nhân lực. Các hoạt động nghiên cứu bước đầu sẽ được triển khai ngay từ năm 2018 với mục tiêu giải quyết nhu cầu công nghệ cấp thiết của một số ngành công nghiệp, cụ thể là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học.

Trong 5 năm tiếp theo, V-KIST đặt mục tiêu xây dựng uy tín và mở rộng hoạt động nghiên cứu hướng đến cung cấp sản phẩm công nghệ có chiều sâu cho doanh nghiệp, phấn đấu đưa trình độ công nghệ của hai lĩnh vực trên đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Giai đoạn kế tiếp, Viện sẽ hướng tới thị trường thế giới và hợp tác nghiên cứu với đối tác
toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, người gắn bó với dự án V-KIST từ những ngày đầu, V-KIST sẽ có được nhiều lợi thế khi đi vào hoạt động. Đầu tiên là sự ủng hộ tích cực từ phía Hàn Quốc thông qua khoản viện trợ không hoàn lại và sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ KH&CN. Thứ hai, Viện trưởng hiện nay của Viện V-KIST là TS. Kum Dongwha, nguyên Viện trưởng viện KIST giai đoạn 2006-2008, là người có kinh nghiệm và nhiều tâm huyết với Việt Nam. Về mặt tổ chức, V-KIST là viện đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Viện theo hướng hội đồng quyền lực. Đây sẽ là cơ quan quyết định mọi hoạt động của viện, Viện trưởng là người thực thi. Chủ tịch Hội đồng Viện theo quy định của Nghị định 50/2015/NĐ-CP là Bộ trưởng Bộ KH&CN, thành viên có một số bộ ngành như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện một số doanh nghiệp lớn và một số nhà khoa học. Nhiều nhà khoa học Việt Nam cũng quan tâm đến V-KIST. Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ tài chính của Hàn Quốc, giai đoạn đầu V-KIST có thể thu hút được nhiều nhà khoa học nước ngoài, nhà khoa học Việt kiều vào làm việc.

Thiếu chính sách đột phá

Mặc dù có nhiều thuận lợi, song theo ông Nguyễn Quân, để V-KIST có tầm ảnh hưởng như viện KIST đối với Hàn Quốc thì chưa thể bởi còn nhiều rào cản về chính sách, nhất là chính sách thu hút các nhà khoa học giỏi.

Sự thành công đột phá của KIST dựa trên ba yếu tố: Có Tổng thống đỡ đầu, có một đạo luật riêng và có một đội ngũ các nhà khoa học từ các quốc gia phát triển trở về. Năm 1966, khi xây dựng viện KIST, Hàn Quốc cũng có hệ thống viện nghiên cứu tương tự như Việt Nam bây giờ. Tuy nhiên, KIST vẫn được xây dựng với một cơ chế đặc thù như cơ chế tự chủ tài chính, không phải kiểm toán, tức là không chịu một số rào cản của Luật Ngân sách. Ban lãnh đạo Viện rất giỏi và sáng tạo. Các nghiên cứu của KIST làm theo đơn đặt hàng của các tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn Quốc. Phần lớn các ứng dụng công nghệ của một số ngành công nghiệp và các tập đoàn lớn đều xuất phát từ KIST.

Tuy nhiên, V-KIST lại chưa có được cơ chế đặc thù về tài chính, thu hút nhân lực giống như KIST. “Chúng tôi đã trình cơ chế đặc thù cho V-KIST nhưng chưa được các bộ, ngành đồng tình. Các bộ, ngành muốn V-KIST hoạt động theo cơ chế hiện hành của Viện công lập, từ chính sách tuyển dụng cán bộ, lương, phụ cấp, chế độ thanh toán hội nghị hội thảo, công tác phí, đề tài dự án”, ông Nguyễn Quân chia sẻ.

Trong đó, điều đáng lo ngại nhất là chưa có chính sách thu hút người giỏi về làm việc. “Điều quan trọng nhất để V-KIST có thể hoạt động tốt là phải thu hút được các nhà khoa học giỏi, nhất là các nhà khoa học trong nước. Muốn thế phải có cơ chế thu hút nhân tài, không chỉ là vấn đề tiền lương mà còn môi trường làm việc. Chúng ta chưa có chính sách để V-KIST có thể thu hút và giúp các nhà khoa học an tâm làm việc, dù trước mắt các nhà khoa học nước ngoài, nhà khoa học Việt kiều có thể nhận được sự hỗ trợ tốt từ phía Hàn Quốc”.

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST) xây dựng theo mô hình viện KIST của Hàn Quốc. Năm 1966, với ý chí của Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee, Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) được thành lập nhằm mục tiêu phục vụ đẩy nhanh phát triển kinh tế. Với cơ chế đặc thù, KIST trở thành viện nghiên cứu số 1 Hàn Quốc, được đánh giá đóng góp tới 30% giá trị gia tăng các sản phẩm công nghiệp của nước này. Hiện KIST là một trong 10 cơ sở nghiên cứu ứng dụng hàng đầu thế giới.

MỚI - NÓNG