Còn nhiều 'đấu sĩ' rượu

Còn nhiều 'đấu sĩ' rượu
Chiều 25-10, các bác sĩ khoa nội Bệnh viện Đa khoa Bến Lức (Long An) cho biết sức khỏe ông Phan Văn Thắng (người may mắn sống sót sau cuộc tỉ thí rượu) đã cơ bản hồi phục.

Còn nhiều 'đấu sĩ' rượu

> “Đấu” rượu, một người chết, một người nhập viện

Tuy nhiên, do chân ông Thắng còn bị tê nên phải ở lại bệnh viện theo dõi thêm. Nếu không có gì thay đổi thì hai ngày nữa ông Thắng sẽ được xuất viện.

Ông Phan Văn Thắng đã tự ăn uống lại được
Ông Phan Văn Thắng đã tự ăn uống lại được . Ảnh: Sơn Lâm

“Sợ rượu rồi, không dám uống nữa”

Ông Thắng cho biết, đã tự ăn cơm và uống nước, nhưng đi lại khó khăn. Nhắc tới rượu, ông Thắng bảo bây giờ ông rất sợ, không dám uống nữa vì cũng do rượu mà bạn nhậu của ông mất mạng, còn ông thì suýt "theo ông bà”.

Cũng trong sáng 25-10, người bại trận trong cuộc tỉ thí tay đôi bằng rượu đế với ông Thắng là ông Phan Văn Ríp đã được gia đình đưa đi an táng.

Hàng xóm của ông Ríp cho biết, nhiều năm nay ông nổi tiếng xứ này về việc uống rượu như uống nước. Ông Ríp có thể uống rượu từ sáng sớm đến chiều, bất cứ giờ nào cũng có thể uống nếu có bạn nhậu và có rượu.

“Mỗi lần nhậu là y như rằng có cảnh ông Ríp đổ rượu vào một ca lớn và thách uống. Uống xong rồi thách thức bạn nhậu xem có ai uống được như ổng không”, một bạn nhậu của ông Ríp kể.

Hai bên quốc lộ 1 qua địa bàn xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức có rất nhiều nhà dân trưng bày, bán rượu đế Gò Đen vốn nổi tiếng một thời. Có lẽ vì vậy mà người dân ở đây “mạnh rượu” cũng nên.

Không chỉ ông Ríp, ở xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức cũng có khá nhiều người uống ượu thuộc hàng “đội mạnh”. Những người này thi thoảng được gọi một cách hoành tráng là “hiệp sĩ rượu” hoặc cách gọi tệ hơn là “ma men”.

Căn nhà nơi ông Ríp lập “võ đài” tỉ thí tay đôi với ông Thắng là nơi thường xuyên được chọn để bày độ nhậu của các “hiệp sĩ rượu” ở xã này. Cũng tại đây, người dân địa phương nhiều lần chứng kiến ông Ríp và vài người khác gục tại chỗ sau trận tỉ thí tới bến.

Còn một số người dân ở gần nhà ông Thắng cho biết thêm, trước đây, ông này cũng uống rượu thường xuyên, nhưng gần đây xuống sức và ít thấy đi nhậu. Ông Thắng cho biết, mình đã yếu nên bỏ rượu rồi.

“Không hiểu sao sáng hôm đó đi ngang, nghe mấy người gọi tui không từ chối mà bước vào chơi. Cũng không hiểu tại sao lại nhận lời tỉ thí với ông Ríp để giờ ra nông nỗi này”-ông Thắng buồn rầu nói.

Công an huyện Bến Lức cho biết đã có mặt ngay khi được báo tin và xác nhận ông Ríp chết là do uống quá nhiều rượu. Vì thế việc khám nghiệm tử thi không cần thiết vì đã có sự cam đoan của gia đình sẽ không có khiếu kiện gì về sau, cho nên không thể xác định được ông Ríp bị ngộ độc rượu mức độ nào.

5 năm, 66 người chết do rượu

Lý giải tình huống khiến ông Phan Văn Ríp tử vong và ông Phan Văn Thắng phải vào viện cấp cứu sau khi “đấu rượu”, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Đáng cho rằng khả năng ông Ríp bị ngộ độc rượu cấp khi gan không kịp thải độc do lượng rượu uống vào cùng lúc quá nhiều.

Ngoài ra, chất trung gian chuyển hóa của rượu cùng lúc xuất hiện với số lượng lớn đã gây hôn mê não, khiến người uống rượu tử vong nhanh.

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm từ năm 2007 đến tháng 8-1012 có 66 người tử vong do uống rượu, 196 người phải nhập viện do ngộ độc rượu cấp. Năm loại rượu thường gặp trong các vụ ngộ độc rượu gồm rượu trắng (20 người tử vong), rượu trắng có methanol cao (26 người tử vong), rượu ngâm thuốc (8 người tử vong), rượu ngâm cây rừng độc (13 người tử vong) và rượu ngâm củ ấu (10 người phải đi viện).

Biểu hiện chung hay gặp ở người ngộ độc rượu là đau đầu, chóng mặt, nôn, co giật, rối loạn ý thức, mờ mắt, khó thở, tím tái, sốt, liệt, giảm cảm giác, đau bụng...

Một số trường hợp ngộ độc rượu mãn tính có biểu hiện mắt mở to nhưng không tiếp xúc, rối loạn ý thức và hành vi hoặc tổn thương gan, mật.

Bác sĩ Bế Hồng Thu, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo tùy theo khả năng dung nạp, tuy nhiên khi ethanol (thành phần có trong thức uống có cồn như rượu, bia) ở mức 200mg/dl máu, người uống rượu đã có thể hôn mê nhẹ, khi hàm lượng ethanol ở mức từ 400mg/dl máu trở lên, người uống rượu có thể hôn mê, ức chế hô hấp, tụt huyết áp, trong khi nồng độ ethanol trong rượu mạnh có thể lên đến 50%, gần tương đương nồng độ ethanol trong nước hoa.

Tại một hội thảo gần đây do Bộ Y tế tổ chức về tác hại của bia rượu, đại tá Vũ Quý Phi, phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, cho biết số vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu bia chiếm 6-8% tổng số tai nạn giao thông đường bộ - đường sắt.

Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm 500 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông thì 34% nạn nhân có cồn trong máu. Đó là chưa kể ảnh hưởng của rượu bia đang khiến người bệnh xơ gan và sau đó là ung thư gan tăng lên rất nhanh tại VN.

Ông Trần Đáng cho rằng không nên uống quá 120ml rượu 40 độ hoặc 3 lon bia/ngày. Tuy nhiên lúc đồng thanh “dô, dô”, “100%” ngoài quán rượu mỗi ngày thì làm sao tính được mỗi người uống bao nhiêu, và từ đó là bệnh tật hoặc chết người vì rượu.

Theo Sơn Lâm – Lan Anh
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG