Con nguy kịch vì mẹ học cách chữa bệnh trên mạng

Con nguy kịch vì mẹ học cách chữa bệnh trên mạng
Khi con bị bệnh, thậm chí là bệnh nguy cấp, nhiều mẹ vẫn rung đùi ngồi search Google để tự chữa trị cho con; chữa không được thì post lên diễn đàn rồi ngồi chờ các mẹ khác “cứu”.

Con nguy kịch vì mẹ học cách chữa bệnh trên mạng

> Muốn chia tay bạn gái đang có bầu

> Sữa Aptamil bán ở Việt Nam nhiễm nhôm 

Khi con bị bệnh, thậm chí là bệnh nguy cấp, nhiều mẹ vẫn rung đùi ngồi search Google để tự chữa trị cho con; chữa không được thì post lên diễn đàn rồi ngồi chờ các mẹ khác “cứu”.

Lên diễn đàn nhờ chẩn bệnh cho con

Ví dụ như trường hợp của một mẹ ở TP.HCM, có con 1 tuổi. Khi thấy con bị nôn liên tục, kèm theo sốt cao, lại thêm tiêu chảy, thay vì đưa con đến bệnh viện cấp cứu, chị này lại bình tĩnh ngồi search Google để hỏi cách chữa bệnh cho con, sau đó yên tâm làm theo chỉ dẫn của google, rồi ngồi chờ con khỏi bệnh. Nào ngờ, con không khỏi mà càng nôn nhiều hơn, người lả ra vì mệt.

Thế nhưng, bà mẹ trẻ vẫn tiếp tục ngồi máy tính để mở topic trên diễn đàn cầu cứu các bà mẹ khác.

 Từng du học và đi công tác ở vài nơi trên thế giới, nhưng chưa ở đâu, tôi thấy có chuyện lạ đời như ở Việt Nam, đó là, thấy con bị bệnh, thậm chí là bệnh nguy cấp, vậy mà nhiều mẹ vẫn rung đùi ngồi search Google để tự chữa trị cho con, chữa không được thì post lên diễn đàn rồi ngồi chờ các mẹ khác “cứu” con mình 

Chị Thanh Hải (Hai Bà Trưng – Hà Nội) 

Tất nhiên, khi những tình huống cấp bách như vậy được mở ra trên diễn đàn, thì ngay lập tức sẽ có liên tiếp những bình luận của các mẹ khác nhảy vào chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí là phỏng đoán bệnh và kê luôn thuốc điều trị cho trẻ. Do vậy, trường hợp của bà mẹ này cũng không phải ngoại lệ, chỉ sau vài chục phút, bà mẹ ấy đã có được hàng chục gợi ý chữa bệnh cho con mình.

Chẳng hạn như, trên diễn đàn, mẹ thì khẳng định như đinh đóng cột là cháu bị virus Rota, chỉ cần uống oresol. Trong khi mẹ khác lại bảo, đó là do bé bị tiêu chảy cấp, và rối loạn tiêu hóa, một mẹ khác nữa lại giới thiệu cho vài mẹo chữa bệnh dân gian giúp con khỏi bệnh…

Tuy nhiên, tất cả các phương pháp chữa bệnh đó đều vô hiệu với bé, bởi bé vẫn tiếp tục nôn nhiều, thậm chí là cả nôn khan, sốt cao, và tiêu chảy liên tục. Lúc đó, bà mẹ mới vội vàng đưa con vào viện.

Nhiều bà mẹ chưng ảnh con lên diễn đàn để hỏi kinh nghiệm chữa bệnh từ cư dân mạng
Nhiều bà mẹ chưng ảnh con lên diễn đàn để hỏi kinh nghiệm chữa bệnh từ cư dân mạng.

“Mình đọc thấy vậy mà sốt ruột thay, bởi thời gian bà mẹ này post lên mạng cho đến khi quyết định đưa con đi cấp cứu đã là gần 3 ngày, thời gian ấy, rất có thể đã là đủ để các bác sĩ ở bệnh viện chữa khỏi bệnh cho con. Hoặc ít nhất cũng sẽ giúp con không rơi vào tình trạng nguy kịch vì bị đưa đi cấp cứu muộn” – Chị Hà bức xúc nói.

Ở một trường hợp khác, khi thấy con mình mọc răng, lại húng hắng ho và sốt, chị Liên (Nam Đồng – Đống Đa – Hà Nội) cũng nhanh tay post thông tin lên facebook để trưng cầu ý kiến của các bậc tiền bối đi trước. Sau đó, chị yên tâm làm theo gợi ý của các mẹ trên facebook vì trên đó, nhiều mẹ cho rằng, bé sốt là do mọc răng, nên chỉ cần lau người cho bé bằng nước ấm, nếu sốt cao quá thì mới dùng thuốc hạ sốt cho con.

Tuy nhiên, đến ngày thứ 3, sau khi cho con dùng thuốc hạ sốt mà không khỏi, con ho nhiều hơn, khó thở, người tím tái, chị Liên mới tá hỏa đưa con đến bệnh viện. 

Lúc này, cháu bé đã ở trong tình trạng khá nguy hiểm, bị co rút hết cơ hô hấp, thậm chí còn có những cơn ngừng thở ngắn. Khi các bác sĩ tiến hành chụp phổi thì phát hiện bé đã bị tổn thương phổi rất nặng nề.

“Nhưng cũng may mà sau khi được điều trị kịp thời, bé đã ổn định trở lại. Bởi trên thực tế, có rất nhiều những trường hợp, trẻ có triệu chứng tương tự như trên, nhưng bố mẹ chủ quan, đưa con nhập viện quá muộn dẫn tới việc con không chỉ bị viêm phổi mà còn bị nhiễm trùng máu, thậm chí là tử vong” – BS Phi Nga, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cho biết.

Nhiều mẹ Việt tin diễn đàn hơn tin bác sĩ

Bên cạnh việc nhiều bà mẹ lười đưa con đến bệnh viện nên thường xuyên hỏi cách chữa bệnh cho con thông qua mạng internet, nhiều mẹ khác lại đặt niềm tin vào các bậc tiền bối trên diễn đàn internet hơn là tin bác sĩ.

Thấy con mình bị bệnh máu huyết tán, bác sĩ chỉ định phải truyền máu theo định kỳ vì trẻ bị thiếu máu do máu tan, gia đình chị Hạnh (Hà Đông – Hà Nội) răm rắp nghe theo. Tuy nhiên, đã qua nhiều lần truyền máu mà con vẫn không khỏi, chị Hạnh đành mang chuyện bệnh tật của con mình lên diễn đàn để hỏi ý kiến của các bà mẹ khác.

BS Phi Nga – Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
BS Phi Nga – Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.

Trên diễn đàn, chị Hạnh nhận được ý kiến của một vài bà mẹ cho rằng, dùng thuốc nam sẽ tốt hơn cho việc chữa bệnh thiếu máu của con. Vì thế, ngay lập tức, chị Hạnh chuyển sang dùng thuốc nam cho con.

Không may, một thời gian ngắn sau khi dùng thuốc nam, con chị Hạnh bị rơi vào tình trạng ngộ độc thuốc, gây nên hiện tượng tan máu, khiến con bị thiếu máu nhiều hơn.

Lúc đó, gia đình chị Hạnh mới vội vàng đưa con trở lại bệnh viện. Tại bệnh viện, các bác sĩ cho rằng, đó là một ca cấp cứu rất khó khăn khiến chị Hạnh khóc hết nước mắt.

“Nghe bác sĩ giải thích về tình trạng bệnh của bé và lộ trình điều trị. Bà mẹ mới ngớ người nhận ra sai lầm khi quá nôn nóng với bệnh tật của con, tự ý đổi thuốc dẫn đến ngộ độc khiến tình trạng bệnh của con trở nên trầm trọng hơn” – BS Phi Nga kể.

Theo BS Phi Nga, những bà mẹ như chị Hạnh không phải là hiếm. Nhiều bà mẹ, vì lo lắng quá, nên có gì là đưa lên mạng để hỏi, trong khi trên mạng mỗi người một ý kiến, người thì khuyên dùng thuốc, người khuyên dùng thuốc kia. Người lại bảo, dùng thuốc này chưa đủ, phải thêm thuốc khác…làm cho các thuốc cộng hưởng đẩy ngộ độc tăng lên.

“Do vậy các bậc cha mẹ, không nên cho con uống thuốc nếu không có chỉ định khám và kê toa của bác sĩ, kể cả là đơn thuốc của các dược sĩ ở những nhà thuốc. Bởi bên dược, họ chỉ biết về thuốc, mà không biết rõ về y.

Trong khi đó, lại có một số bệnh có nhiều triệu chứng giống nhau. Ví dụ, một bệnh sốt, thì có nhiều nguyên nhân gây sốt. Chẳng hạn mùa dịch bệnh thì ho và sốt có thể do virus hoặc do vi khuẩn bội nhiễm.

Do đó, khi trẻ bị sốt vào mùa này thì ra hiệu thuốc, nhiều khả năng nhân viên nhà thuốc sẽ cho trẻ dùng kháng sinh. Tuy nhiên, kháng sinh không chữa được tất cả các loại bệnh có sốt, mà nó còn diệt cả vi khuẩn có hại và có lợi ở đường ruột”, BS Phi Nga nói.

Cùng chung quan điểm này, TS Trương Mai Hồng, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho rằng, khi bệnh nhân ốm thì thì nên gặp bác sĩ. Bởi ai cũng biết, quá trình học y của một bác sĩ phải mất 6 năm, nhưng sau khi ra trường, không phải ai cũng hành nghề ngay được. 

Có nhiều người phải mất thêm 3 năm nội trú, học cao học cật lực nữa. Vậy mà nhiều khi kê một đơn vẫn còn run, thì không có lý do gì, chỉ dựa vào một bức ảnh trên mạng, và những dòng miêu tả mà những người không có chuyên môn có thể phán được chính xác bệnh cho trẻ.

“Do vậy, những người tin tưởng vào các bình luận trên mạng rồi chữa bệnh cho con thì đó là một sai lầm, mà tôi cho rằng đó là do ý thức hệ” – TS Hồng nói thêm.

Theo Minh Minh
Vietnamnet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG